Người đứng đầu cơ quan tị nạn Palestine của Liên Hợp Quốc tuyên bố: Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) đang tạo tiền đề cho việc trục xuất hàng loạt người Palestine tới Ai Cập, đồng thời khiến họ không thể quay trở lại nhà cửa bị phá hủy ở Gaza.

Lien Hop Quoc
Đại hội đồng Liên Hợp Quốc đã bỏ phiếu về một nghị quyết không mang tính ràng buộc, kêu gọi “ngừng bắn nhân đạo” ngay lập tức ở Gaza vào thứ Sáu (27/10/2023), tại Trụ sở Liên Hợp Quốc. (Ảnh minh hoạ: chụp ngày 26/10/2023 của Eduardo Munoz Alvarez/Getty Images)

“Liên Hợp Quốc và một số quốc gia thành viên, bao gồm cả Hoa Kỳ, đã kiên quyết phản đối việc buộc người dân Gaza phải di dời khỏi Dải Gaza”, Giám đốc Cơ quan Cứu trợ và Việc làm của Liên Hợp Quốc (UNRWA), ông Philippe Lazzarini viết trong một bài xã luận trên tờ Los Angeles Times, vào thứ Bảy (9/12). “Những diễn biến mà chúng ta đang chứng kiến cho thấy nỗ lực đưa người Palestine vào Ai Cập, bất kể họ ở lại đó hay tái định cư ở nơi khác”.

Một phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Israel bác bỏ cáo buộc của ông Lazzarini và cho biết nhà nước Do Thái chưa bao giờ có kế hoạch đẩy người Gaza vào Ai Cập. Tuy nhiên, hai nhà lập pháp Israel đã viết vào tháng Mười Một trên tờ Wall Street Journal rằng họ muốn thấy các nước trên thế giới chào đón những người tị nạn Gazan lựa chọn tái định cư.

Ông Lazzarini cho biết, cuộc chiến tranh Israel-Hamas đã khiến hơn 1,8 triệu người Gaza phải rời bỏ nhà của họ, đây là cuộc di dời cưỡng bức lớn nhất đối với người Palestine kể từ năm 1948. Gần 18.000 người đã thiệt mạng ở Gaza, theo một nghiên cứu của Israel cho thấy 61% số người thiệt mạng trong các cuộc không kích của IDF là dân thường. 

Thương vong của người Palestine bao gồm hơn 270 người trú ẩn trong các cơ sở của UNRWA vào thời điểm những nạn nhân bị thiệt mạng. Ông Lazzarini cho biết nhiều nơi trú ẩn nằm ở các khu vực miền trung và miền nam Gaza, được cho là an toàn hơn miền bắc – nơi tập trung chủ yếu vào chiến dịch ném bom của Israel. Ông nói thêm: “Thực tế đáng buồn là người dân Gaza không có được sự an toàn ở bất cứ đâu: dù cho là ở nhà, ở bệnh viện, ở nơi trú ẩn của Liên Hợp Quốc, ở miền bắc, miền trung hay miền nam”.

Ông Lazzarini cho biết những người sống sót hiện đang bị bao vây và ẩn náu tại một “khu vực nhỏ” ở phía nam Gaza, gần biên giới Ai Cập. Nhiều người chỉ có một lựa chọn: Rời khỏi vùng đất Palestine hoàn toàn.

Quan chức LHQ cho biết: “Đánh giá dựa trên các cuộc thảo luận về chính sách và nhân đạo đang diễn ra, thật khó để nghĩ tới việc những người Palestine ở Gaza đang phải di dời ngày hôm nay sẽ được phép hoặc thậm chí được trở lại ngôi nhà bị phá hủy của họ”.

“Nếu tình trạng này tiếp tục sẽ có thể dẫn đến Nakba* lần thứ hai, Gaza sẽ không còn là vùng đất của người Palestine nữa”.

(Nakba, có nghĩa là “thảm họa” trong tiếng Ả Rập, dùng để nói đến sự kiện di tản và bị đuổi khỏi lãnh thổ của người Palestine trong cuộc chiến tranh Ả Rập-Israel năm 1948.)

Một nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc nhằm giàn xếp cho lệnh ngừng bắn ở Gaza đã bị Mỹ phủ quyết hôm thứ Sáu (8/12). Chính quyền của Tổng thống Joe Biden tuyên bố rằng Mỹ đang nỗ lực nhiều hơn bất kỳ quốc gia nào khác để giúp đỡ dân thường ở Gaza, nhưng Mỹ cũng đang hỗ trợ nỗ lực chiến tranh của Israel. Một cuộc thăm dò của CBS News công bố hôm Chủ nhật (10/12) cho thấy chỉ có 20% người Mỹ tin rằng ông Biden đang đưa ra một giải pháp hòa bình cho cuộc xung đột.

Ông Lazzarini cho biết dân thường đang bị sử dụng như những con tốt trong cuộc chiến. Hamas từ bỏ mọi trách nhiệm với người dân thường cho Liên Hợp Quốc còn Israel gây ra “hình phạt tập thể” cho hơn hai triệu người dân Gaza. Ông nói thêm rằng các nguồn cung cấp nhân đạo “ít ỏi” mà Israel cho phép tiến vào khu vực mang lại rất ít sự cứu trợ.

Ông Lazzarini nói: “Việc bắn phá và bao vây chặt chẽ chỉ tạo điều kiện đủ để sống sót. Việc tước bỏ viện trợ nhân đạo là điểm mấu chốt của kế hoạch này. Sau khi phía bắc bị hủy diệt, phía nam vẫn đang diễn ra huỷ diệt, nhưng lần này thì dân thường đã không còn nơi nào để đi”.

Anh Nguyễn, theo RT