Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến hết ngày 16/11, thế giới ghi nhận thêm khoảng 445.000 ca mắc COVID-19 mới và 6.366 trường hợp tử vong chỉ trong vòng 24 giờ, qua đó nâng tổng số người nhiễm bệnh từ đầu dịch lên khoảng 242.174.093 ca, trong đó có khoảng 4.816.572 người thiệt mạng.

COVID-19
(Ảnh minh họa: Par Gil Cohen Magen/Shutterstock)

Trong 24 giờ qua, Mỹ dẫn đầu thế giới về ca nhiễm mới với 61.231 ca; Đức đứng thứ 2 với 39.985 ca; tiếp theo là Anh (37.243 ca). Nước Nga tiếp tục đứng đầu về số ca tử vong mới, với 1.240 người thiệt mạng trong ngày; tiếp theo là Mỹ (867 ca) và Ukraine (838 ca tử vong).

Nước Mỹ vẫn là quốc gia bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất thế giới. Tổng số ca nhiễm tại Mỹ đến nay là 48.134.129 người, trong đó có 785.813 ca tử vong. Ấn Độ đứng thứ 2 thế giới, ghi nhận tổng cộng 34.456.401 ca nhiễm, bao gồm 463.852 ca tử vong. Trong khi đó, Brazil xếp thứ 3 với 21.965.684 ca bệnh và 611.478 ca tử vong.

Châu Âu ráo riết ngăn chặn làn sóng dịch mới, chủ yếu nhắm vào người chưa tiêm chủng

Phong tỏa những người chưa được tiêm phòng ở Áo, đóng cửa các quán bar và nhà hàng và cửa hàng vào buổi tối ở Hà Lan hay thực hiện làm việc làm từ xa ở Đức, Bỉ … Đó là những biện pháp hạn chế phòng dịch mới mà các quốc gia châu Âu đang thực hiện nhằm ngăn chặn sự bùng phát đại dịch COVID-19 lần thứ 4 tại “Lục địa già”. Các biện pháp này chủ yếu nhắm vào những người chưa tiêm chủng.

Hiện nay, tất cả các quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU) đều chứng kiến sự gia tăng các ca mắc COVID-19. Tuần trước, số ca nhiễm mới toàn châu lục đã tăng 14%. Đối mặt với làn sóng mới này, các quốc gia thành viên đang áp dụng các biện pháp hạn chế về y tế.

Theo đánh giá rủi ro mới nhất từ Trung tâm phòng ngừa và liểm soát dịch bệnh châu Âu (ECDC), diễn biến dịch bệnh COVID-19 tại châu Âu được cho là rất đáng lo ngại ở 10 quốc gia thành viên EU (Bỉ, Ba Lan, Hà Lan, Bulgaria, Croatia, Cộng hòa Séc, Estonia, Hy Lạp, Hungary và Slovenia)  và đáng lo ngại ở 10 quốc gia thành viên khác.

Tại Áo, nơi mà tỷ lệ mắc COVID-19 thuộc loại cao nhất châu Âu, chính quyền thực hiện chính sách siết chặt đối với những người chưa tiêm chủng kể từ ngày 15/11. Đây là biện pháp mạnh đầu tiên ở châu Âu, nơi cho đến nay chưa có quốc gia nào hạn chế những người chưa tiêm chủng.

Những người chưa tiêm chủng cũng là đối tượng áp dụng các biện pháp phòng dịch ở Latvia, nơi các đại biểu, quan chức dân cử địa phương… chưa tiêm chủng sẽ không thể tham gia vào các cuộc tranh luận, bỏ phiếu hoặc thậm chí nhận lương. Tờ báo này cho biết mục tiêu của các biện pháp trên là để đảm bảo rằng các quan chức do dân cử phải làm gương khi mà tỷ lệ tiêm chủng ở nước này không đạt 60% và tình trạng nhiễm mới đang gia tăng.

Tại Hà Lan, quốc gia này đã quyết định một lần nữa thực hiện phong tỏa một phần trong vòng 3 tuần. Theo đó, các quán bar, nhà hàng và các cửa hàng không thiết yếu đóng cửa lúc 6 giờ chiều trong khi các cửa hàng thiết yếu như siêu thị phải đóng cửa lúc 8 giờ tối.

Một số quốc gia châu Âu khác chứng kiến số ca mắc COVID-19 tăng nhanh cũng đang lên kế hoạch cho các quy định mới… Đặc biệt là trường hợp của Đức, nước đang phải đối mặt với làn sóng lây nhiễm thứ 4 và chứng kiến số ca lây nhiễm tăng gấp đôi sau mỗi 2 tuần. Để ứng phó với tình hình nghiêm trọng này, Chính phủ Đức đang xây dựng một dự luật để chuẩn bị áp dụng lại hình thức làm việc từ xa.

Ở Pháp, theo báo Le Point, sự bùng phát của dịch tương đối nhẹ hơn, tuy nhiên, tất cả các khoa điều trị tại các bệnh viện của Pháp đều được chuyển sang cấp độ 2 trong quy trình y tế, và nước này quy định bắt buộc phải đeo khẩu trang đối với tất cả học sinh kể từ ngày 15/11.

Nga dỡ bỏ lệnh cấm các chuyến bay từ một số nước

Từ ngày 1/12 tới, Nga chính thức cho phép nhập cảnh các hành khách trên những chuyến bay từ Bangladesh, Brazil, Mông Cổ, Costa Rica và Argentina. Chính phủ Nga đã dừng các chuyến bay thương mại quốc tế khi dịch bệnh bùng phát năm 2020. Lệnh cấm bay đã ảnh hưởng nặng nề đến các hãng hàng không của Nga.

Cùng ngày, Cơ quan Quản lý dược phẩm Nga cho biết đã cấp phép cho hãng dược Pfizer của Mỹ tiến hành thử nghiệm lâm sàng tại nước này thuốc viên kháng virus để điều trị bệnh COVID-19. Thử nghiệm được thực hiện từ ngày 12/11 với 90 người, trong đó một số người có triệu chứng COVID-19, và sẽ tiếp tục cho đến tháng 3/2023.

Ngày 16/11, Nga ghi nhận 36.818 ca mắc mới COVID-19 trong 24 giờ qua, đưa tổng số ca mắc lên  9.145.912. Đây là số ca mắc mới trong ngày thấp nhất kể từ ngày 27/10. Nga cũng ghi nhận thêm 1.240 ca tử vong trong 24 giờ qua, đưa tổng số ca thiệt mạng lên 257.837.

Phan Anh (tổng hợp)

Xem thêm: