Ông Stian Jenssen, Chánh văn phòng của Tổng thư ký NATO, sáng hôm Thứ Ba đã nói trong một cuộc thảo luận nhóm ở Arendal (Na Uy), “Tôi nghĩ rằng một giải pháp khả dĩ là Ukraine từ bỏ lãnh thổ và đổi lấy tư cách thành viên của NATO.” Điều này đã khiến không ít quan chức Ukraine tức giận, ví như ông Mykhailo Podolyak, cố vấn của tổng thống đã tweet đó là “điên rồ”, hay Oleh Nikolenko, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Ukraine tuyên bố điều đó “hoàn toàn không thể chấp nhận được” và miêu tả gợi ý của ông Jenssen là “chơi vào lòng bàn tay của Nga”. Sáng hôm sau, Thứ Tư 16/8, cũng trên tờ báo VG của Na Uy nơi đăng tuyên bố hôm trước, ông Jenssen đã cải chính và nói “lẽ ra tôi không nên diễn đạt theo cách đó, đó là một sai lầm” nhưng ông không hoàn toàn loại trừ khả năng mà ông vừa nói hôm trước đó.

Stian Jenssen 1
Ông Stian Jenssen, Chánh văn phòng của Tổng thư ký NATO. (Ảnh: NATO)

Bối cảnh toàn bộ câu chuyện là vấn đề Ukraine trở thành thành viên của NATO đang là một chủ đề mẫn cảm.

Nguyên nhân chiến tranh Ukraine, theo học giả và cũng là giáo sư quan hệ quốc tế của Đại học Chicago John Mearsheimer khẳng định nhiều lần, chính là do vấn đề Ukraine trở thành thành viên của NATO, khi quốc gia này kẹp giữa NATO và Nga.

Diễn biến cuộc chiến cho đến nay, Nga đã sáp nhập khoảng gần 1/5 lãnh thổ vốn thuộc về Ukraine năm 1991, trong khi quân Ukraine với NATO hậu thuẫn, vẫn chưa có dấu hiệu có khả năng đòi lại những vùng lãnh thổ này.

“Tôi nghĩ rằng một giải pháp khả dĩ là Ukraine từ bỏ lãnh thổ và đổi lấy tư cách thành viên của NATO,” ông Jenssen nói sáng hôm 15/6 trong một thảo luận nhóm ở Arendal, đồng thời lưu ý rằng các cuộc thảo luận về tình trạng hậu chiến của Ukraine vẫn đang tiếp tục trong giới ngoại giao, theo VG (Na Uy) đưa tin.

Stian Jenssen là Chánh văn phòng của ông Jens Stoltenberg, Tổng thư ký NATO.

Bản thân ông Stoltenberg vẫn luôn né tránh nói ra quyết định về giải pháp chấm dứt chiến tranh Ukraine. Ông thường nói rằng chính chính quyền Kiev mới là người phải đứng ra “quyết định thời gian hay điều kiện” đàm phán với Nga.

Ngay sau đó, tờ báo VG đã hỏi để làm rõ vấn đề hơn với Jenssen, và ông đã trả lời “Tôi không [có ý] rằng nó phải là như thế. Nhưng mà đó là một giải pháp khả thi.”

Giới chức Kiev tỏ ra bức xúc, cũng theo VG đưa tin trong một bài báo tiếp theo.

Oleh Nikolenko, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Ukraine viết trên mạng xã hội “tuyên bố rằng Ukraine có thể đánh đổi lãnh thổ của mình để có thể trở thành thành viên của NATO là hoàn toàn không thể chấp nhận được.”

Mykhailo Podolyak, cố vấn của chánh văn phòng tổng thống Ukraine đã bày tỏ quan điểm trên mạng xã hội, “Đổi lãnh thổ lấy cái ô dù [che chở] NATO ư? Thật là điên rồ,” và ông miêu tả đó là “sự thất bại của dân chủ”, “sự phá hoại luật quốc tế”“đem chiến tranh kéo truyền đời cho những thế hệ mai sau” v.v.

Đổ thêm dầu vào lửa, cựu Tổng thống Nga Dmitry Medvedev, bình luận (trên 1,1 triệu lượt xem) một cách trào phúng rằng:

“Một ý tưởng mới đến từ văn phòng NATO này: Ukraine có khả năng gia nhập NATO nếu từ bỏ các vùng lãnh thổ nằm trong tranh chấp.

Xem ra đây quả là một ý tưởng thú vị.

Vấn đề duy nhất là tất cả —những cái được cho là— lãnh thổ của họ đều có khả năng tranh chấp rất cao. Và để gia nhập khối [NATO], chính quyền Kiev sẽ phải từ bỏ ngay cả chính Kiev, thủ đô của nước Rus cổ đại.

Thế thì thủ đô của họ do đó nên được chuyển đến Lvov. À mà đó là nếu Polacks đồng ý để lại Lemberg cho những người hâm mộ mỡ heo với cocaine.”

Sáng hôm sau 16/8, VG đưa tin rằng ông Jenssen đã cải chính lại bằng cách nói rõ hơn: “Tuyên bố của tôi về điều này là một phần của cuộc thảo luận lớn hơn về các kịch bản có thể xảy ra trong tương lai ở Ukraine, và lẽ ra tôi không nên diễn đạt theo cách đó, đó là một sai lầm.”

Tờ báo miêu tả rằng ông Jenssen muốn thay đổi lại cách thức biểu đạt của tuyên bố hôm trước của mình sau khi chứng kiến tuyên bố đó châm ngòi cho cuộc khẩu chiến trên các phương tiện truyền thông.

Ông Jenssen cũng tái khẳng định rằng chính quyền Kiev mới là người quyết định trong việc đàm phán với Nga, nhưng đồng thời, ông Jenssen tin rằng vấn đề lãnh thổ vẫn là trung tâm của đàm phán với Nga. Ông cũng nói rằng chiến tranh Ukraine kỳ thực bắt đầu từ 2014.

“Nếu, và tôi đã nhấn mạnh chữ “nếu”, nếu [chính quyền Kiev] đi đến điểm có thể đàm phán, thì tình hình quân sự trên mặt đất, lãnh thổ, ai kiểm soát cái gì, sẽ là trung tâm và nhất định sẽ có ảnh hưởng quyết định đến kết quả có thể xảy ra của cuộc chiến này như thế nào. Chính vì lý do này, điều cực kỳ quan trọng là chúng tôi hỗ trợ người Ukraine những gì họ cần,” ông Jenssen nói với VG.

“Điều quan trọng nữa là Ukraine cần có bảo đảm an ninh cho tương lai… Hãy nhớ rằng chiến tranh Ukraine không bắt đầu vào năm 2020, mà nó bắt đầu vào năm 2014.”

John Mearsheimer tiên đoán về màn “đổ lỗi” cho nhau khi thất bại

John Mearsheimer 1
Giáo sư John Mearsheimer trong video phỏng vấn của tạp chí The Spectator đăng trên mạng xã hội hôm 31/5. (Ảnh chụp màn hình video)

Trong một phỏng vấn được đăng trên mạng xã hội hôm 12/8, ông Mearsheimer có nói về việc đổ lỗi cho nhau khi sự việc thất bại. Ít nhất vào thời điểm đó, chính quyền Kiev nhiều lần cho rằng chiến dịch phản công của họ không đạt được kết quả như mong muốn là do phương Tây chậm trễ trong việc gửi vũ khí và đạn dược.

Giáo sư Mearsheimer trong các bài giảng về quan hệ quốc tế từ năm 2015 của mình đã nói rằng việc thúc đẩy Ukraine vào NATO sẽ dẫn tới chiến tranh và kết quả sẽ khiến Ukraine trở thành miền đất tan hoang. Lý do là vì phương Tây đánh giá sai lầm khả năng quân sự của Nga, tưởng rằng có thể dùng chiến tranh tiêu hao để kéo đổ Nga. Trong khi đó, việc Ukraine ngả theo NATO sẽ được Nga coi là nguy cơ đe dọa sự tồn vong của mình.

Đổ lỗi cho nhau sẽ không thể nào che giấu được nguyên nhân chân chính của sự việc.

Nhật Tân