Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến hết ngày 14/12, thế giới ghi nhận thêm khoảng 563.000 ca mắc COVID-19 mới và 6.463 trường hợp tử vong chỉ trong vòng 24 giờ, qua đó nâng tổng số người nhiễm bệnh từ đầu dịch lên khoảng 255.503.047 ca, trong đó có khoảng 4.970.079 người thiệt mạng.

COVID-19
(Ảnh minh họa: Par Lightspring/Shutterstock)

Trong 24 giờ qua, Mỹ dẫn đầu thế giới về ca nhiễm mới với 85.947 ca; Pháp đứng thứ 2 với 63.405 ca; tiếp theo là Anh (59.610 ca). Nước Nga tiếp tục đứng đầu về số ca tử vong mới, với 1.145 người thiệt mạng trong ngày; tiếp theo là Mỹ (1.145 ca) và Đức (575 ca tử vong).

Nước Mỹ vẫn là quốc gia bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất thế giới. Tổng số ca nhiễm tại Mỹ đến nay là 51.112.734 người, trong đó có 820.753 ca tử vong. Ấn Độ đứng thứ 2 thế giới, ghi nhận tổng cộng 34.710.630 ca nhiễm, bao gồm 475.888 ca tử vong. Trong khi đó, Brazil xếp thứ 3 với 22.191.949 ca bệnh và 616.980 ca tử vong.

Anh nới nhập cảnh với 11 nước châu Phi; Ca Omicron tăng gấp đôi mỗi 2 ngày

Ngày 14/12, Bộ trưởng Y tế Anh Sajid Javid cho biết kể từ ngày 15/12, nước này sẽ đưa toàn bộ 11 quốc gia khỏi “danh sách đỏ” có nguy cơ cao về dịch COVID-19. Ông Javid nêu rõ biến thể Omicron đang lây lan mạnh tại quốc gia này và trên toàn thế giới, và danh sách đỏ hiện nay không hiệu quả trong việc ngăn chặn các ca mắc biến thể này từ bên ngoài. Theo ông Javid, Anh sẽ tạm thời duy trì các biện pháp xét nghiệm đối với du khách quốc tế và dự kiến nước này sẽ xóa bỏ tất cả 11 quốc gia châu Phi khỏi danh sách đỏ từ 4h ngày 15/12 (theo giờ địa phương).

Ngoài ra, ông Javid cho biết hiện cứ khoảng 2 ngày thì số ca nhiễm Omicron tại Anh lại tăng gấp đôi. Theo ông, sự gia tăng các trường hợp nhiễm Omicron ở Anh cho thấy tình trạng tương tự diễn ra tại Nam Phi.

Hiện tại, những du khách khi nhập cảnh vào Anh buộc phải có kết quả xét nghiệm PCR âm tính với virus corona hoặc test nhanh âm tính trong vòng tối đa 48 giờ trước khi khởi hành. Bộ trưởng Giao thông Anh Grant Shapps  cho biết các quy định về xét nghiệm này sẽ được đưa  xem xét vào tuần đầu tiên của tháng 1/2022. Tuy nhiên, ông Shapps khẳng định nếu cần thiết, nước này sẽ tái áp đặt các biện pháp hạn chế để đảm bảo an toàn sức khỏe người dân.

Biến thể Omicron chiếm 2,9% số ca mắc tại Mỹ

Ngày 14/12, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Mỹ cho biết, chỉ tính riêng trong thời gian từ 4-11/12 vừa qua, biến thể Omicron hiện chiếm gần 3% các trường hợp mắc COVID-19 trong nước, cho thấy biến thể mới đang bắt đầu gia tăng ở Mỹ.

CDC ước tính biến thể Omicron chiếm 2,9% các trường hợp dương tính với COVID-19 trong tuần kết thúc vào ngày 11/12, tăng từ mức 0,4% một tuần trước đó. Con số này được cho là sẽ nhanh chóng tăng lên khi số ca nhiễm biến thể Omicron tăng đột biến ở các nước khác.

Theo CDC, tại các tiểu bang New York và New Jersey, biến thể Omicron đã chiếm 13% các trường hợp được giải trình tự gien trong khoảng thời gian trên. Giám đốc CDC Rochelle Walensky cho biết, dù biến thể Omicron đang gia tăng nhanh chóng, song chính quyền Mỹ có các công cụ cần thiết để ngăn chặn, đó là việc tăng cường tiêm vắc-xin ngừa COVID-19.

Thuốc viên kháng virus của Pfizer giảm đáng kể nguy cơ tử vong

Ngày 14/12, hãng dược Pfizer (Mỹ) thông báo các cuộc thử nghiệm cuối cùng cho thấy thuốc kháng virus dạng viên uống do hãng này phát triển có khả năng giảm gần 90% nguy cơ nhập viện và tử vong ở những bệnh nhân có nguy cơ cao. Dữ liệu được thu thập trong phòng thí nghiệm gần đây cũng cho thấy loại thuốc này vẫn có hiệu quả trong việc chống lại biến thể Omicron.

Tháng trước, Pfizer cho biết thuốc kháng virus mang tên PF- 07321332 của hãng có thể giảm nguy cơ nhập viện hoặc tử vong đến 89% so với nhóm người dùng giả dược. Kết luận này được đưa ra sau khi phân tích dữ liệu từ khoảng 1.200 bệnh nhân chưa tiêm vắc-xin. Trong khi đó, dữ liệu phân tích mới nhất được tiến hành với thêm khoảng 1.000 bệnh nhân. Kết quả cho thấy không có bệnh nhân nào tử vong khi được điều trị bằng thuốc PF- 07321332 trong khi con số này ở nhóm dùng giả dược là 12 ca. Nếu được cấp phép, loại thuốc này sẽ được bán dưới tên gọi Paxlovid.

Cùng ngày, Pfizer cũng công bố dữ liệu ban đầu từ một thử nghiệm lâm sàng thứ hai cho thấy thuốc PF- 07321332 giúp giảm tỷ lệ nhập viện khoảng 70% ở khoảng 600 người trưởng thành có nguy cơ trung bình.

Giới chuyên gia Canada khuyên rút ngắn thời gian giãn cách 2 liều vắc-xin đối với trẻ em

Trong bối cảnh số ca mắc COVID-19 tăng mạnh tại trường học, nhiều bậc phụ huynh ở Canada băn khoăn: nên tuân thủ hướng dẫn của Ủy ban quốc gia về tư vấn tiêm chủng (NACI) về thời gian giãn cách 8 tuần giữa 2 liều vắc-xin hay rút ngắn tiến độ này.

NACI khuyến nghị 2 mũi tiêm ngừa COVID-19 cho trẻ từ 5-11 tuổi cần cách nhau 8 tuần, dựa trên các bằng chứng cho thấy thời gian giãn cách dài hơn giữa liều đầu tiên và liều thứ 2 sẽ mang lại phản ứng miễn dịch mạnh mẽ và lâu dài hơn, theo đó hiệu quả của vắc-xin sẽ cao hơn.

Tuy nhiên, dược sĩ Sabina Vohra-Miller cho biết, với số ca mắc COVID-19 đang ngày càng gia tăng trong các trường học, việc rút ngắn thời gian giữa hai mũi tiêm đối với trẻ em là cần thiết. Bà cho biết: “Số ca bệnh đang tăng rất nhanh trong các trường học, đặc biệt là ở trẻ em dưới 12 tuổi và phần lớn trong số này chưa được tiêm chủng… Bên cạnh đó là sự xuất hiện của một biến thể mới. Tất cả những yếu tố này cần phải được xem xét”.

Vắc-xin của Pfizer/BioNTech là loại vắc-xin ngừa COVID-19 đầu tiên được Bộ Y tế Canada cấp phép sử dụng cho trẻ em.

Đức cân nhắc nới lỏng với người đã tiêm mũi bổ sung

Hãng tin Reuters dẫn một văn bản dự thảo của Bộ Y tế Đức cho biết tân Bộ trưởng Karl Lauterbach đã đề xuất miễn yêu cầu xét nghiệm trước khi vào các cơ sở giải trí đối với những người đã tiêm mũi bổ sung vắc-xin ngừa COVID-19. Dự kiến Bộ trưởng Lauterbach sẽ thảo luận vấn đề này với bộ trưởng của các bang trong ngày 14/12.

Đề xuất trên nhằm khuyến khích mọi người tiêm mũi vắc-xin bổ sung và giảm tải công tác xét nghiệm. Tuy nhiên, nhà chức trách sẽ vẫn yêu cầu người dân phải có xét nghiệm âm tính mới được vào bệnh viện và các nhà dưỡng lão, nhằm bảo vệ những người dễ bị tổn thương.

Giống như nhiều quốc gia châu Âu khác, Đức đang nỗ lực kiểm soát làn sóng lây nhiễm thứ 4 tại nước này. Ngày 14/12, nước này ghi nhận 30.823 ca nhiễm mới và 473 ca tử vong do COVID-19. Theo thống kê, khoảng 69,9% dân số Đức đã tiêm 2 mũi vắc-xin ngừa COVID-19 và 23,8% đã tiêm mũi bổ sung.

Hà Lan cho học sinh nghỉ lễ Giáng sinh sớm do ca mắc tăng

Trong khi đó, Hà Lan sẽ cho phép học sinh nghỉ lễ Giáng sinh sớm trong năm nay trong bối cảnh số ca mắc mới gia tăng và hệ thống bệnh viện bị quá tải.

Truyền thông địa phương dẫn nguồn chính phủ cho hay các trường học sẽ đóng cửa từ ngày 21/12 nhằm ngăn chặn nguy cơ trẻ em mắc bệnh và lây nhiễm cho người thân trong gia đình. Dự kiến, trong ngày 14/12, Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte sẽ thông báo về việc gia hạn các biện pháp phòng dịch, vốn có hiệu lực từ ngày 28/11, trong đó có việc đóng cửa nhà hàng, quán bar, các cửa hàng không thiết yếu và một số địa điểm khác từ 17h đến 5h sáng hôm sau.

Số ca mắc COVID-19 tại quốc gia gồm 17,5 triệu dân này đã giảm mạnh sau khi chính phủ ban hành lệnh phong tỏa ban đêm. Tuy nhiên, tỷ lệ lây nhiễm vẫn ở mức cao  với 85 ca trên mỗi 100.000 dân. Số ca bệnh phải nhập viện tại Hà Lan vẫn gia tăng khiến hệ thống bệnh viện bị quá tải. Mới đây, giới chức y tế đã yêu cầu các bệnh viện hoãn các cuộc phẫu thuật không khẩn cấp trong nhiều tuần để nhường giường cho bệnh nhân COVID-19 trong các khu điều trị tích cực.

Úc sẽ tiếp tục gỡ bỏ các hạn chế

Ngày 14/12, Thủ tướng Úc Scott Morrison tuyên bố nước này đã quyết định sống chung với COVID-19 và sẽ thực hiện lộ trình nới lỏng các hạn chế phòng chống dịch trước Giáng sinh bất chấp các ca nhiễm tăng đột biến và những ẩn số xung quanh biến thể Omicron.

Thủ tướng Morrison khẳng định chính phủ của ông vẫn đang theo dõi sát nguy cơ các ca nhiễm COVID-19 có thể tăng cao do biến thể Omicron, nhưng sẽ không tái áp đặt các hạn chế nghiêm ngặt.

Ông Morrison cho biết tỷ lệ tiêm chủng đầy đủ phòng COVID-19 ở Úc đã gần chạm ngưỡng 90%, một trong những mức cao nhất trên thế giới, và điều này cho phép Úc bước sang một giai đoạn mới, theo đó, các biện pháp bảo vệ sức khỏe không còn phụ thuộc vào số ca mắc mới.

Singapore chuẩn bị đối phó làn sóng Omicron

Theo tờ Straits Times, Singapore đang lên các kế hoạch tăng cường năng lực của các bệnh viện công, bao gồm các giường chăm sóc đặc biệt nhằm đối phó với một làn sóng tiềm tàng lây nhiễm do biến thể Omicron, được cho là có khả năng lây lan nhanh hơn các biến thể khác.

Giám đốc Cơ quan Y tế Singapore Kenneth Mak cho biết công suất của đơn vị chăm sóc đặc biệt (ICU) có thể cần được tăng lên 500 giường, so với 280 giường hiện tại. Công suất ICU đã được tăng từ 180 giường lên 280 giường vào thời điểm đỉnh điểm của làn sóng lây nhiễm do biến thể Delta ở Singapore vào khoảng cuối tháng 10.

Giải thích về việc phải tăng cường ICU, Phó giáo sư Mak cho biết độc lực của biến thể Omicron gia tăng có thể đồng nghĩa với việc tỷ lệ người nhiễm bệnh nặng cao hơn.

Để giúp giảm áp lực cho các bệnh viện công, Bộ Y tế Singapore cho biết đã chuẩn bị để nâng cao năng lực của các cơ sở điều trị cộng đồng. Điều này nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc nhập viện trực tiếp hoặc chuyển bệnh nhân COVID-19 đã ổn định từ các bệnh viện công đến các cơ sở điều trị cộng đồng, dành nguồn lực cho bệnh nhân nặng.

Tổng cộng 16 trường hợp nhiễm Omicron đã được phát hiện ở Singapore cho đến nay, trong đó 14 ca là người nhập cảnh. Ngoài các biện pháp thắt chặt cơ chế xét nghiệm với người nhập cảnh đã và đang thực hiện, giới chức Singapore xác định sẽ đẩy nhanh chương trình tiêm chủng mũi bổ sung để gia tăng sức đề kháng cho người dân.

Đồng thời, Singapore sẽ đẩy mạnh triển khai xét nghiệm thường xuyên bắt buộc tại các công sở và các cơ sở cộng đồng để sớm phát hiện, truy dấu và khoanh vùng lây nhiễm biến thể Omicron; thiết lập thêm các trung tâm xét nghiệm nhanh COVID-19.

Campuchia phát hiện ca đầu tiên nhiễm biến thể Omicron

Đêm 14/12, Bộ Y tế Campuchia ra thông báo phát hiện ca đầu tiên nhiễm biến thể Omicron tại nước này. Kết quả phân tích, xét nghiệm được viện Pasteur Campuchia công bố cùng ngày.

Theo thông tin của Bộ Y tế Campuchia, trường hợp nhiễm biến thể Omicron nêu trên là một công dân Campuchia đang mang thai tuần thứ 15 từ Ghana quá cảnh Dubai, Thái Lan trở về Campuchia hôm 12/12. Ngay khi bệnh nhân này nhập cảnh cửa khẩu Sân bay quốc tế Phnom Penh, cơ quan y tế Campuchia thực hiện test nhanh phát hiện bệnh nhân dương tính với virus corona và thực hiện các biện pháp y tế theo quy định.

Phan Anh (tổng hợp)

Xem thêm: