Mykhailo Podolyak, cố vấn hàng đầu của tổng thống Ukraine, nói hôm Thứ Ba rằng Trung Quốc, Ấn Độ “tiềm năng trí tuệ thấp” khi cho rằng lãnh đạo của các quốc gia đông dân nhất thế giới này “không phân tích được hậu quả của những việc mà chính họ đang làm.” Phát ngôn viên Mao Ninh của Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã bình luận “tôi không biết cơ sở của tuyên bố đó của người này, nhưng anh ta nên làm rõ.” Sau đó hôm Thứ Tư, ông Podolyak đổ lỗi cho “tuyên truyền của Nga” về việc hiểu lầm lời nói của ông. Câu chuyện diễn ra trong bối cảnh Trung Quốc, Ấn Độ, và Thổ Nhĩ Kỳ được hiểu là các quốc gia trục lợi kinh tế, ngoại giao, và quân sự từ cuộc chiến tranh Ukraine khi Mỹ cùng đồng minh phương Tây giao tranh với Nga.

230914 podo 01
Mykhailo Podolyak nói Trung Quốc và Ấn Độ có “tiềm năng trí tuệ thấp”. (Ảnh lấy từ video phỏng vấn hôm 12/9)

Tại video phỏng vấn với kênh trong nước được phổ biến rộng rãi, có đoạn ông Mykhailo Podolyak nói: “Vấn đề của Trung Quốc và Ấn Độ chính là họ không phân tích được hậu quả của những việc mà chính họ đang làm. Những quốc gia này, đáng tiếc thay, có tiềm năng trí tuệ thấp.”

Mặc dù Ấn Độ thành công phóng phi thuyền vũ trụ đổ bộ lên Mặt Trăng, ông cố vấn của chánh văn phòng tổng thống Ukraine nhìn nhận điều ấy “không nói lên rằng quốc gia đó hiểu được thế giới hiện đại chính xác là như thế nào.”

Theo RT, thì bối cảnh của bình luận nói trên là sau khi chính quyền Bắc Kinh và chính quyền New Delhi từ chối đứng cùng phe với Kiev để chống lại Moscow. Ông Podolyak phàn nàn rằng Trung Quốc, Ấn Độ, và Thổ Nhĩ Kỳ đang “trục lợi” từ chiến tranh Ukraine bằng cách vẫn tiếp tục quan hệ với Nga.

Có lẽ đây là tình thế “ngao cò tranh nhau, ngư ông đắc lợi” theo cách nói của người Hoa.

“Trung Quốc nên mong muốn Nga biến mất,” ông Podolyak đưa ra lời khuyên cho lãnh đạo ở Bắc Kinh, căn cứ trên hiểu biết về lịch sử của ông, “bởi vì dân tộc cổ xưa này [Nga] luôn lôi kéo Trung Quốc vào các xung đột không cần thiết.”

“Bây giờ lợi ích của họ [Trung Quốc] nên là tìm cách cách xa Nga càng xa càng tốt, lấy đi tất cả những tài nguyên mà nó [Nga] có, và chiếm lấy phần lãnh thổ của Nga dưới sự kiểm soát hợp pháp của họ,” ông nói thêm. “Trên thực tế, họ sẽ làm điều đó.”

Truyền thống của giới chức Kiev

Dường như đây là truyền thống của giới lãnh đạo Ukraine, đi phê bình những ai trên thế giới không ủng hộ chính quyền Kiev. Họ cũng thường phê phán văn hóa và dân tộc Nga.

Ví như mục tiêu gần đây nhất là Giáo hoàng Vatican, người bị ông Podolyak gọi là “bộ máy tuyên truyền Nga” sau khi Giáo hoàng Francis khích lệ những tín đồ Kitô thanh niên Nga hãy trân trọng và phát huy di sản văn hóa của dân tộc mình, như “hậu duệ” của “những bậc thánh giả, những đấng quân vương, Nước Nga vĩ đại của Piotr Đại đế và Ekaterina Đại đế, một Đế chế Nga vĩ đại, có nền văn hóa và nhân văn sâu đậm.”

Ông Podolyak đã gọi phát biểu của Giáo hoàng là “một diễn ngôn mang tính hủy diệt đối với chủ nghĩa nhân văn đương đại.”

Ông Oleg Nikolenko, người phát ngôn của Bộ Ngoại giao, thậm chí còn viết trên mạng xã hội như thế này, “vô cùng đáng tiếc là những tư tưởng bành trướng đại quốc của Nga, nguyên nhân đằng sau những cuộc xâm lược kinh niên của Nga, vô tình hay cố ý lại phát ra từ miệng của Giáo hoàng.”

Ông Andrii Yurash, Đại sứ Ukraine tại Vatican, đã viết trên mạng xã hội, “không thể chấp nhận những chuyện biện minh cho chủ nghĩa đế quốc Nga, khi mà việc thực hiện nó hiện là nguyên nhân chính dẫn đến chiến tranh.”

Một ví dụ khác, theo RT. Hồi đầu tháng trước, ông Aleksey Danilov, lãnh đạo cấp cao an ninh Ukraine đã nói trên chương trình TV: “Tôi thấy OK với những người châu Á, nhưng mà người Nga là châu Á. Họ có văn hóa và tầm nhìn hoàn toàn khác [với Ukraine châu Âu]. Sự khác biệt cơ bản [giữa chúng tôi] với họ là tính nhân văn.”

Quan chức Ukraine phản hồi sau khi Trung Quốc đề nghị giải thích

Về vấn đề Trung Quốc bị chỉ trích là “tiềm năng trí tuệ thấp”, thì trong một cuộc họp báo hôm Thứ Tư, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Mao Ninh nói với các phóng viên rằng Trung Quốc luôn duy trì lập trường “có trách nhiệm” đối với Ukraine. Bà nói, “tôi không biết cơ sở của tuyên bố đó của người này, nhưng anh ta nên làm rõ.”

Sau đó, ông Podolyak đã viết trên mạng xã hội hôm Thứ Tư rằng đó là lỗi của “tuyên truyền Nga”: “Kinh điển của tuyên truyền Nga: Lấy ra khỏi ngữ cảnh, bóp méo hàm nghĩa, phóng đại… kích động mâu thuẫn.”

Ông đưa ra bình luận trái ngược với điều ông nói trước đó: “Tất nhiên, Thổ Nhĩ Kỳ, Ấn Độ, Trung Quốc, và các vùng khác đang phát triển quyền lực và rõ ràng xứng đáng để tuyên bố các vai trò toàn cầu trên thế giới hiện đại…”

Nhưng sau đó ông lại viết: “Nhưng thế giới hiện đại rộng lớn hơn nhiều so với những lợi ích dù được cân nhắc kỹ càng của các quốc gia vùng miền…” và cho rằng những quốc gia như Thổ Nhĩ Kỳ, Ấn Độ, và Trung Quốc là “không lý trí khi lờ đi thực tế” về tình huống Nga sẽ bị thất bại thảm hại trong tương lai.

Nhật Tân