Quan hệ cá nhân nhanh chóng hình thành và củng cố liên minh xuyên Đại Tây Dương. “Chủ tịch đã rất lo lắng. Thời điểm đó chưa một ai ở Châu Âu lưu ý, kể cả bên tình báo,” một quan chức Châu Âu nhớ lại, khi kể về kế hoạch bí mật từ năm 2021 mà cặp đôi Biden-von der Leyen dự định sẽ tung ra các trừng phạt nhắm vào Nga. Dưới đây là bài luận của Politico ngày 30/4 mà Trí Thức VN dịch nguyên văn.

GettyImages 1244794225
Bà Ursula von der Leyen và ông Joe Biden tại Hội nghị Lãnh đạo Các nước G20 tổ chức hồi 15/11/2022 tại Nusa Dua, Indonesia. (Nguồn ảnh: Leon Neal/Getty Images)

Tổng thống Mỹ Joe Biden vẫn luôn củng cố quan hệ cá nhân với người điều hành hàng đầu của EU, bà Ursula von der Leyen. Khi cả hai cùng phải đối mặt với cuộc đua tái đắc cử năm 2024, thì liên minh xuyên Đại Tây Dương giữa họ chắc chắn sẽ góp phần quan trọng trong chiến dịch gom phiếu bầu.

Cùng đua tái cử năm 2024 và liên minh xuyên Đại Tây Dương

Thời gian thật kỳ diệu, năm 2024, không chỉ Hoa Kỳ bầu tổng thống, mà EU cũng chọn nhóm quan chức hàng đầu tiếp theo.

Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden đã chính thức khởi động chiến dịch tái tranh cử vào tuần trước, và ông sẽ sớm giáp mặt với cử tri, có lẽ sớm hơn vài tháng so với bà Ursula von der Leyen, người vẫn chưa công bố sẽ tham gia tái tranh cử vị trí Chủ tịch Ủy ban Châu Âu của mình.

Hai người đã đến với nhau trên trên con đường này theo nhiều phương diện. Họ đã nhanh chóng tạo dựng mối quan hệ bền chặt khi sát cánh cùng nhau vượt qua nhiều chướng ngại vốn có, bởi xích mích dai dẳng giữa Hoa Kỳ và Châu Âu về mọi thứ, từ thuế quan, trợ cấp, cho đến các thỏa thuận an ninh.

Đồng thời, việc cặp đôi này sẽ ở lại hoặc sẽ ra đi sau bầu cử 2024 chắc chắn sẽ có những ảnh hưởng sâu rộng đối với liên minh xuyên Đại Tây Dương.

Một Biden bị đánh bại rất có thể đồng nghĩa với sự trở lại của Donald Trump, người khi còn là tổng thống đã phát động cuộc chiến thương mại chưa từng có với Châu Âu, công khai chất vấn về chủ nghĩa đa phương, và coi Liên minh Châu Âu là đối thủ. Và việc bà von der Leyen ra đi sẽ khiến vắng bóng một đồng minh kiên quyết của EU đối với một Biden tái đắc cử trong các chủ đề nhạy cảm như trừng phạt Nga và ngăn chặn Trung Quốc.

Còn nếu như cả hai đều rời đi, mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương sẽ như con thuyền lâm vào vùng lãnh hải hoàn toàn xa lạ, chưa ai biết được sẽ thành như thế nào.

Đó là một kịch bản mà những người ủng hộ họ rất không muốn đối mặt.

“Chúng tôi thật may mắn có Chủ tịch Ủy ban Châu  Âu Ursula von der Leyen và Tổng thống Biden ở vị trí của họ như ngày hôm nay,” theo dân biểu Gregory Meeks, đảng viên Đảng Dân chủ hàng đầu trong Ủy ban Đối ngoại Hạ viện, khi ông nói với Politico. “Cần có tài lãnh đạo và đạo đức minh bạch để lãnh đạo các liên minh gồm các đồng minh và đối tác trong việc giải quyết các thách thức toàn cầu chung của chúng ta.”

Thời gian hảo hợp (tuy có va chạm nhẹ)

Sự xuất hiện của ông Biden, một người theo chủ nghĩa xuyên Đại Tây Dương tận tụy, trong Tòa Bạch Ốc năm 2021 đã được chào đón với sự nhẹ nhõm thoải mái ở Brussels.

Bấy giờ EU vẫn đang quay cuồng sau những năm bị ông Donald Trump lôi đi ngồi tàu roller-coaster siêu tốc. Người ta dường như đều tự động nhất trí rằng mọi thứ chỉ có thể trở nên tốt hơn khi một Biden thân mật với EU ngồi ở Nhà Trắng.

Thực tế, quan hệ giữa Brussels và Washington đã trở lại bình thường nhanh hơn nhiều so với dự kiến ​​của nhiều người.

Theo Anthony Gardner, người từng là Đại sứ Hoa Kỳ tại Liên minh Châu Âu từ năm 2014 đến năm 2017: “Mối quan hệ giữa EU và Hoa Kỳ đang tốt hơn nhiều so với thời chính quyền Trump. Một phần chính là nhờ quan hệ bền chặt giữa ông Biden và bà von der Leyen, điều này đã cho phép các bên vượt qua mọi thách thức trong mối quan hệ.”

Ông nói đến những phối hợp gần đây về các biện pháp trừng phạt nhắm vào Nga sau khi Nga đưa quân vào Ukraine, và chỉ ra đó là bằng chứng về mối quan hệ chặt chẽ của cặp đôi này. Đó là một sự thay đổi lớn nếu so sánh với giai đoạn sau năm 2014, Gardner kể lại những trải nghiệm của mình khi làm việc với EU để cùng trừng phạt Moskva sau khi họ sáp nhập Crimea.

“Sự khác biệt giữa mức độ nhanh chóng và mức độ chúng tôi tiến hành các biện pháp trừng phạt là rất đáng chú ý,” ông kể. “Đó là một quá trình rất phức tạp. Cả hai bên đã đi xa hơn bất cứ điều gì đã được thống nhất vào năm 2014.”

Một phần của điều này là nhờ sự giao lưu tinh thần ăn ý giữa bà von der Leyen, cựu Bộ trưởng Quốc phòng Đức 64 tuổi, và ông Biden, tổng thống thứ 46 của Hoa Kỳ, người vốn đã rất quen thuộc với chính sách về Ukraine sau thời gian làm phó tổng thống dưới thời chính quyền Obama.

Khi Washington nêu lên những cảnh báo nghiêm trọng về ý định của Nga đối với Ukraine vào cuối năm 2021, rất ít người ở Châu Âu lắng nghe. Nhưng bà Von der Leyen lắng nghe. Tại một cuộc họp quan trọng của Phòng Bầu dục vào tháng 11 năm đó, ông Biden, người vừa đến sau cuộc họp báo của các quan chức tình báo và an ninh quốc gia về việc triển khai các tiểu đoàn Nga gần biên giới Ukraine, nó đã gióng lên hồi chuông cảnh báo cho bà von der Leyen.  

“Chủ tịch đã rất lo lắng. Thời điểm đó chưa một ai ở Châu Âu lưu ý, kể cả bên tình báo,” một quan chức Châu Âu nhớ lại vào tháng 10 năm ngoái, nói với điều kiện giấu tên.

Sau cuộc họp, nhóm của bà von der Leyen đã bí mật làm việc với chính quyền Mỹ về một bộ các trừng phạt sẽ cần được thông qua một khi Moskva đưa quân qua biên giới. Ủy ban Châu Âu đã sẵn sàng cho tình huống Nga xâm lược Ukraine.

Không phải tất cả màu hồng

Gây căng thẳng lớn nhất đối với các mối quan hệ Mỹ-EU là Đạo luật Giảm lạm phát của ông Biden.

Trong khi cuộc chiến ở Ukraine là dịp khiến Châu Âu và Hoa Kỳ xích lại gần nhau hơn, thì không phải mọi chuyện đều suôn sẻ.

Một dấu hiệu ban đầu của những rắc rối hiện nay là quyết định của Mỹ lựa chọn tham gia hiệp ước phòng thủ với Úc và Anh, được gọi là AUKUS. Quyết định này khiến Pháp phải trả giá bằng một hợp đồng tàu ngầm trị giá hàng tỷ euro và đưa ra một lời nhắc nhở ớn lạnh đối với Châu Âu về vị trí của mình trong trật tự phân hạng toàn cầu.

Tương tự, kế hoạch dỡ bỏ thuế thép và nhôm từ thời Trump đối với EU vẫn chưa được giải quyết, mặc dù đã hơn hai năm kể từ nhiệm kỳ tổng thống của ông Biden. Mặc dù Tổng thống Mỹ đã đồng ý tạm thời chấm dứt những rào cản vào năm 2021, nhưng cả hai bên phải đạt được một thỏa thuận mới trong năm nay, nếu không sẽ có nguy cơ bị áp thuế trở lại.

Nhưng căng thẳng lớn nhất đối với các mối quan hệ này là Đạo luật Giảm lạm phát của ông Biden. Đoạn luật đúng dịp mang tính bước ngoặt của tổng thống Mỹ đã khiến nhiều người Châu Âu giận dữ khi thấy các khoản trợ cấp khổng lồ của Hoa Kỳ đang thu hút các công ty Châu Âu rời đi.

Kể từ đó, bà von der Leyen đã bận rộn cố gắng xoa dịu mọi thứ. Tuy chuyến thăm Nhà Trắng vào tháng trước đã không dẫn đến một bước đột phá lớn, nhưng bà lập luận rằng nó đã đặt nền móng cho những điều chỉnh cho phép các nhà sản xuất ô tô Châu Âu được hưởng lợi từ các lợi ích về thuế năng lượng xanh. Hai đối tác cũng nhất trí hợp tác thúc đẩy hợp tác nguyên liệu thô.

Đi lại gần gũi giữa bà Von der Leyen và ông Biden đã khiến một số người lo lắng. Chủ tịch Hội đồng Châu Âu Charles Michel đã đặt câu hỏi, liệu Châu Âu có nên quá tin tưởng vào Hoa Kỳ hay không, đặc biệt là khi nói đến chính sách đối với Trung Quốc. Quan điểm đó cũng được lặp lại bởi Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, người đã cảnh báo Châu Âu không nên trở thành “tín đồ” của Mỹ, như ông nói trong một cuộc phỏng vấn với Politico và tờ báo Pháp Les Echos.

Ngoài ra, trong khi bà von der Leyen cân nhắc liệu có nên tìm kiếm nhiệm kỳ 5 năm thứ hai ở vị trí đứng đầu Ủy ban hay không, ở Brussels đang có nhiều đồn đoán về tương lai của bà.

Cựu Bộ trưởng Quốc phòng von der Leyen có thể nhắm vào vị trí lãnh đạo NATO sắp tới, mặc dù vị trí này xuất hiện hơi sớm nếu so với thời điểm nhiệm kỳ làm chủ tịch Ủy ban Châu Âu của bà kết thúc.

Hoa Kỳ, mặc dù là một thành viên của NATO và có tiếng nói cuối cùng về việc ai sẽ đảm nhận công việc đứng đầu NATO, có thể sẽ muốn có một ai đó ‘mang tai mắt’ của Nhà Trắng ở trên đỉnh EU.

Đối với ông Gardner, cựu Đại sứ Hoa Kỳ, quan điểm của bà von der Leyen đối với Trung Quốc là một trong những dấu hiệu gần nhất về sức mạnh của mối quan hệ giữa chính quyền Biden và Ủy ban Châu Âu. Người đứng đầu điều hành của EU đã hướng tới đường lối khắc nghiệt hơn của Hoa Kỳ đối với Bắc Kinh, ngay cả khi một số quốc gia hùng mạnh nhất của Châu Âu cảnh báo rằng EU phải duy trì quan hệ kinh tế với Trung Quốc. 

Ông Gardner nói: “Hồi đó, Ủy ban và các tổ chức của EU có quan điểm rất khác về Trung Quốc và thách thức của Trung Quốc. Nhưng đến hôm nay, thì các bài phát biểu, các thông báo chính sách đều cho thấy tuy chưa hoàn toàn hòa nhịp với Hoa Kỳ, nhưng EU đã tiến gần hơn nhiều đến quan điểm của Hoa Kỳ.”

Khi Hoa Kỳ gióng lên hồi chuông cảnh báo về tham vọng địa chính trị của Bắc Kinh, đặc biệt là khi nói đến Đài Loan, Biden có thể nhận ra rằng ông cần tiếng nói ủng hộ mà bà von der Leyen đưa ra về vấn đề Trung Quốc. Trước sự phản đối của một số nhân vật EU —nhất là ông Macron— đối với thế giới quan của Mỹ ở châu Á, thì Biden có thể cần tất cả sự hỗ trợ mà ông có thể nhận được.

Nhật Tân