Tại hội nghị thượng đỉnh Trung Quốc – Liên minh châu Âu (EU) gần đây đã nổ ra vụ bê bối nghe lén liên quan Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ). Việc giới chức Trung Quốc không kiêng dè nghe lén cuộc gọi của các nhà lãnh đạo EU tham dự hội nghị thượng đỉnh đã khiến giới chức EU phải rời Trung Quốc sớm hơn dự kiến.

von der Leyen
Chủ tịch Hội đồng Châu Âu Michel và Chủ tịch Ủy ban Châu Âu von der Leyen tại Hội nghị thượng đỉnh EU – Trung Quốc. (Ảnh: Chụp màn hình video)

Hội nghị thượng đỉnh EU – Trung Quốc được tổ chức tại Bắc Kinh từ ngày 7 – 8/12. Trong hơn 4 năm qua, đây là hội nghị thượng đỉnh trực tiếp chính thức đầu tiên giữa các nhà lãnh đạo ĐCSTQ và châu Âu. Các đại diện chính được EU cử đến là Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel và Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen. Tại Bắc Kinh, họ đã lần lượt gặp lãnh đạo ĐCSTQ Tập Cận Bình và Thủ tướng Lý Cường.

Trước thềm hội nghị này đã xảy ra vụ bê bối nghe lén. Theo nguồn tin được truyền thông Mỹ Politico trích dẫn, ông Michel rời Bắc Kinh sớm một phần vì ông không có đường dây điện thoại an toàn ở Bắc Kinh, khiến ông không thể liên lạc an toàn với các nhà lãnh đạo EU mà luôn trong cảnh bị theo dõi.

Giới chức ĐCSTQ dĩ nhiên đã phủ nhận cáo buộc của ông Michel. Phát ngôn viên Uông Văn Bân của Bộ Ngoại giao ĐCSTQ cho hay, “Trung Quốc không phải là bên nghe lén liên lạc của lãnh đạo các nước EU và các tổ chức EU”.

Mặc dù ĐCSTQ phủ nhận vụ việc nghe lén, nhưng từ lâu chuyện nhà cầm quyền ĐCSTQ nghe lén các quan chức nước ngoài đã được biết đến rộng rãi.

Một cư dân mạng gần đây đã đăng trên mạng xã hội X: “Một người biết nội tình nói với tôi rằng ĐCSTQ có các ban và đội đặc biệt dành cho từng nhân vật chính trị nước ngoài, nhằm chuyên phụ trách thu thập thông tin tình báo, theo đó những vật dụng và chuyện ăn ở của mục tiêu… đều được thu thập và có phương án đánh tráo, khi hoàn cảnh thuận lợi có thể đánh tráo thay thế hoặc có thể bí mật đánh cắp”.

Giáo sư Lin Tsung-nan Khoa Kỹ thuật Điện của Đại học Quốc gia Đài Loan cho biết trong một cuộc phỏng vấn với Epoch Times hôm 10/12, rằng ĐCSTQ dám ngang nhiên nghe lén các hoạt động chính thức, do đó ông Michelle đã rời đi sớm, đó là tín hiệu đoạt tuyệt mạnh mẽ.

Ông Lin Tsung-nan chỉ ra Chính phủ Mỹ thời chính quyền ông Trump đã không ngừng nhấn mạnh vấn đề nguy cơ đối với an ninh quốc gia Mỹ từ hãng công nghệ truyền thông Trung Quốc Huawei. Khi đó, nhiều nước châu Âu cho rằng ông Trump và Chính phủ Mỹ đang cường điệu hóa vấn đề. Nhưng theo thời gian thì Chính phủ Mỹ và các nước châu Âu đã dần nhận ra nguy cơ đối với an ninh quốc gia từ Huawei, do đó ngày càng có nhiều nước yêu cầu cấm dùng thiết bị Huawei trong mạng 5G của họ.

Ông nói: “Vụ nghe lén dịp Hội nghị thượng đỉnh EU – Trung Quốc lần này đã khiến những nước này nhận ra rằng việc ĐCSTQ thúc đẩy trợ giúp công nghệ hiện đại không chỉ để sản xuất các sản phẩm phục vụ sinh kế của người dân, đằng sau đó còn ẩn chứa những ý đồ an ninh quốc gia. Do đó việc mất niềm tin từ phương Tây đối với ĐCSTQ sẽ còn lâu dài”.

“Phương Tây sẽ cảnh giác hơn trước những âm mưu ngầm gây nguy hiểm cho an ninh quốc gia đằng sau những sản phẩm Trung Quốc, bao gồm cả điện thoại di động hoặc các ứng dụng như TikTok có hại nhất”, ông Lin Tsung-nan nói thêm. “Vì vậy có thể hiểu tại sao các nước phương Tây lại di chuyển chuỗi cung ứng của họ ra khỏi Trung Quốc? Vì họ đã mất kiên nhẫn với ĐCSTQ”.

Luôn giám sát chặt chẽ các phái đoàn nước ngoài

Giữa tháng 6 năm nay, trước thềm chuyến thăm Trung Quốc của Ngoại trưởng Mỹ Blinken, một phóng viên Mỹ đã có chia sẻ rằng cô sẽ đi cùng đoàn tới Bắc Kinh để đưa tin về chuyến thăm của ông Blinken. Vì lý do an ninh, cô được hướng dẫn mang thêm một chiếc iPhone và một chiếc laptop dự phòng để sử dụng trong công việc tại Trung Quốc.

Bài viết cho biết: “Các phóng viên cũng được cảnh báo không để laptop trong phòng khách sạn. Trong những chuyến thăm trước đây, các thành viên của phái đoàn Mỹ đã báo cáo vấn đề thiết bị điện tử của họ bị ai đó đụng đến khi họ để trong phòng khách sạn”.

Trước thềm Thế vận hội Mùa đông được tổ chức tại Bắc Kinh vào tháng 2/2022, truyền thông Hà Lan đưa tin vào tháng 1 rằng để ngăn chặn các hoạt động gián điệp của ĐCSTQ, Ủy ban Olympic Hà Lan khuyến nghị các vận động viên và đoàn quốc gia tham gia Thế vận hội Mùa đông Bắc Kinh không nên mang điện thoại di động và máy tính cá nhân vào Trung Quốc để tránh các cuộc gọi điện thoại và hoạt động thông tin Internet cá nhân bị theo dõi. Ủy ban Olympic Hà Lan đã trang bị cho các thành viên của phái đoàn những thiết bị liên lạc điện tử chưa từng sử dụng để họ sử dụng trong thời gian ở Trung Quốc.

Hà Lan không phải là nước duy nhất có lập trường này. Các vận động viên Olympic của nhiều nước khác như Mỹ, Canada, Anh, Úc… cũng đã nhận được cảnh báo từ các cơ quan liên quan nước họ, khuyến cáo họ không mang theo điện thoại di động và máy tính xách tay cá nhân dùng khi tới Bắc Kinh tham gia Thế vận hội Mùa đông.

Bộ Ngoại giao Mỹ viết trong tư vấn du lịch Trung Quốc rằng nhân viên an ninh Trung Quốc sẽ giám sát khách du lịch nước ngoài. Bản hướng dẫn nêu: “Các phòng khách sạn (bao gồm cả phòng hội nghị), văn phòng, ô tô, taxi, điện thoại, việc sử dụng internet, thanh toán kỹ thuật số và máy fax có thể được giám sát tại chỗ hoặc từ xa, đồng thời đồ dùng cá nhân trong phòng khách sạn (bao gồm cả máy tính) có thể bị lục soát trong hoàn cảnh người chủ sở hữu không biết”.

Các quan chức Mỹ khuyến nghị các vận động viên Olympic khi ở Trung Quốc nên thuê máy tính và điện thoại di động để dùng riêng trong dịp đó, hoặc ít nhất trước khi đến và rời đi hãy làm sạch dữ liệu cá nhân trong thiết bị. Bản hướng dẫn cũng khuyến nghị sử dụng mạng riêng ảo (VPN).

Hoạt động gián điệp thông qua xe điện

Ngoài việc nghe lén, các chính phủ phương Tây còn lo ngại ĐCSTQ sử dụng công nghệ gắn trên xe điện để thu thập thông tin tình báo trên quy mô lớn về quốc gia của họ.

LiDAR là công nghệ lập bản đồ nổi bật nhờ khả năng lập bản đồ môi trường đô thị, công nghệ này có khả năng tạo ra những khung cảnh chân thực gần giống như trong trò chơi điện tử. Vì vậy công nghệ LiDAR còn có giá trị ứng dụng trong các lĩnh vực quân sự trọng điểm. Tính khả dụng rộng rãi của LiDAR khiến nó trở thành công nghệ có thể dùng cả trong quân sự và dân sự. Trong quân sự, công nghệ LiDAR được sử dụng để điều hướng tự động cho các phương tiện không người lái và máy bay không người lái, cũng như tạo ra bản đồ chiến trường 3D có độ chính xác cao.

Trong bối cảnh nhu cầu về xe điện và xe tự lái tăng lên, công nghệ LiDAR nhanh chóng được ứng dụng vào, theo đó ngày càng có nhiều nhà sản xuất ô tô chuyển sang sử dụng làm công nghệ này làm “con mắt” của xe tự hành.

Những năm gần đây, chính quyền Trung Quốc đã dần tăng cường quan tâm đến công nghệ mới nổi này. Năm 2020, ĐCSTQ đã liệt kê LiDAR là một ngành chiến lược mới nổi, tăng cường hơn nữa đầu tư của chính phủ vào ngành này.

Động thái của ĐCSTQ đã khiến giới lập pháp Mỹ lo ngại. Cuối tháng 11 năm nay, Ủy ban Cạnh tranh Chiến lược Mỹ-Trung của Hạ viện Mỹ đã gửi thư tới Bộ Thương mại Mỹ, yêu cầu xem xét đưa tất cả các công ty công nghệ LiDAR của Trung Quốc vào danh sách trừng phạt.

Các nhà lập pháp Mỹ cho biết, vì Chính phủ Mỹ hiện không có yêu cầu an toàn đối với việc mua công nghệ LiDAR, nên LiDAR do Trung Quốc sản xuất đã có mặt trong các hệ thống và nền tảng của Mỹ đang được quân đội Mỹ và các nhà thầu của họ triển khai, gây ra những rủi ro đáng kể.

Theo luật an ninh quốc gia của ĐCSTQ, tất cả các công ty LiDAR của Trung Quốc phải cung cấp tất cả dữ liệu có sẵn mà họ thu thập được, nghĩa là nhà chức trách Trung Quốc có quyền truy cập vào dữ liệu không chỉ trên bản đồ và cơ sở hạ tầng của Mỹ mà còn trên các hệ thống quân sự của Mỹ.

Chính phủ Anh cũng lo ngại rằng với làn sóng ô tô điện do Trung Quốc sản xuất tràn vào Anh thì ĐCSTQ có thể sử dụng nó để giám sát công dân Anh và thu thập lượng lớn dữ liệu về nước Anh.

Một bộ trưởng Anh từng nói với giới truyền thông: “Nếu (chiếc ô tô) được sản xuất ở một nước như Trung Quốc, bạn có thể chắc chắn rằng nó sẽ không trở thành công cụ thu thập thông tin tình báo và dữ liệu không?”

“Nếu chiếc ô tô điện của bạn được chế tạo bởi một nước thường sử dụng công nghệ liên quan phục vụ hoạt động do thám, có lý do gì mà họ lại không làm như vậy?”

Truyền thông Anh đưa tin rằng ĐCSTQ có thể giám sát ô tô từ xa thông qua “mô-đun” điều khiển hệ thống ô tô. Những thành phần nhỏ đó được sử dụng rộng rãi trong nhiều thiết bị hiện đại như ô tô, đồng hồ thông minh, máy tính, bộ sạc xe điện và thiết bị gia dụng, đồng thời được sử dụng để thiết lập kết nối Internet để truyền lượng lớn dữ liệu.

Các mô-đun như vậy có thể giám sát và điều khiển hệ thống của ô tô, thường cập nhật phần mềm để cải thiện hoạt động cho xe, nhưng loại linh kiện đó cũng có thể được dùng cho hoạt động gián điệp hoặc can thiệp có ác ý. Giáo sư Lin Tsung-nan nhận định: “Ô tô điện có thể ví như là chiếc máy tính nhưng có bốn bánh chạy trên đường, và dĩ nhiên cũng có thể được sử dụng như công cụ gián điệp”.

Ông giải thích lý do chính quyền Tổng thống Biden ở Mỹ ban hành các quy định mới về trợ cấp xe điện và tách khỏi chuỗi cung ứng xe điện của Trung Quốc, vì lo ngại xe điện của Trung Quốc có thể trở thành công cụ để ĐCSTQ xâm nhập vào phương Tây.