Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến hết ngày 4/1/2022, thế giới ghi nhận thêm khoảng 1.929.317 ca mắc COVID-19 mới và 5.666 trường hợp tử vong chỉ trong vòng 24 giờ, qua đó nâng tổng số người nhiễm bệnh từ đầu dịch lên khoảng 272.931.609 ca, trong đó có khoảng 5.110.754 người thiệt mạng.

COVID-19
(Ảnh minh họa: Par StreetVJ/Shutterstock)

Trong 24 giờ qua, Mỹ dẫn đầu thế giới về ca nhiễm mới với 441.739 ca; Pháp đứng thứ 2 với 271.686 ca; tiếp theo là Anh (218.724 ca). Mỹ cũng đứng đầu về số ca tử vong mới, với 1.504 người thiệt mạng trong ngày; tiếp theo là Nga (834 ca) và Ba Lan (433 ca tử vong).

Nước Mỹ vẫn là quốc gia bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất thế giới. Tổng số ca nhiễm tại Mỹ đến nay là 57.839.124 người, trong đó có 850.977 ca tử vong. Ấn Độ đứng thứ 2 thế giới, ghi nhận tổng cộng 35.011.990 ca nhiễm, bao gồm 482.017 ca tử vong. Trong khi đó, Brazil xếp thứ 3 với 22.323.837 ca bệnh và 619.384 trường hợp tử vong.

Mỹ: Kỷ lục hơn 1 triệu ca mắc COVID-19 mới trong 1 ngày

Hãng tin Bloomberg dẫn số liệu cập nhật của Đại học Johns Hopkins cho biết ngày 3/1 Mỹ ghi nhận hơn 1 triệu ca mắc mới COVID-19, trong bối cảnh biến thể Omicron càn quét mọi lĩnh vực trong đời sống hằng ngày ở nước này.

Biến thể Omicron lây lan mạnh khiến số ca mắc mới COVID-19 theo ngày tại Mỹ tăng lên các mức kỷ lục và cao hơn bất kỳ quốc gia và vùng lãnh thổ nào khác trên thế giới. Số ca mắc mới ghi nhận ngày 3/1 cao gần gấp đôi mức kỷ lục 590.000 ca vừa ghi nhận 4 ngày trước đó ở Mỹ – vốn đã cao gấp đôi so với tuần trước đó.

Số ca mắc mới Mỹ ghi nhận ngày 3/1 cũng cao hơn gấp đôi so với số ca mắc mới ghi nhận theo ngày tại bất kỳ quốc gia và vùng lãnh thổ nào khác ở bất kỳ thời điểm nào kể từ khi đại dịch bùng phát cách đây 2 năm. Cho đến nay, số ca mắc mới cao nhất ngoài Mỹ được ghi nhận trong đợt bùng phát làn sóng dịch do virus Delta gây ra tại Ấn Độ, với 414.000 ca ghi nhận hôm 7/5/2021.

Mặc dù số ca mắc mới gia tăng chưa dẫn đến tình trạng số ca bệnh nặng và tử vong tăng mạnh ở Mỹ, nhưng cả nước đã cảm nhận tác động khi có thêm người mắc bệnh phải tự cách ly tại nhà. Hệ lụy là nhiều chuyến bay bị hủy bỏ; các trường học, văn phòng, cơ sở kinh doanh phải đóng cửa; các bệnh viện quá tải và các chuỗi cung ứng tắc nghẽn.

Pháp phát hiện biến thể mới khác xa Omicron

Các nhà khoa học Pháp đã phát hiện biến thể mới của virus corona (gây bệnh COVID-19) chứa 46 đột biến, khiến biến thể này có khả năng né tránh vắc-xin tốt hơn và dễ lây lan hơn chủng gốc. Hiện có 12 ca nhiễm biến thể mới này ở gần thành phố Marseille, trong đó ca đầu tiên là người từng du lịch đến Cameroon.

Biến thể mới được các nhà khoa học tại IHU Mediterranee Infection phát hiện vào ngày 10/12/2021 ở Pháp, chưa được phát hiện ở nước nào khác và chưa được Tổ chức Y tế Thế Giới (WHO) đặt tên. Hiện có ít dấu hiệu cho thấy biến thể mới sẽ vượt Omicron trở thành biến thể chủ đạo trong đại dịch. Omicron đang gây ra hơn 60% số ca nhiễm tại Pháp.

Giáo sư Philippe Colson, người đứng đầu nhóm phát hiện biến thể mới, cho biết nhóm đã tạm gọi đây là “biến thể IHU” và đã thông báo về phát hiện này trên trang y khoa medRxiv. Nhóm đã đệ trình 2 trình tự gen mới. Tên khoa học của biến thể này là B.1.640.2.

Các nhà khoa học cho biết biến thể này có sự khác biệt về gen so với biến thể B.1.640, từng được phát hiện ở CHDC Congo hồi tháng 9/2021. Các xét nghiệm cho thấy biến thể này mang đột biến E484K, giúp chúng né tránh vắc-xin tốt hơn. Ngoài ra, biến thể này có đột biến N501Y, lần đầu tiên phát hiện trong biến thể Alpha, khiến chúng lây lan nhanh hơn.

Ấn Độ ghi nhận số ca mắc COVID-19 mới cao nhất kể từ tháng 9/2021

Trong khi đó, Bộ Y tế Ấn Độ ngày 4/1 thông báo nước này ghi nhận 37.379 ca mắc mới COVID-19 trong 24 giờ qua, nâng tổng số ca mắc trên cả nước lên 34,96 triệu ca. Đây là số ca mắc mới theo ngày cao nhất tại Ấn Độ kể từ đầu tháng 9/2021 khi biến thể Omicron lấn át Delta trở thành biến thể trội tại nhiều địa phương ở quốc gia Nam Á này, trong đó có thủ đô New Delhi. Ấn Độ cũng ghi nhận thêm 124 ca tử vong do COVID-19, nâng tổng số lên 482.017 ca.

Cùng ngày, chính quyền thành phố New Delhi thông báo sẽ áp đặt biện pháp phong tỏa tại khu vực này vào cuối tuần nhằm ngăn chặn dịch bệnh lây lan. Phó Thủ hiến New Delhi Manish Sisodia nói rõ giới chức trách đã chuẩn bị kỹ nhằm đối phó với mọi kịch bản dịch bệnh. Theo biện pháp mới, tất cả người dân New Delhi, trừ những lao động trong lĩnh vực thiết yếu, sẽ không được ra khỏi nhà từ tối thứ sáu đến sáng thứ hai. Tuần trước, New Delhi đã đóng cửa phòng tập và rạp chiếu phim, đồng thời áp đặt lệnh giới nghiêm ban đêm nhằm ngăn chặn đà lây lan của dịch bệnh.

Úc tiếp tục ghi nhận số ca mắc mới tăng mạnh

Ngày 4/1, Úc ghi nhận 47.799 ca mắc mới COVID-19, tăng gần 33% so với mức kỷ lục ghi nhận một ngày trước đó. Mặc dù chỉ ghi nhận thêm 4 ca tử vong vì COVID-19, song số ca nhập viện đang có chiều hướng tăng mạnh và lên tới mức cao chưa từng thấy kể từ khi dịch bùng phát. Trong đó, bang đông dân nhất là New South Wales ghi nhận 1.344 người cần điều trị tại bệnh viện. Tại bang Victoria đông dân thứ hai, 25% số xét nghiệm tại các cơ sở của chính quyền cho kết quả dương tính. Bang này ghi nhận 14.020 ca mắc mới trong cùng ngày, gấp đôi con số ngày 3/1.

Chile tiêm vắc-xin ngừa COVID-19 cho sư tử, hổ, báo và đười ươi ở vườn thú

Nhiều vườn thú tại Mỹ, Bỉ, Croatia, Singapore hay Indonesia… đã phát hiện các trường hợp thú nuôi mắc COVID-19. Do đó, việc tiêm chủng cho thú nuôi đang được nhiều quốc gia triển khai để phòng bệnh cho thú nuôi đồng thời ngăn chặn nguy cơ lây nhiễm cho khách tham quan khi các vườn thú mở cửa trở lại.

Vườn thú Buin ở Chile đã tiến hành tiêm chủng ngừa COVID-19 cho 10 thú nuôi trong chiến dịch tiêm chủng thử nghiệm, đặc biệt trong đó có một con hổ Bengal và một con đười ươi Borneo – hai loài động vật có nguy cơ tuyệt chủng. Đây là vườn thú đầu tiên tại Mỹ Latinh triển khai tiêm chủng ngừa COVID-19 cho thú nuôi. Cùng với hổ Charly 3 tuổi thuộc loài hổ Bengal và đười ươi Sandai 26 tuổi thuộc loài đười ươi Borneo, 3 con sư tử, 2 con hổ khác và 3 con báo đã tiêm vắc-xin ngừa COVID-19 mũi thứ 2 vào ngày 3/1. Trước đó, mũi tiêm đầu tiên đã được thực hiện vào ngày 13/12/2021. Vắc-xin được sử dụng là loại được phát triển riêng cho động vật, nhưng chưa đưa vào thương mại hóa.

Người phụ trách bộ phận thú y tại vườn thú Buin cho biết ý tưởng tiến hành chiến dịch tiêm chủng thử nghiệm này là nhằm bảo vệ những động vật được cho là dễ lây nhiễm virus virus corona nhất, đồng thời kiểm tra xem vắc-xin có tạo ra miễn dịch hay không, và nếu có thì hiệu quả kéo dài bao lâu.

Vườn thú Buin chưa xét nghiệm COVID-19 đối với thú nuôi tại đây vì không có con thú nào có biểu hiện mắc bệnh.

Nhật Bản sẵn sàng ứng phó với làn sóng lây nhiễm mới

Trước tình hình dịch bệnh COVID-19 sau đợt nghỉ dài có chiều hướng gia tăng phức tạp, Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio đã chỉ thị tăng cường các biện pháp sẵn sàng ứng phó với làn sóng lây lan COVID-19 mới.

Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản ngày 4/1 công bố báo cáo cho biết các địa phương trong cả nước đã ghi nhận 1.151 ca mắc COVID-19 mới, lần đầu vượt mốc 1.000 ca/ngày kể từ ngày 6/10/2021. Trong đó, thủ đô Tokyo ghi nhận 151 ca, trong đó có 8 ca được xác nhận đã nhiễm biến thể Omicron mà không rõ nguồn lây. Tính từ ngày 25 đến ngày 30/12/2021, Nhật Bản đã ghi nhận 150 ca mắc biến thể Omicron, trong đó có ca nghi nhiễm tại cộng đồng.

Trước tình hình trên, trong phát biểu mới nhất ngày 4/1, Thủ tướng Kishida Fumio đã chỉ đạo các bộ ngành, địa phương sẵn sàng ứng phó với làn sóng dịch tiếp theo, nhất là biến thể Omicron. Theo đó, các địa phương cần tăng cường hơn nữa các khâu phòng ngừa, xét nghiệm và điều trị sớm, sẵn sàng chuyển trạng thái khi dịch bệnh diễn biến phức tạp hơn.

Phan Anh (tổng hợp)

Xem thêm: