Vào ngày đầu tiên nhậm chức, Thống đốc Virginia Glenn Youngkin đã thực hiện lời hứa tranh cử của mình bằng cách cấm các trường công lập trong tiểu bang giảng dạy Lý thuyết Chủng tộc Phê phán (CRT), mà ông mô tả là một khái niệm “gây chia rẽ cố hữu”.

Embed from Getty Images

Ngay sau khi tuyên thệ nhậm chức thống đốc vào ngày 15/1 ở Richmond, ông Youngkin đã ký chín lệnh hành pháp và hai chỉ thị để giải quyết một số vấn đề liên quan đến chính quyền của ông. Sắc lệnh đầu tiên trong số này là nhằm mục đích chấm dứt “việc sử dụng các khái niệm gây chia rẽ… trong giáo dục công lập”.

“Các khái niệm gây chia rẽ cố hữu, như Lý thuyết Chủng tộc Phê phán và phái sinh của nó, dẫn hướng cho học sinh chỉ nhìn cuộc sống qua lăng kính chủng tộc, còn cho rằng một số học sinh bị phân biệt chủng tộc, phân biệt giới tính hoặc áp bức một cách có ý thức hoặc vô thức, trong khi những học sinh khác là nạn nhân. Điều này đã ngăn cản học sinh của chúng ta có cơ hội thu thập các sự kiện quan trọng, kiến ​​thức cốt lõi, hình thành ý kiến ​​của riêng mình và tự suy nghĩ,” sắc lệnh nêu rõ.

“Con cái của chúng ta xứng đáng nhận được sự giáo dục tốt hơn nhiều so với việc được bảo rằng chúng phải nghĩ những gì.”

Cụ thể, lệnh hành pháp giao nhiệm vụ cho Bộ trưởng Giáo dục của tiểu bang xem xét tất cả các chính sách, chương trình, tiêu chuẩn học tập và giáo trình trong Bộ Giáo dục để xác định xem họ có quảng bá hay tán thành các khái niệm vốn mang tính chia rẽ như Lý thuyết Chủng tộc Phê phán hay không. Lệnh này cũng cấm bất kỳ nhân viên điều hành nào tham gia “hướng dẫn hoặc thuyết phục học sinh để tiếp nhận, làm theo hoặc tán đồng các khái niệm vốn mang tính chia rẽ.”

Lệnh này định nghĩa “các khái niệm gây chia rẽ” là những ý tưởng vi phạm luật chống phân biệt đối xử của liên bang, chẳng hạn như ý tưởng rằng một chủng tộc vốn đã vượt trội hơn một chủng tộc khác, rằng bất kỳ ai cũng phải bị phân biệt đối xử hoặc bị đối xử bất lợi vì chủng tộc của mình; rằng bất kỳ ai cũng đều phải chịu trách nhiệm về những hành động đã thực hiện trong quá khứ của các thành viên khác cùng chủng tộc với họ; hoặc tư cách đạo đức của một người vốn được xác định bởi chủng tộc của họ.

Ông Youngkin đã bổ nhiệm hai phụ nữ vào các vị trí lãnh đạo cao cấp để thực thi mệnh lệnh của ông. Cả hai người được bổ nhiệm đều là những nhà phê bình chủ nghĩa tiến bộ nổi tiếng trong các trường K–12, và cũng là những người ủng hộ việc thúc đẩy phụ huynh có nhiều tiếng nói hơn trong việc giáo dục con cái của họ.

Bà Jillian Balow, người đã giữ chức vụ Bộ trưởng Giáo dục tại Wyoming từ năm 2015, đã từ chức vào tuần trước để chấp nhận lời mời làm việc của Thống đốc Youngkin. Tháng 9/2021, bà đã cùng với hai thượng nghị sĩ Đảng Cộng hòa công bố một dự luật (pdf) yêu cầu các trường đăng trực tuyến danh sách tất cả các tài liệu giảng dạy mà họ sử dụng.

“Các lớp học K–12 không phải là một diễn đàn thích hợp cho các lý thuyết chính trị cấp tiến như Lý thuyết Chủng tộc Phê phán,” bà Balow nhấn mạnh. “Dự luật này trao cho phụ huynh những công cụ mà họ cần để giám sát những gì đang được giảng dạy trong học khu của họ và cung cấp chỉ dẫn cho các học khu về hướng giảng dạy toàn diện về lịch sử và công dân Hoa Kỳ.”

Bà Elizabeth Schultz được Youngkin bổ nhiệm làm trợ lý bộ trưởng. Là một thành viên cấp cao của nhóm bảo vệ quyền của phụ huynh – Cha mẹ Bảo vệ Giáo dục – bà Schultz đã tích cực chống lại những nỗ lực đưa Lý thuyết Chủng tộc Phê phán vào Quận Fairfax và Loudoun, hai quận lớn nhất tại tiểu bang Virginia.

“Bất chấp sự phản đối của hội đồng trường học ở Fairfax và Loudoun rằng họ không ‘dạy’ nó [Lý thuyết Chủng tộc Phê phán], thực tế là có một nỗ lực toàn diện, có chủ ý và lôi kéo của nhân viên nhà trường và hội đồng trường được tiến hành trong suốt nhiều năm,” bà Schultz viết trong một bài báo năm ngoái, chỉ ra một loạt sáng kiến ​​nhằm nâng cao “công lý” và công bằng xã hội.

Minh Ngọc (Theo The Epoch Times)

Xem thêm: