Trong đại dịch COVID-19, để kiểm soát lan truyền thông tin và các hoạt động thương mại ra nước ngoài, đồng thời cắt đứt đường của những người đào thoát khỏi Triều Tiên, nhà cầm quyền Triều Tiên dưới thời gia đình Kim Jong-un dường như đã tu bổ mới mới hàng trăm km tường biên giới ngăn nước này với Trung Quốc và Nga.

GettyImages 1240618433
Màn hình tại nhà ga ở Seoul hôm 12/5/2022, lãnh đạo Kim Jong Un lần đầu đeo khẩu trang xuất hiện yêu cầu phong tỏa toàn quốc sau khi Bắc Triều Tiên xác nhận ca nhiễm “đầu tiên từ đó đến giờ”. (Nguồn ảnh: WALLACE / AFP qua Getty Images)

Theo tin Reuters, hồi năm 2020 khi đại dịch COVID-19 càn quét thế giới, chính quyền Bình Nhưỡng do ông Kim Jong-un đứng đầu đã bắt đầu xây dựng hoặc nâng cấp trên quy mô lớn hàng trăm km tường biên giới, hàng rào và đồn canh để phong tỏa biên giới với Trung Quốc và Nga, đồng thời tăng cường kiểm soát các hoạt động thương mại phi chính thức, cắt đứt các tuyến đường buôn lậu và đào tẩu.

Hình ảnh vệ tinh thương mại cho thấy hàng rào, bức tường và trạm gác mới và được nâng cấp của Triều Tiên dọc theo sông Áp Lục (Yalu) và Đồ Môn (Tumen) và trong các khu vực hiểm trở bao gồm dãy núi Trường Bạch.

“Trừ khi tình hình có thay đổi gì lớn, thực tế tuyến đường truyền thống giữa Triều Tiên và Trung Quốc hiện đã bị cắt đứt”, mục sư Kim của Hàn Quốc từng giúp đỡ những người đào thoát cho biết.

Nguồn tin trích dẫn số liệu thống kê chính thức cho thấy vào năm 2022 chỉ có 67 người đào tẩu Triều Tiên đến Hàn Quốc, trong khi con số vào năm 2019 là 1047. Số lượng người đào tẩu đã giảm ngay cả trước khi xảy ra đại dịch COVID-19, một phần là do Bắc Kinh áp đặt các hạn chế chặt chẽ hơn vào con đường ưa thích đào thoát của người Triều Tiên: Trung Quốc.

Việc Bình Nhưỡng do ông Kim Jong-un đứng đầu đóng cửa biên giới có thể gây những hậu quả lâu dài, bao gồm tác động tiêu cực đến tầng lớp doanh nhân và thị trấn non trẻ của Triều Tiên. Do hoạt động thương mại phi chính thức phát triển mạnh tại những thị trấn đó mang đến cho nhiều người, đặc biệt là phụ nữ, cơ hội để tự lập. Chuyên gia thường trú tại Trung tâm Stimson (Mỹ), ông Benjamin Katzeff Silberstein chuyên nghiên cứu về kinh tế Triều Tiên cho biết, việc đóng cửa biên giới đã ảnh hưởng đến hai nhóm dễ bị tổn thương ở Triều Tiên: phụ nữ và người Triều Tiên ở các khu vực biên giới.

Reuters và Viện Nghiên cứu Quốc tế Middlebury ở Monterey (Mỹ) đã xem xét các hình ảnh vệ tinh của Google Earth Pro về biên giới phía bắc của Triều Tiên, được chụp vào các thời điểm khác nhau từ năm 2019 đến đầu năm 2023.

Do dữ liệu hình ảnh vệ tinh không đầy đủ cùng vấn đề đặc điểm địa lý và điều kiện thời tiết nên không thể xem hết 1400 km biên giới của Triều Tiên với Trung Quốc và 18 km biên giới với Nga, nhưng có thể sử dụng hình ảnh từ nhà điều hành vệ tinh Maxar Technologies Inc. để phân tích chi tiết 6 khu vực biên giới quan trọng.

Một trợ lý nghiên cứu tại Middlebury là ông Dave Schmerler cho biết, từ hình ảnh vệ tinh thương mại của Maxar Technologies Inc. có thể thấy được cơ sở hạ tầng an ninh mới trên ít nhất 489 km biên giới Triều Tiên, bao gồm hàng rào dây thép gai đơn giản, tường bê tông kiên cố, hàng rào hai lớp và chốt bảo vệ bổ sung. Phần lớn cơ sở hạ tầng an ninh mới dường như được đặt tại các khu vực đông dân cư, xung quanh không có các chướng ngại vật tự nhiên như núi non. Các cơ sở mới cũng đã xuất hiện gần khu vực nông nghiệp bằng phẳng ở biên giới phía đông bắc của sông Đồ Môn (Tumen).

Nguồn tin dẫn tin từ những người đào tẩu Triều Tiên, các nhà hoạt động nhân quyền và người liên quan đến buôn lậu hàng hóa qua biên giới Trung Quốc, cho biết, bức tường biên giới mới đang bóp nghẹt huyết mạch kinh tế đối với những người Triều Tiên dễ bị tổn thương, cắt đứt các tuyến đường đến Triều Tiên và hạn chế hơn nữa các cách để mọi người Triều Tiên có được thông tin ở nước ngoài.

Một người đào tẩu Triều Tiên làm việc ở biên giới Trung Quốc tiết lộ rằng chính quyền Bình Nhưỡng đã lắp đặt camera giám sát dọc biên giới và dựng nhiều lớp hàng rào bao gồm dây thép gai và hàng rào điện. Hình ảnh biên giới và nội dung video do người đào thoát chụp khớp với hình ảnh vệ tinh.

Tháng 11/2022, Tổ chức Theo dõi Nhân quyền có trụ sở tại Mỹ đã công bố báo cáo khảo sát cho thấy một hàng rào kiên cố và 5 đài quan sát đã được xây dựng vào năm 2019, trên đường biên giới dài 7,4 km giữa Thành phố Hoeryong tại sông Đồ Môn (Tumen) và Trung Quốc. Đến tháng 4/2022, chính quyền Bình Nhưỡng đã xây dựng thêm 169 tiền đồn và hơn 9 km hàng rào mới hoặc được gia cố.

Lina Yoon, một nhà nghiên cứu cấp cao về Hàn Quốc của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền, cho biết: “Chính phủ Triều Tiên đã tận dụng đợt bùng phát COVID-19 như một cái cớ để xây dựng những hàng rào, tiền đồn mới này cùng các cơ sở hạ tầng an ninh khác”.

Vào tháng 3 năm nay, một báo cáo của Elizabeth Salmon – nhà điều tra độc lập của Liên Hợp Quốc về nhân quyền ở Triều Tiên – cho thấy có tới 80% người dân Triều Tiên dựa vào cái gọi là “chợ đen Triều Tiên” (Jangmadang) để mua nhu yếu phẩm hàng ngày. Ngày nay hoạt động thương mại tại các thị trường này đã giảm đáng kể trong bối cảnh Bình Nhưỡng đóng cửa biên giới và khiến các nhóm dễ bị tổn thương “bên bờ vực sụp đổ”.

Thông tin dẫn lời các chuyên gia quốc tế nhận xét và phân tích rằng tình trạng thiếu lương thực của Triều Tiên những tháng gần đây ngày càng trầm trọng, một phần do việc phong tỏa biên giới. Vào tháng 2, ông Kim Jong-un đã yêu cầu chuyển đổi ngành nông nghiệp của Triều Tiên, nhấn mạnh rằng các mục tiêu sản xuất lương thực phải được đáp ứng.