Kể từ khi lên nắm quyền cách đây 10 năm, ông Tập Cận Bình đã đích thân đề xuất sáng kiến ​​“Một vành đai, Một con đường” (gọi tắt là Vành đai và Con đường) và triển khai nó như một “chiến lược quốc gia”. Một số chuyên gia đã phân tích mục đích thực tế và mục tiêu cuối cùng của việc ông Tập gấp rút đưa ra sáng kiến ​​này ngay khi lên nắm quyền.

vành đai con đường
Các quốc gia và khu vực mà “Một vành đai, một con đường” của Trung Quốc (Ảnh: Shutterstock)

Hiện nay “Sáng kiến ​​Vành đai và Con đường” đã kỷ niệm 10 năm thành lập, đối với một số quốc gia tham gia sâu vào dự án này, thì đây chính là một “bẫy nợ” do Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) giăng ra đối với họ. Sri Lanka là ví dụ điển hình rơi vào “bẫy nợ”.

Vì sao ông Tập lại nóng lòng khởi động “Sáng kiến ​​Vành đai và Con đường” ngay khi lên nắm quyền?

Diễn đàn cấp cao hợp tác quốc tế “Vành đai và Con đường” lần thứ ba của ĐCSTQ đã được tổ chức tại Bắc Kinh từ ngày 17 đến ngày 18/10. Đại diện của hơn 140 quốc gia, trong đó có Tổng thống Nga Vladimir Putin cũng tham dự.

Theo sách trắng do ĐCSTQ công bố gần đây, tính đến tháng 6 năm nay, 152 quốc gia đã ký văn kiện hợp tác “Vành đai và Con đường” với ĐCSTQ và khối lượng thương mại của Trung Quốc với các quốc gia này đã tăng lên 2000 tỷ USD. ĐCSTQ đã đầu tư vào hơn 3.000 dự án ở các quốc gia này, hầu hết đều trở thành cảng, đường sắt, cầu và khu công nghiệp địa phương.

Ông Tập Cận Bình chính thức trở thành chủ tịch nước tại “lưỡng hội” của ĐCSTQ hồi năm 2013. Tháng 9 năm đó, ông đến thăm Kazakhstan và lần đầu tiên đề xuất “Vành đai kinh tế Con đường Tơ lụa”. Cùng năm, ông đề xuất “Con đường tơ lụa trên biển” trong bài phát biểu trước Quốc hội Indonesia. Vào tháng 11 cùng năm, “Vành đai và Con đường” xác định như một “chiến lược quốc gia” tại Phiên họp toàn thể lần thứ ba của Ủy ban Trung ương ĐCSTQ khóa 18.

Ông Tập Cận Bình đưa ra “Sáng kiến ​​Vành đai và Con đường” chỉ vài tháng sau khi lên nắm quyền và liên tục nhắc đến sáng kiến ​​này trong nhiều chính sách lớn sau đó. “Vành đai và Con đường” trở thành một trong những chính sách mang tính biểu tượng trong thời ông cầm quyền.

Vì sao ông Tập Cận Bình quyết định phát động “Sáng kiến ​​Vành đai và Con đường” ngay khi lên nắm quyền?

Nhà kinh tế tổng hợp Đài Loan Ngô Gia Long (Henry Wu) nói với Epoch Times hôm 17/10 rằng do ông Tập theo đuổi cái gọi là “Trung Quốc mộng” khi mới lên nắm quyền, trong đó có lời hứa sẽ lấy lại Đài Loan. Ông ấy muốn có được nguồn cung cấp năng lượng từ đất liền nên đã thực hiện kế hoạch ​​“Vành đai và Con đường”.

Ông Ngô Gia Long cho rằng mục tiêu cuối cùng của “Sáng kiến ​​Vành đai và Con đường” là nhắm vào Đài Loan. ĐCSTQ muốn có được nguồn cung cấp dầu vì dầu cần cho chiến tranh. Khi ĐCSTQ muốn tấn công Đài Loan, vấn đề đầu tiên là ngăn chặn nguồn cung cấp năng lượng khỏi bị cắt đứt.

Nhà bình luận chính trị kỳ cựu Đường Tĩnh Viễn (Tang Jingyuan) nói với tờ Epoch Times hôm 17/10 rằng bản chất của “Sáng kiến ​​Vành đai và Con đường” là khuôn khổ cho chiến lược bá chủ toàn cầu và mở rộng toàn cầu của ông Tập Cận Bình. ĐCSTQ có ý đồ sử dụng sáng kiến này, lợi dụng phương pháp bẫy nợ bao gồm mở rộng kinh tế và xâm lược kinh tế để thúc đẩy sự thâm nhập chính trị và tư tưởng vào các nước tham gia, từ đó mở rộng ảnh hưởng của ĐCSTQ.

“Đồng thời, ĐCSTQ có thể giành quyền kiểm soát một số quốc gia, bao gồm cả các nước yếu, nghèo và nhỏ. Bằng cách này, ĐCSTQ có thể sử dụng các mối ràng buộc của ‘Vành đai và Con đường’ để hình thành phạm vi ảnh hưởng của mình.”

Ông Đường Tĩnh Viễn cho rằng ĐCSTQ sử dụng cả sức ép kinh tế và chính trị để duy trì phạm vi ảnh hưởng của mình, đây là lý do cơ bản nhất khiến ông Tập Cận Bình nóng lòng khởi động “Sáng kiến ​​Vành đai và Con đường” sau khi lên nắm quyền. Ông Tập Cận Bình muốn hiện thực hóa cái mà ông gọi là “cộng đồng nhân loại cùng chung vận mệnh”, thực hiện cái mà ông gọi là phục hưng chính quyền đỏ, thực hiện cái mà ông gọi là giấc mơ thế kỷ của Trung Quốc. “Vành đai và Con đường” chính là công cụ và nền tảng cơ bản để ĐCSTQ thực hiện dã tâm của mình.

Một quốc gia điển hình rơi vào bẫy nợ – Sri Lanka

ĐCSTQ thúc đẩy “ngoại giao bẫy nợ” thông qua “Sáng kiến ​​Vành đai và Con đường”, một trong những “câu chuyện cảnh giác” được nhắc đến nhiều nhất là cảng Hambantota ở Sri Lanka. “Vành đai và Con đường” không những không mang lại đủ lợi ích kinh tế cho Sri Lanka mà còn khiến Sri Lanka phải gánh những khoản nợ nặng nề, khiến đất nước rơi vào tình trạng hỗn loạn và gây ra một trong những cuộc khủng hoảng kinh tế và chính trị nghiêm trọng nhất trong lịch sử nước này.

Ông Mahinda Rajapaksa giữ chức Tổng thống Sri Lanka từ năm 2005 đến năm 2015. Ông đã ký nhiều thỏa thuận với ĐCSTQ, khiến Sri Lanka nợ nần chồng chất. Trong vòng chưa đầy 20 năm, đầu tư của Trung Quốc vào Sri Lanka đã tăng lên gần 12 tỷ USD.

Ví dụ về cảng nước sâu Hambantota mang tính biểu tượng hơn. Từ năm 2007 đến năm 2014, Sri Lanka đã vay 1,2 tỷ USD để xây dựng cảng Hambantota nhưng đến năm 2016, rõ ràng nước này không có khả năng trả nợ.

Để trả một phần nợ, Sri Lanka đã phải quyết định nhượng lại quyền vận hành các cảng phía Nam cho Trung Quốc (ĐCSTQ) – trao cho Công ty cổ phần cảng khẩu (China Merchants Port Holdings, CMPH) thuộc Cục Chiêu thương Trung Quốc (China Merchants Group, CMG, là một doanh nghiệp nhà nước), vận hành 99 năm đối với hoạt động thương mại cảng. Ngoài ra, CMPH còn xây dựng một khu công nghiệp trên diện tích khoảng 15.000 mẫu đất ở khu vực lân cận.

Thỏa thuận chính thức có hiệu lực vào cuối năm 2017. Thủ tướng lúc bấy giờ là ông Ranil Wickremesinghe cho biết Sri Lanka đã trả hết một phần nợ cho Trung Quốc thông qua thỏa thuận này. Tuy nhiên, ngay cả trước khi thỏa thuận được ký kết, đã xảy ra tranh cãi về việc cưỡng bức di dời cư dân không chính thức và xung đột giữa cảnh sát và dân thường đã nổ ra. Những người phản đối cũng hoài nghi về ĐCSTQ và lo ngại cảng có thể trở thành thuộc địa hoặc căn cứ cho quân đội ĐCSTQ.

Ông Ngô Gia Long cho rằng “Vành đai và Con đường” bề ngoài là vấn đề kinh tế, tài chính của việc đầu tư cơ sở hạ tầng, nhưng thực chất nó là vấn đề địa chính trị, được ĐCSTQ lợi dụng để tranh giành địa bàn.

Vùng Hambantota được coi là một trong những vùng nghèo nhất ở Sri Lanka. Tại khu vực Hambantota, không chỉ có cảng do Công ty Kỹ thuật Cảng Trung Quốc xây dựng mà còn có “Trung tâm Hội nghị trong rừng” do công ty này tài trợ và xây dựng.

Sân bay lớn thứ hai của Sri Lanka, Sân bay Quốc tế Rajapaksa, ban đầu được lên kế hoạch đón 1 triệu hành khách mỗi năm, nhưng nó được gọi đùa là “sân bay trống trải nhất thế giới”. Nhà báo Wade Shepard của Forbes đã đích thân đến thăm nơi này vào năm 2016 và nhận thấy số lượng chuyến bay hàng ngày chỉ là số ít, với một nhà ga trống có diện tích 12.000 mét vuông, 12 quầy làm thủ tục và 2 cổng lên máy bay.

Sân bay này cũng được Công ty Kỹ thuật Cảng Trung Quốc xây dựng với chi phí 209 triệu USD và chính thức đưa vào sử dụng vào năm 2013.

Kế hoạch ban đầu là biến khu vực Hambantota thành khu đô thị lớn thứ hai ở Sri Lanka; có thể nói, cảng, sân bay, trung tâm hội nghị và sân vận động bóng gậy đẳng cấp thế giới đều được thiết kế để đạt được mục tiêu này, và những cơ sở vật chất này đều được kết nối bằng những con đường do ĐCSTQ tài trợ xây dựng. Tuy nhiên, quy mô dân số và cơ sở kinh doanh của khu vực Hambantota không đủ để hỗ trợ, các làng chài và rừng rậm nhỏ duy nhất trong khu vực không mấy hấp dẫn đối với các nhà đầu tư và doanh nhân, điều này cũng dẫn đến toàn bộ kế hoạch kết thúc bằng sự thất bại.

Năm 2018, truyền thông Ấn Độ đưa tin, các quan chức hàng không dân dụng Sri Lanka đang đàm phán với Chính phủ Ấn Độ, hy vọng Ấn Độ sẽ mua một phần cổ phần tại Sân bay Quốc tế Rajapaksa và cùng vận hành sân bay này với Sri Lanka theo hợp đồng thuê 40 năm.

Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) ước tính Sri Lanka dự kiến ​​sẽ có khoảng 56 tỷ USD nợ nước ngoài trong năm nay, tương đương khoảng 75% tổng sản phẩm quốc nội (GDP). ĐCSTQ là chủ nợ lớn nhất của Sri Lanka, chiếm khoảng 52% tổng nợ.

Theo IMF, tính đến cuối năm 2020, Sri Lanka nợ Ngân hàng Xuất nhập khẩu Trung Quốc 2,83 tỷ USD, chiếm 3,5% nợ nước ngoài của nước này.

Ngoài Sri Lanka, nhiều nước như Lào, Djibouti, Pakistan, Ethiopia, Hy Lạp cũng đang gặp khó khăn tương tự.

“Vành đai và Con đường” chỉ tồn tại trên danh nghĩa và đã thất bại

Trong những năm gần đây, nguồn tài trợ được thu hút bởi “​​Vành đai và Con đường” đã chậm lại. Hoạt động tổng thể ở các quốc gia tham gia đã giảm khoảng 40% so với mức đỉnh điểm vào năm 2018.

Ông Đường Tĩnh Viễn cho biết, từ góc độ cái gọi là hợp tác kinh tế, sáng kiến “​​Vành đai và Con đường” thực sự đã thất bại hoàn toàn, ngoại trừ bẫy nợ, chưa bao giờ có hợp tác song phương thành công và đôi bên cùng có lợi.

Ông Ngô Gia Long cho rằng “Vành đai và Con đường” đã dẫn đến gánh nặng nợ nần. Ở Trung Đông, Châu Âu và Châu Phi, người dân đã hiểu rằng đây là một thủ đoạn để ĐCSTQ cố gắng mở rộng ảnh hưởng quốc tế, khiến các nước tham gia phải rơi vào bẫy nợ. Sáng kiến​ không phải là một dự án đầu tư kinh tế mà là cuộc cạnh tranh giành ảnh hưởng địa chính trị của ĐCSTQ.

Bloomberg đưa tin, một quan chức ĐCSTQ, người không muốn nêu tên do tính nhạy cảm của vấn đề, cho biết ảnh hưởng kép của dịch bệnh COVID-19 (virus corona mới) và các vấn đề kinh tế của Trung Quốc, “Vành đai và Con đường” đã chỉ còn tồn tại trên danh nghĩa nữa. Bắc Kinh đã mong chờ hội nghị thượng đỉnh kỷ niệm 10 năm “Sáng kiến ​​Vành đai và Con đường” trong tuần để tạo động lực mới cho sáng kiến ​​này.

Một quan chức cấp cao của Mỹ yêu cầu giấu tên cũng chỉ ra rằng đánh giá của Mỹ về “Vành đai và Con đường” đang gặp khó khăn sâu sắc, Bắc Kinh có ít vốn hơn để cho vay và áp lực thu các khoản vay khổng lồ mà họ đã cho vay cũng ngày càng gia tăng.

Bắc Kinh đã phải đối mặt với cáo buộc là “người cho vay vô trách nhiệm” vì đã để lại cho các nước tham gia những khoản nợ mà họ không thể trả được, đồng thời mối quan hệ Mỹ – Trung xấu đi đã khiến việc tham gia “​​Vành đai và Con đường” trở nên gây tranh cãi hơn. Ý là quốc gia G7 duy nhất tham gia sáng kiến này, trước khi diễn ra hội nghị thượng đỉnh này, Ý đã tuyên bố ý định rút lui khỏi “Vành đai và Con đường” của ĐCSTQ sau khi hết năm nay.