Kể từ khi Nga bắt đầu tấn công Ukraine vào ngày 24/2, đến nay chiến hỏa đã bùng cháy hơn nửa tháng. Cuộc xung đột được coi là “cuộc chiến tồi tệ nhất của châu Âu trong nhiều thập kỷ” và những cú sốc của nó được cho là sẽ ảnh hưởng sức mạnh toàn cầu trong nhiều thập kỷ tới.

id13643815 275651603 2829790187315683 7649999212650114223 n e1646996565458 600x396 1
Ngày 11/3, Bộ Quốc phòng Ukraine công bố hình ảnh chiếc xe bọc thép bị phá hủy của Nga. (Ảnh: Bộ Quốc phòng Ukraine)

Xung đột Nga – Ukraine có thể đi đến đâu đã gợi lên nhiều suy nghĩ. BBC mới đây đã đăng tải bài viết nêu ra “5 kết cục có thể xảy ra“, bao gồm chiến tranh chớp nhoáng, chiến tranh kéo dài, chiến tranh mở rộng, giải pháp ngoại giao và Putin hạ đài.

Hôm 3/2, ông Mikhail Mikhailovich Khodarenok, một đại tá Nga đã nghỉ hưu và là nhà bình luận quân sự nổi tiếng, đã xuất bản một bài bình luận phản bác thái độ lạc quan của giới chính trị Nga trong thời gian dài về cuộc tấn công chớp nhoáng đối với Ukraine, và gọi đó là “ảo tưởng tùy tiện của các chuyên gia Nga đang phấn khích quá mức”.

Ông Khodarenok chỉ ra rằng mặc dù một số nhà phân tích chính trị đã nhấn mạnh hỏa lực mạnh mẽ của quân đội Nga sẽ phá hủy gần như tất cả các hệ thống quan sát và liên lạc của quân đội Ukraine, đồng thời loại bỏ các đơn vị pháo và xe tăng của nước này, tuyên bố rằng nhanh nhất sẽ chỉ mất vài chục phút là hạ được Ukraine. Tuy nhiên, “Điều này thực sự cho thấy rằng những nhà phân tích đó hoàn toàn không biết gì về tình hình quân sự, chính trị và tâm lý của đông đảo người dân nước láng giềng. Nói một cách thẳng thắn, mức độ thù hận giữa nước cộng hòa có biên giới với đất nước chúng ta (như chúng ta đều biết, lòng căm thù là nhiên liệu hữu hiệu nhất cho đấu tranh vũ trang) bị đánh giá thấp.”

Khẳng định của ông Khodarenok được coi là dự đoán chính xác, làm tan vỡ huyền thoại đánh nhanh sau chiến dịch quân sự sau đó của Putin.

Norman Naimark: 5 khả năng có thể xảy ra

Tiến sĩ Norman Naimark, giáo sư tại Trung tâm Nghiên cứu Đông Âu tại Đại học Stanford và là nhà nghiên cứu cấp cao tại Viện Hoover, cho rằng kết quả của cuộc chiến tranh Nga – Ukraine có nhiều khả năng có thể xảy ra, tuy nhiên tổng kết lại thì có lẽ có vài khả năng chính.

Các khả năng này bao gồm: Ukraine bị thu phục và bị chiếm đóng; trừng phạt quốc tế khiến người dân Nga gặp khó khăn, và Putin bị ruồng bỏ; sự chia cắt Ukraine, miền đông độc lập và chiến tranh ở miền tây; những người Ukraine chiến thắng trong cuộc chiến; và “mô hình Chechnya” đáng lo ngại nhất.

Ông Naimark nói với VOA rằng khả năng đầu tiên, nếu Ukraine bị chinh phục và chiếm đóng, câu hỏi tiếp theo là việc chiếm đóng sẽ kéo dài bao lâu và người Ukraine sẽ kháng cự đến mức nào. Ông nói: “Tôi không nghĩ rằng người Ukraine sẽ ngừng phản kháng. Nói cách khác, Nga có thể chiếm thành phố lớn, nhưng người Ukraine sẽ tiếp tục chiến đấu, ví dụ như dùng hình thức chiến tranh du kích.”

Khả năng thứ hai là nếu các lệnh trừng phạt quốc tế kéo dài do chiến tranh gây ra, khiến người dân Nga không hài lòng, thì “giới tài phiệt Nga, những người giàu có, sẽ quyết định tìm người thay thế Putin, và sau đó họ sẽ đạt được thỏa thuận với Ukraine”.

Khả năng thứ 3 là sự phân chia của Ukraine. Ông Naimark cho rằng sự phân chia Ukraine giữa miền đông và miền tây cũng có thể xảy ra. “Miền Tây Ukraine bị Nga chiếm đóng hai lần, một lần vào giai đoạn 1939-1941, và một lần thời vào điểm kết thúc Thế chiến II năm 1945 cho đến năm 1991. Sự đối lập giữa người miền tây Ukraine và Nga vượt xa so với người dân miền Đông Ukraine. Mặc dù ranh giới giữa miền đông và miền tây Ukraine giờ đây không có ý nghĩa thực chất, nhưng điểm mấu chốt là miền tây Ukraine cực kỳ khó để Nga chiếm đóng. Trong trường hợp này, có thể Nga sẽ bỏ qua đó và chỉ chiếm các khu vực rộng lớn khác của Ukraine.”

Khả năng thứ tư, ông Naimark cho rằng nếu Ukraine thắng trong cuộc chiến, “dù gì thì họ cũng chiến đấu rất ngoan cường, ngoài sức tưởng tượng của chúng ta. Nếu sự phản kháng của họ khiến Nga khó có thể chống chọi được thì Putin chỉ có thể tìm cách thoát ra.”

Ông Naimark cho biết, ông lo lắng nhất về kịch bản thứ năm, “mô hình Chechnya”. Ông nói với VOA: “Đó là điều khiến mọi người lo lắng và cũng là điều khiến tôi lo lắng. Bằng cách đó, người Nga sẽ đơn giản là sẽ dùng hỏa lực để san phẳng các thành phố của Ukraine. Đó hoàn toàn là tội ác diệt chủng, giết người hàng loạt, đại khủng bố. Ngoài ra, tôi chưa bàn đến cuộc khủng hoảng hạt nhân, tôi không muốn đụng đến chủ đề đó. Nga có đủ tên lửa hành trình, loại vũ khí có thể đốt cháy các thành phố, giống như họ đã làm vào cuối Thế chiến thứ 2. Tình huống đó đối với mỗi cá nhân mà nói thì đều là thảm họa.”

Hội đồng Đại Tây Dương: 4 kết cục có thể xảy ra

Hội đồng Đại Tây Dương (The Atlantic Council), một tổ chức nghiên cứu và tư vấn chính sách đối ngoại của Mỹ, cho biết trong một bài viết gần đây rằng họ nhìn thấy 4 khả năng để chấm dứt xung đột, nhưng ngay cả kịch bản lạc quan nhất cũng không có nghĩa là thời kỳ thái bình thịnh thế đã đến.

Bài viết cho rằng “kỳ tích trên sông Dnepr” là kết quả được mong đợi đầu tiên. Trong trường hợp này, ông Putin đã bị thiệt hại nặng nề do sự phản kháng cứng rắn của Ukraine với sự hỗ trợ của phương Tây. “Cộng thêm kinh tế trong nước sụp đổ và cô lập ngoại giao, nên buộc phải chấm dứt chiến tranh. Ukraine giữ được chủ quyền dân chủ, và thất bại của Moscow khiến sự oán thán của người dân thêm sôi sục, tình hình an ninh NATO được cải thiện, và Ukraine xích lại gần phương Tây hơn. Tuy nhiên, ngay cả như thế, cũng không có nghĩa là châu Âu quay trở lại cục diện trước chiến tranh, bởi vì bi kịch chết chóc của cuộc chiến ngắn ngủi sẽ dẫn đến tình cảnh bi thương lan rộng ngay sau đó.”

Khả năng tiếp theo là “Nga đang lún sâu vào đầm lầy“. Nếu Putin thắng trong gang tấc, một chính quyền bù nhìn sẽ được thành lập ở Ukraine và các thành phố lớn của Ukraine sẽ bị chiếm đóng, nhưng người dân Ukraine sẽ không chấm dứt phản kháng. Putin và chính quyền của ông sẽ nhận ra rằng họ dường như đã thắng trong cuộc chiến, nhưng lại đang lún sâu trong đầm lầy, giống như tấm gương trước đó là cuộc chiến ở Afghanistan.

Kịch bản thứ 3 được biết đến với cái tên “Bức màn sắt mới”. Nếu Ukraine bị chiếm đóng và sức phản kháng của họ không đủ mạnh để lay chuyển chính quyền bù nhìn của Nga, Putin sẽ gia tăng đàn áp những người bất đồng chính kiến ​​và tạo ra một bức màn sắt mới. “Vậy thì, cuối cùng NATO sẽ đối mặt với nước láng giềng có vũ trang luôn nhìn chằm chằm như hổ đói. Xung đột vũ trang có thể xảy ra bất cứ lúc nào, và không nhìn thấy được khả năng có thể kết thúc xung đột, không có gì đảm bảo cho một giải pháp hòa bình”.

Kịch bản thứ 4 là “Cuộc chiến NATO – Nga“. Bài viết nói rằng nếu thiết kế biên giới của Putin vượt ra ngoài Ukraine, ông có thể sẽ chuyển sự chú ý của mình sang các khu vực khác bên ngoài Ukraine, nơi mà ông thèm muốn, “đó sẽ là tương lai nguy hiểm nhất cho trật tự châu Âu và toàn cầu”.

Tuy nhiên, “chiến tranh hiếm khi diễn ra theo kịch bản”, bài viết nói.

Peter Kuznick: Nga có thể dùng vũ khí hạt nhân để đe dọa

Tiến sĩ Peter Kuznick, giáo sư lịch sử tại Đại học Mỹ (American University) và là đồng biên tập của cuốn “Rethinking Cold War Culture” (Suy nghĩ lại Văn hóa Chiến tranh Lạnh). Ông cũng là giám đốc và người sáng lập của Viện Nghiên cứu Hạt nhân của trường Đại học Mỹ.

Ông Kuznick nói với VOA rằng hành động của Putin nói với thế giới rằng ông ấy đã “lên kế hoạch” về vấn đề hạt nhân.

Ông Kuznick cho biết: “Putin đã nâng cao tình trạng cảnh báo về lực lượng hạt nhân; các tòa nhà xung quanh lò phản ứng hạt nhân lớn nhất châu Âu của Ukraine đang bốc cháy. Nếu có sự cố xảy ra với lò phản ứng đó, chất phóng xạ sẽ lan rộng khắp Nga, Ukraine và châu Âu, và thế giới sẽ rơi vào khủng hoảng.”

Ông Kuznick nói, các phương tiện truyền thông Nga đã thổi phồng nó, “nói rằng Mỹ đã cung cấp cho Chính phủ Ukraine nguyên tố plutonium để giúp Ukraine phát triển 30 quả bom hạt nhân để đối phó với Nga. Câu hỏi này đã được đưa ra khi truyền hình Nga phỏng vấn tôi. Tôi đã cố gắng xóa tan tin đồn, nhưng đây có lẽ là cái cớ mà Nga sẽ dùng khi sử dụng vũ khí hạt nhân.”

Ông Kuznick nói, mọi người đều biết rằng Nga có thể đạo diễn leo thang hoặc giảm leo thang và có thể sử dụng vũ khí hạt nhân một cách chiến thuật, “để thể hiện quyết tâm khuất phục đối thủ … và một cuộc khủng hoảng hạt nhân có thể là vô tình hoặc cố ý. Nước Nga càng tuyệt vọng thì càng có nhiều khả năng xảy ra tình huống tương tự thế này.”

Kênh ABC (Mỹ) gần đây đã xuất bản một bài viết, trích dẫn lời của cựu tư lệnh quân đội Mỹ tại Hàn Quốc và cũng là người viết bài cho ABC, Tướng Robert Abrams, nói rằng có hai điều chắc chắn: “Tôi nghĩ rằng chúng tôi chắc chắn rằng phần lớn các thành phố ở Ukraine có thể bị phá hủy và người dân bị thảm sát.”

Tướng Abrams nói: “Tôi nói điều này vì sự kháng cự của Ukraine, lực lượng vũ trang và nhân dân của họ rất mạnh và có năng lực, điều này hoàn toàn nằm ngoài dự liệu đối với quân đội Nga … Do đó, quân đội Nga về cơ bản đã cởi bỏ găng tay của mình, và họ đang sử dụng cái mà chúng tôi gọi là bom không nổ, chính là tên lửa dẫn đường không chính xác, tên lửa và pháo, ở các khu vực ngoại ô và khu dân cư để phá hủy cơ sở hạ tầng dân sự.”

Ông chỉ ra, cuộc xung đột sẽ khiến hàng triệu người phải sống lang thang; đến hiện tại đã có hơn 2,5 triệu người đã rời khỏi Ukraine; Liên Hợp Quốc dự đoán rằng 10 triệu người Ukraine cuối cùng có thể sẽ phải trôi dạt khắp nơi vì chiến tranh.

Vũ Châu, VOA
(Bài viết thể hiện lập trường và quan điểm của cá nhân tác giả.)