Do “thảm kịch nhân đạo tại Gaza”, Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố triệu hồi đại sứ của mình tại Israel. Sự kiện xảy ra ngay trước lúc Ngoại trưởng Mỹ theo kế hoạch hiếm hoi sẽ thăm quốc gia phần đông theo đạo Hồi này.

de8f6d817d8ab87db69c3dbf67945eaf01c9592f scaled
Đảng cầm quyền của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan đã tổ chức cuộc biểu tình cực lớn vào tuần trước ở Istanbul, ủng hộ Palestine và phản đối Israel/Mỹ (nguồn ảnh: văn phòng báo chí TNK)

Hôm Thứ Bảy 4/11, Bộ Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố Đại sứ Sakir Ozkan Torunlar ở Israel đang được triệu hồi, bởi vì “thảm kịch nhân đạo ở Gaza đang diễn ra do Israel tấn công liên tục vào dân thường, và việc Israel từ chối [đề xuất hãy ra] lệnh ngừng bắn.”

Hôm Thứ Sáu, truyền thông Thổ Nhĩ Kỳ dẫn lời của Tổng thống Recep Tayyip Erdogan rằng: “Ông Netanyahu không còn là người mà chúng tôi có thể nói chuyện. Chúng tôi đã cắt đứt với ông ấy.”

Tuy Thổ Nhĩ Kỳ trở nên xa cách Israel, nhưng không phải là dấu hiệu cắt đứt quan hệ ngoại giao giữa hai nước.

“Việc cắt hoàn toàn mối quan hệ là điều không thể, đặc biệt trong ngoại giao quốc tế,” ông Erdogan nói. “Nhưng ông Netanyahu phải chịu trách nhiệm chính về bạo lực. Điều ông ấy cần làm là lùi lại một bước và dừng việc đó lại.”

Cùng quãng thời gian này, Honduras và Jordan cũng tuyên bố triệu hồi đại sứ của họ tại Israel với lý do tương tự với Thổ Nhĩ Kỳ. Cuối tháng trước, Bolivia cắt đứt quan hệ với Israel, Chile và Colombia triệu hồi đại sứ của mình tại Israel.

Cuối tuần trước Bộ Ngoại giao Israel cho hay họ đang ”đánh giá lại” quan hệ với Ankara  khi lời lẽ của Thổ Nhĩ Kỳ ngày càng gay gắt về chiến tranh Israel-Gaza.

Bấy giờ, Israel cũng đã rút tất cả các nhà ngoại giao khỏi Thổ Nhĩ Kỳ, với lý do lo lắng cho an toàn của những nhà ngoại giao ở quốc gia mà phần đông là người theo Hồi giáo này.

Phản ứng trước quyết định này của Thổ Nhĩ Kỳ, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Israel Lior Haiat miêu tả trên X (Twitter) rằng “Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ lại tiến một bước nữa ủng hộ tổ chức khủng bố Hamas,” và viết rằng “quân khủng bố Hamas lấy người Palestine làm lá chắn… [Hamas] là kẻ thù đích thực của nhân dân Palestine” chứ không phải Israel.

Trong khi đó, theo France-24 báo cáo, Hamas ca ngợi quyết định này và kêu gọi Thổ Nhĩ Kỳ “gây áp lực lên Tổng thống Mỹ Biden và chính quyền của ông ấy”, sao cho “những trợ giúp nhân đạo và y tế có thể đến được những người dân chúng tôi đang bị công hãm ở Dải Gaza.”

Bộ Y tế Gaza, nơi Hamas kiểm soát, công bố trên 9.500 người Palestine ở Gaza đã bị bom đạn Israel giết chết, trong đó rất nhiều là phụ nữ và trẻ em.

Thổ Nhĩ Kỳ đã trở nên cứng rắn hơn trong quan hệ với Israel sau khi chiến tranh leo thang, và người Palestine Hồi giáo bị trở thành đối tượng của bom đạn của quân đội IDF oanh tạc Gaza. Trước đó, Thổ Nhĩ Kỳ được cho là đang có những nỗ lực cùng với Israel để hàn gắn quan hệ hai nước. Tuy nhiên, chiến tranh Israel-Gaza đã khiến quan hệ này thay đổi.

“Tôi đã bắt tay một người đàn ông mang tên Netanyahu này một lần trong đời,” ông Erdogan nói ở Quốc hội hôm 26/10 khi hủy chuyến đi tới Israel lúc bấy giờ, và đề cập đến cuộc gặp của ông với Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu bên lề Đại hội đồng Liên Hợp Quốc vào tháng 9. Bấy giờ ông nói “Hamas không phải tổ chức khủng bố, mà là giải phóng quân và nhóm thánh chiến… bảo vệ đất đai và nhân dân của mình.”

  • Cuộc gặp mặt lần đầu tiên giữa hai nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan và Israel Netanyahu ở Đại hội đồng Liên Hợp Quốc tại Mỹ vào cuối tháng 9/2023:

Trước thềm chuyến thăm của Ngoại trưởng Mỹ

Tuyên bố triệu hồi đại sứ của Thổ Nhĩ Kỳ được đưa ra chỉ vài giờ sau khi Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken thông báo rằng ông sẽ đến thăm Thổ Nhĩ Kỳ trong khuôn khổ chuyến công du kéo dài gần đây tới khu vực.

Một bản tin của Bộ Ngoại giao sáng Thứ Bảy đã nêu rõ các mục tiêu của ông Blinken ở Thổ Nhĩ Kỳ là nhấn mạnh “tầm quan trọng của việc bảo vệ mạng sống dân thường ở Israel và Dải Gaza”, gồm cả hỗ trợ nhân đạo.

Tuyên bố cũng nhấn mạnh mục tiêu của ông Blinken là “giảm căng thẳng trong khu vực và tái khẳng định cam kết của Mỹ trong việc hợp tác với các đối tác nhằm đặt ra các điều kiện cần thiết cho nền hòa bình lâu dài và bền vững ở Trung Đông, bao gồm cả việc thành lập một nhà nước Palestine.”