Ngày 3/8, Thủ tướng Ba Lan Mateusz Morawiecki cảnh báo, việc các máy bay chiến đấu của Tập đoàn Wagner xuất hiện ở Belarus là mối đe dọa đối với Ba Lan và “sườn phía đông” của NATO trong bối cảnh căng thẳng ngày càng tăng giữa Warsaw (thủ đô Ba Lan) và Minsk (thủ đô Belarus).

Embed from Getty Images

Thủ tướng Morawiecki nhận định: “Tập đoàn Wagner cực kỳ nguy hiểm, và họ đang di chuyển đến sườn phía Đông [của liên minh NATO] để gây bất ổn.”

Nhà lãnh đạo Ba Lan đưa ra tuyên bố trên sau cuộc gặp với Tổng thống Litva Gitanas Nauseda ở vùng Suwalki Gap phía đông Ba Lan.

Sau khi tổ chức một cuộc binh biến ngắn ngủi vào tháng 6, các chiến binh của Tập đoàn Wagner bắt đầu đến Belarus, một đồng minh chủ chốt của Nga. Tập đoàn quân sự tư nhân của Nga đang huấn luyện các đơn vị của quân đội Belarus tại các cơ sở gần biên giới Ba Lan.

Một số thành viên NATO lo ngại sự hiện diện của Tập đoàn Wagner chỉ cách lãnh thổ Ba Lan, một thành viên NATO, vài dặm có thể gây ra bất ổn cho khu vực vốn đã căng thẳng này.

Trong khi đó, Tổng thống Nauseda đã nhắc đến khả năng đóng cửa biên giới của Litva với Belarus trong trường hợp nhận thấy có sự leo thang.

Tuy nhiên, ông lưu ý, các bước như vậy nên được “phối hợp giữa Ba Lan, Litva và Latvia”.

Ba Lan và Litva đã lần lượt trở thành thành viên NATO vào năm 1999 và 2004. Cả hai quốc gia này đều ủng hộ nhiệt thành Kyiv trong cuộc xung đột Nga – Ukraine và cả hai đều có chung đường biên giới dài với Belarus.

Minsk phủ nhận vi phạm không phận

Phát biểu của Thủ tướng Morawiecki được đưa ra sau khi Ba Lan cáo buộc Belarus vi phạm không phận của mình vào ngày 1/8, với việc hai máy bay trực thăng quân sự của Minsk bay đến gần ngôi làng Bialowieza của Ba Lan nằm ở khu vực biên giới.

Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Ba Lan Wojciech Skurkiewicz cảnh báo: “Nếu những vụ việc như vậy tiếp tục và  căng thẳng leo thang, thì chúng tôi sẽ hành động để đáp trả mối đe dọa.”

Phát biểu với giới truyền thông Ba Lan hôm 2/8, Thứ trưởng Skurkiewicz tiếp tục chỉ trích vụ vi phạm không phận bị cáo buộc là một “hành động khiêu khích nhắm vào sườn phía đông của NATO và Cộng hòa Ba Lan.”

Tuy nhiên, Minsk cáo buộc Ba Lan đã bịa đặt câu chuyện để biện minh cho việc tăng quân gần biên giới Belarus.

Các quan chức Belarus tuyên bố, họ đã cung cấp cho những người đồng cấp Ba Lan “dữ liệu chi tiết về tình huống bay liên quan đến các chuyến bay … ở khu vực biên giới vào ngày 1/8.”

Hôm 2/8, Bộ Quốc phòng Belarus khẳng định: “Dữ liệu xác nhận rằng không có căn cứ nào để cáo buộc [máy bay Belarus] đã vi phạm biên giới.”

Tuy nhiên, bất chấp lời phủ nhận của Belarus, tuần này Warsaw đã công bố kế hoạch điều “thêm các lực lượng và nguồn lực” đến biên giới, bao gồm cả máy bay trực thăng chiến đấu.

Bộ Ngoại giao Belarus đã kêu gọi Warsaw “kiềm chế leo thang tình hình và không sử dụng nó [vụ vi phạm không phận] như một cái cớ để quân sự hóa các khu vực biên giới.”

Tăng quân ở biên giới

Trong tháng qua, Ba Lan đã liên tục tăng cường lực lượng quân sự của mình dọc theo biên giới dài khoảng 250 dặm (400km) với Belarus.

Đầu tháng 7, Warsaw đã cử 500 cảnh sát đến khu vực biên giới. Một tuần sau, họ tiếp tục điều thêm 1.000 quân tới khu vực phía đông của đất nước.

Các quan chức Ba Lan đã viện dẫn sự xuất hiện gần đây của các máy bay chiến đấu của Tập đoàn Wagner ở Belarus để biện minh cho việc triển khai các lực lượng đến biên giới.

Tháng trước, Bộ trưởng Quốc phòng Ba Lan Mariusz Blaszczak nhấn mạnh, việc tăng cường quân đến biên giới cho thấy đất nước của ông sẵn sàng “đáp trả các nỗ lực gây bất ổn”.

Trong khi đó, các quan chức Belarus và Nga cáo buộc, việc chuyển quân về phía đông của Warsaw cho thấy Ba Lan đang chuẩn bị cho “các hành động gây hấn quy mô lớn hơn”.

Hôm 22/7, ông Boris Gryzlov, đặc phái viên của Moscow ở Minsk, đã cảnh báo rằng Nga và Belarus, vốn bị ràng buộc bởi hiệp ước phòng thủ chung, đã sẵn sàng đẩy lùi bất kỳ mối đe dọa nào” đối với an ninh chung của họ.

Trước đó một ngày, Bộ trưởng Quốc phòng Đức Boris Pistorius nhấn mạnh rằng Berlin sẵn sàng hỗ trợ Ba Lan bảo vệ sườn phía đông của NATO.

Xích mích giữa Ukraine và Ba Lan

Trong khi đó, những ngày gần đây đã xảy ra sự xích mích bất thường giữa Ukraine và Ba Lan sau khi một quan chức Ba Lan cho rằng Kyiv nên thể hiện sự cảm kích hơn đối với sự hỗ trợ của đất nước ông dành cho Ukraine trong cuộc chiến với Nga.

Gần đây giới truyền thông Ba Lan đã trích dẫn lời của ông Marcin Przydacz, một cố vấn của Tổng thống Ba Lan: “Thật đáng để [Kyiv] bắt đầu cảm kích vai trò mà Ba Lan đã làm cho Ukraine trong những tháng năm qua.”

Hôm 1/8, Bộ Ngoại giao Ukraine tuyên bố, họ đã thông báo cho đại sứ Ba Lan tại Kyiv rằng những tuyên bố như vậy là “không đúng sự thật và không thể chấp nhận được.”

Cố vấn Przydacz cũng làm dấy lên những lời chỉ trích ở Kyiv khi ông kêu gọi Warsaw nên bảo vệ lợi ích của nông dân Ba Lan, đề cập đến lệnh cấm nhập khẩu nông sản Ukraine của Ba Lan.

Trước đó hồi tháng 5, Liên minh châu Âu đã cho phép Ba Lan, Bulgaria, Hungary, Romania, và Slovakia cấm bán lúa mì và một số hàng hóa khác của Ukraine trong nước.

Cố vấn Przydacz được cho là ủng hộ việc gia hạn lệnh cấm này, vốn sẽ hết hạn vào ngày 15/9.

Truyền thông trích dẫn lời của ông cho biết: “Điều quan trọng nhất hiện nay là bảo vệ lợi ích của nông dân Ba Lan.”

Trong một nỗ lực hòa giải rõ ràng với Warsaw, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy gần đây đã nhấn mạnh sự cảm kích của Kyiv đối với “sự hỗ trợ lịch sử” của Ba Lan.

Trong bài đăng trên mạng xã hội, Tổng thống Zelensky khẳng định: “Chúng tôi không cho phép bất kỳ khoảnh khắc chính trị nào làm hỏng mối quan hệ giữa người dân Ukraine và người dân Ba Lan.”

Nhận xét về cuộc tranh cãi giữa Ba Lan và Ukraine, phát ngôn viên Dmitry Peskov của Điện Kremlin dự đoán rằng sẽ có thêm “sự bất hòa” giữa Kyiv và Warsaw.

Hôm 2/8, phát biểu với các phóng viên, ông Peskov bình luận: “Người Ba Lan có nhiều đòi hỏi đối với người Ukraine. Một loạt các sự kiện lịch sử … đã để lại dấu ấn sâu sắc đối với tình trạng quan hệ của họ.”

Ông tiếp tục: “Nông dân Ba Lan không thích ngũ cốc của Ukraine, và người dân Ba Lan không thích hỗ trợ người tị nạn Ukraine.” Đồng thời ông lưu ý, Moscow đang theo dõi “rất chặt chẽ” mối quan hệ Kyiv – Warsaw.

Gia Huy (Theo The Epoch Times)