Theo Reuters, ngày 19/10 quyền Bộ trưởng Công nghiệp của Chính phủ lâm thời Afghanistan là Haji Nooruddin Azizi cho biết, Chính phủ Taliban hy vọng sẽ chính thức tham gia sáng kiến ​​cơ sở hạ tầng “Vành đai và Con đường” của Trung Quốc, sẽ cử nhóm kỹ thuật đến Trung Quốc đàm phán.

Vuong Nghi Taliban
Quyền Bộ trưởng Ngoại giao của chế độ Taliban Amir Khan Muttaqi và Bộ trưởng Ngoại giao Vương Nghị, thành viên Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương ĐCSTQ. (Ảnh: MXH)

Kể từ khi Chính phủ Taliban lên nắm quyền vào năm 2021, nhà cầm quyền Đảng Cộng sản Trung Quốc đã luôn tìm cách phát triển quan hệ với lực lượng này, mặc dù không có nước nào khác công nhận Chính phủ Taliban cầm quyền Afghanistan. Tháng trước, Trung Quốc đã trở thành nước đầu tiên bổ nhiệm đại sứ tại Kabul, trong khi các nước khác vẫn giữ lại các cựu đại sứ hoặc bổ nhiệm người đứng đầu cơ quan đại diện với tư cách thay quyền, nhưng điều này không liên quan đến việc các nước đó gửi Quốc thư chính thức cho Chính phủ Taliban.

“Chúng tôi đang yêu cầu Trung Quốc cho phép chúng tôi trở thành một phần của Hành lang kinh tế Trung Quốc-Pakistan và Sáng kiến ​​Vành đai và Con đường… (và) ngày hôm nay các vấn đề kỹ thuật đang được thảo luận”, ông Azizi nói với Reuters trong một cuộc phỏng vấn sau khi kết thúc Diễn đàn Vành đai và Con đường ở Bắc Kinh.

Hành lang kinh tế Trung Quốc-Pakistan đề cập đến phần quan trọng nhất của Sáng kiến ​​Vành đai và Con đường ở nước láng giềng Pakistan của Afghanistan.

Ông Azizi cho biết Chính phủ Taliban cũng sẽ cử một nhóm kỹ thuật đến Trung Quốc để giúp họ “hiểu rõ hơn” các vấn đề ngăn cản Afghanistan tham gia sáng kiến ​​này, tuy nhiên không nói rõ điều gì đã cản trở họ tham gia.

Các nguồn tin chỉ ra rằng Afghanistan có thể cung cấp cho Trung Quốc một lượng lớn tài nguyên khoáng sản. Ở Afghanistan đã có một số công ty Trung Quốc đã hoạt động, bao gồm Tập đoàn Luyện kim Trung Quốc (MCC), công ty này đã đàm phán với Chính phủ Taliban cũng như các chính phủ trước đây được phương Tây hậu thuẫn về kế hoạch khai thác một mỏ đồng khổng lồ.

Ông Azizi nói: “Trung Quốc có các khoản đầu tư trên toàn thế giới và cũng nên đầu tư vào Afghanistan… Chúng tôi có mọi thứ họ cần, chẳng hạn như lithium, đồng và sắt. Afghanistan hiện thích hợp để đầu tư hơn bao giờ hết”.

Khi được hỏi về các cuộc đàm phán với MCC Trung Quốc, ông Azizi cho biết các cuộc đàm phán đã bị trì hoãn do khu vực khai thác gần với các di tích lịch sử, nhưng vẫn đang tiếp diễn. Ông Azizi nói thêm: “Các công ty Trung Quốc đã đầu tư rất lớn, chúng tôi ủng hộ họ”.

Được biết, các nhà đầu tư cho rằng vấn đề an ninh ở Afghanistan vẫn đáng lo ngại. Nhóm khủng bố Nhà nước Hồi giáo đã tấn công vào các đại sứ quán nước ngoài ở Kabul và một khách sạn nổi tiếng được các nhà đầu tư Trung Quốc ưa thích.

Khi được hỏi về những thách thức an ninh, ông Azizi nói rằng an ninh là ưu tiên hàng đầu của Chính phủ Taliban, đồng thời nói thêm rằng sau 20 năm chiến tranh, việc quân đội nước ngoài rút quân và Taliban tiếp quản đồng nghĩa với việc nhiều khu vực ở Afghanistan được an toàn hơn.

“Bây giờ có thể đi đến các tỉnh mà trước đây không thể tiếp cận được, nơi đó có ngành công nghiệp, nông nghiệp và khai thác mỏ… và an ninh có thể được đảm bảo”, ông Azizi cho hay.

Tại Diễn đàn Thượng đỉnh Hợp tác quốc tế Vành đai và Con đường (khóa 3) mà nhà cầm quyền Trung Quốc tổ chức hôm thứ Tư (18/10), 34 nước bao gồm Afghanistan [Taliban] đã đồng ý hợp tác về kinh tế kỹ thuật số và phát triển xanh.

Mộc Vệ, theo RFI