Hôm thứ Hai (1/4), dẫn lời một phát ngôn viên giấu tên của Văn phòng Công tố viên Liege ở Bỉ, tờ Politico đưa tin, các công tố viên hàng đầu của EU đang tiến hành cuộc điều tra tham nhũng đối với Chủ tịch Ủy ban Châu Âu Ursula von der Leyen.

Cuộc điều tra liên quan đến việc mua gần hai tỷ liều vắc-xin Covid-19 của Pfizer cho EU vào thời điểm đại dịch virus corona đang ở đỉnh điểm. Phía công tố cáo buộc, người đứng đầu EC đã đàm phán riêng với ông Alber Bourla, giám đốc điều hành của công ty dược phẩm khổng lồ Pfizer, qua các tin nhắn văn bản về thỏa thuận trị giá hàng tỷ euro trước khi các thử nghiệm lâm sàng đối với vắc-xin này hoàn tất.

Chủ tịch Von der Leyen đã từ chối tiết lộ nội dung của các tin nhắn này, biện minh rằng bà không thể tìm thấy chúng.

Theo các tài liệu pháp lý mà Politico đã xem, các nhà điều tra của Văn phòng Công tố Chung (EPPO), những người đã và đang điều tra vụ án trong vài tháng qua, được cho là tin rằng Chủ tịch Von der Leyen có thể phạm tội “can thiệp vào các bộ phận chức năng công, xóa tin nhắn, tham nhũng và xung đột lợi ích.

Bất chấp các cáo buộc này cũng như bản thân Chủ tịch Von der Leyen đã thừa nhận rằng bà đã liên lạc riêng với Giám đốc điều hành Bourla của Pfizer trong gần một tháng trước khi ký thỏa thuận trị giá gần 20 tỷ euro (21,5 tỷ đô la), vẫn chưa có tội danh chính thức nào được đưa ra đối với nhà lãnh đạo EC.

Các nguồn tin của Politico cho biết, vụ việc này đã được chính phủ Ba Lan và Hungary ủng hộ. Hai quốc gia này cũng đã đệ đơn kiện chính thức đối với vai trò của bà Von der Leyen trong các cuộc đàm phán vắc-xin. Tuy nhiên tờ báo này lưu ý rằng Warsaw đã rút lại đơn kiện sau khi chính phủ thân EU của Thủ tướng Donald Tusk lên nắm quyền vào năm ngoái.

Tờ New York Times lần đầu tiên đưa tin vào năm 2021 rằng các cuộc trò chuyện riêng tư giữa Chủ tịch Von der Leyen và Giám đốc điều hành Bourla đã thực sự diễn ra trước khi ký kết thỏa thuận vắc-xin. Tờ báo của Mỹ cũng đã đệ đơn kiện đối với EC vì cơ quan này từ chối tiết lộ nội dung các tin nhắn văn bản của bà Von der Leyen cũng như từ chối yêu cầu của tờ báo này về việc được truy cập tài liệu.

Theo các quan chức EU, vụ kiện chống lại nhà lãnh đạo EC đã thu hút “sự quan tâm cực kỳ cao của công chúng”, trong bối cảnh nhiều người lo ngại rằng EU đã mua quá nhiều vắc-xin Covid so với mức cần thiết.

Tháng Mười Hai năm ngoái, Politico đưa tin, các quốc gia EU đã vứt bỏ ít nhất 215 triệu liều vắc-xin Covid, làm tổn thất gần 4 tỷ euro (4,3 tỷ đô la) tiền thuế của người dân. Mặc dù vậy, các liều vắc-xin Covid sẽ tiếp tục được chuyển đến EU ít nhất cho đến năm 2027 theo hợp đồng đã ký với Pfizer.

Gia Huy