Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến hết ngày 17/8, thế giới ghi nhận thêm khoảng 600.000 ca mắc COVID-19 mới và 9.594 trường hợp tử vong chỉ trong vòng 24 giờ, qua đó nâng tổng số người nhiễm bệnh từ đầu dịch lên khoảng 204.793.992 ca, trong đó có khoảng 4.211.862 người thiệt mạng.

COVID-19
(Ảnh minh họa: Studio Romantic/Shutterstock)

Trong 24 giờ qua, Mỹ dẫn đầu thế giới với 102.999 ca mới; tiếp theo là Iran (50.228 ca) và Nga (37.197 ca); Indonesia dẫn đầu về số ca tử vong mới với 1.180 người, tiếp theo là Brazil (816 ca) và Nga (806 ca).

Mỹ, Ấn Độ và Brazil vẫn là 3 nước bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất thế giới. Số ca nhiễm tại Mỹ  đến nay là 37.848.622 người, trong đó có 639.750 ca tử vong. Ấn Độ ghi nhận tổng cộng 32.285.101 ca nhiễm, bao gồm 432.552 ca tử vong. Trong khi đó, Brazil xếp thứ 3 với 20.416.183 ca bệnh và 570.598 ca tử vong.

Mỹ: Thống đốc Texas Greg Abbott mắc COVID-19

Thống đốc tiểu bang Texas, Greg Abbott ngày 17/8 đã có kết quả xét nghiệm dương tính với virus corona. Theo NBC News, ông Abbott nói với mọi người rằng ông đã tiêm liều vắc-xin bổ sung thứ 3. Chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden dự kiến quy định hầu hết người Mỹ cần tiêm liều bổ sung lại sau 8 tháng hoàn tất việc tiêm chủng và kế hoạch này sẽ bắt đầu từ giữa tháng 9 tới đây.

Bên cạnh đó, hãng dược phẩm Pfizer/ BioNTech ngày 16/8 đã gửi dữ liệu nghiên cứu lâm sàng sơ bộ lên các cơ quan y tế nước này nhằm tìm kiếm sự cho phép tiêm liều vắc-xin bổ sung của hãng này cho tất cả người dân Mỹ. Pfizer/ BioNTech cũng có kế hoạch gửi những dữ liệu này cho các cơ quan có thẩm quyền ở châu Âu trong những tuần tới.

Anh cấp phép sử dụng vắc-xin Moderna cho trẻ em 12-17 tuổi

Ngày 17/8, cơ quan quản lý dược phẩm Anh cho biết đã cấp phép sử dụng vắc-xin COVID-19 của hãng Moderna cho trẻ em từ 12-17 tuổi.

Động thái này diễn ra hơn 2 tháng sau khi vaccine của hãng Pfizer/ BioNTech cũng đã được giới chức y tế Anh phê duyệt để sử dụng cho trẻ em từ 12-15 tuổi. Hiện Anh đang xem xét để cấp phép tiêm vắc-xin của Pfizer/ BioNTech cho nhóm đối tượng là thanh thiếu niên từ 16-17 tuổi.

Hồi tháng 7 vừa qua, Cơ quan quản lý dược phẩm của Liên minh châu Âu đã khuyến nghị sử dụng vắc-xin Moderna cho nhóm đối tượng là thanh thiếu niên và hiện Mỹ cũng đang xem xét vấn đề này.

Israel: 1 triệu người đã tiêm liều thứ 3

Trong khi đó, sau 2 tuần triển khai, chiến dịch tiêm bổ sung liều vắc-xin thứ 3 tại Israel đã cán mốc 1 triệu người, trong khi dịch COVID-19 vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp tại quốc gia này.

Thủ tướng Israel Naftali Bennett coi sự kiện này là một thành công lớn, mặc dù vẫn còn nhiều công việc phía trước, đồng thời kêu gọi người dân tiếp tục đi tiêm chủng.

Mặc dù vậy, giới chức y tế cho biết trong ngày 16/8 Israel đã ghi nhận hơn 7.000 ca mắc mới COVID-19, mức cao nhất kể từ tháng 2 vừa qua. Tỷ lệ xét nghiệm cho kết quả dương tính cũng đang ở mức cao nhất kể từ đầu năm nay. Hiện tại, quốc gia này đang có hơn 53.000 ca mắc COVID-19, trong đó 528 ca nghiêm trọng.

Là quốc gia có tỷ lệ tiêm vắc-xin cao hàng đầu thế giới, nhưng Israel vẫn đang đối mặt với làn sóng lây nhiễm mới do biến thể Delta, đặt chính phủ nước này trước những lựa chọn khó khăn về biện pháp kiểm soát.

Hàn Quốc tiêm vắc-xin đầy đủ cho gần 20% dân số  

Đã có thêm 661.839 người tại Hàn Quốc được tiêm liều đầu tiên trong ngày 16/8, khi người dân nước này đang trong kỳ nghỉ lễ Quốc khánh (14-16/8). Số người tiêm liều thứ nhất đã tăng lên đáng kể khi đối tượng từ 50-54 tuổi bắt đầu được tiêm chủng. Đến nay đã có tổng cộng 9.996.839 người đã hoàn tất các liều tiêm theo quy định, chiếm 19,5% dân số.

Ngày 17/8, Cơ quan Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hàn Quốc (KDCA) cho biết nước này đã ghi nhận 2.111 trường hợp dương tính với virus corona trong số hơn 9 triệu người đã được tiêm vắc-xin đầy đủ. Trong số này, có 19 ca xuất hiện các triệu chứng nghiêm trọng và 2 trường hợp nặng (ở độ tuổi 80 và 90) đã dẫn đến tử vong. KDCA cho biết tỷ lệ các trường hợp đã tiêm chủng đầy đủ nhưng vẫn mắc COVID-19 cao nhất là những người ở độ tuổi 30, với 66,1 trường hợp/100.000 dân. Tỷ lệ này có dấu hiệu giảm dần ở những người cao tuổi hơn.

Nhật Bản: Số ca nguy kịch lại tăng kỷ lục  

Ngày 17/8, số bệnh nhân COVID-19 nguy kịch ở Nhật Bản đã tăng cao kỷ lục lên 1.646 người, tăng 43 ca so với 1 ngày trước đó. Đây là ngày thứ 5 liên tiếp số bệnh nhân nguy kịch lập mốc cao mới. Điều này khiến cho hệ thống y tế của nhiều tỉnh, thành, trong đó có thủ đô Tokyo, đang rơi vào tình trạng căng thẳng.

Trong một diễn biến khác, chính phủ Nhật Bản đã đảm bảo đủ vắc-xin COVID-19 để tiêm mũi thứ 3 cho người dân nhằm tăng khả năng miễn dịch. Chính phủ Nhật Bản đã ký hợp đồng mua 50 triệu liều vắc-xin COVID-19 của hãng Moderna trong năm 2022. Bên cạnh đó, Nhật Bản và hãng Pfizer  đã nhất trí về việc cung ứng vắc-xin cho chương trình tiêm liều bổ sung.

Theo thống kê của Chính phủ Nhật Bản, đến ngày 16/8, hơn 63,23 triệu người dân ở nước này đã tiêm ít nhất 1 liều vắc-xin COVID-19, trong đó hơn 47,8 triệu người đã tiêm liều thứ 2.

Thái Lan: Số ca tử vong trong ngày đạt mốc cao nhất

Theo Trung tâm Xử lý tình hình COVID-19 (CCSA) của Chính phủ Thái Lan, ngày 17/8, nước này đã ghi nhận thêm 239 ca tử vong do COVID-19, mức trong ngày cao nhất kể từ trước tới nay tại nước này, qua đó nâng tổng số ca tử vong do dịch bệnh lên 7.973 ca. Thái Lan cũng ghi nhận thêm 20.128 ca mắc COVID-19, nâng tổng số bệnh nhân lên 948.442 người.

Nhằm kiểm soát tình hình dịch bệnh, Chính phủ Thái Lan đang nỗ lực đảm bảo có thêm vắc-xin COVID-19 và đẩy mạnh tốc độ tiêm chủng nhằm tạo được miễn dịch cộng đồng. Thái Lan đặt mục tiêu tiêm chủng cho khoảng 70% trong tổng số gần 70 triệu dân của nước này vào cuối năm 2021.

Theo CCSA, tính tới ngày 16/8, Thái Lan đã sử dụng hơn 24 triệu liều vắc-xin COVID-19, với 7,4% trong tổng dân số nước này đã tiêm chủng đầy đủ.

Phan Anh (tổng hợp)

Xem thêm: