Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến hết ngày 17/12, thế giới ghi nhận thêm khoảng 592.894 ca mắc COVID-19 mới và 5.717 trường hợp tử vong chỉ trong vòng 24 giờ, qua đó nâng tổng số người nhiễm bệnh từ đầu dịch lên khoảng 257.411.104 ca, trong đó có khoảng 4.988.906 người thiệt mạng.

COVID-19
(Ảnh minh họa: Marco Lazzarini/Shutterstock)

Nhiều nước chứng kiến sự bùng phát của biến chủng mới, như Mỹ, Đức Anh, Nga và Thổ Nhĩ Kỳ và số ca mắc mới vẫn cao. Trong 1 ngày qua, Anh là nước có số ca mắc mới cao nhất (trên 93.000 ca), trong khi Nga có có số ca tử vong mới cao nhất thế giới với trên 1.000 ca.

Đại dịch sau 2 năm đến nay xuất hiện và lây lan ở 221 quốc gia và vùng lãnh thổ. Ngày 17/12, thế giới có 121 quốc gia và vùng lãnh thổ ghi nhận ca COVID-19 mới; 101 quốc gia/vùng lãnh thổ có các ca tử vong vì dịch bệnh.

Mỹ: Chuyên gia cảnh báo “tháng 1 khốc liệt” do Omicron

Tại Mỹ, nước có số ca nhiễm virus corona và số ca tử vong do COVID-19 cao nhất thế giới, số ca nhập viện do mắc COVID-19 đang gia tăng. Trước thực tế này, giới chuyên gia kêu gọi người dân thực hiện đầy đủ mọi biện pháp phòng ngừa.

Ông Michael Osterholm, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và chính sách về bệnh truyền nhiễm thuộc trường Đại học Minnesota, cho biết tuy Delta vẫn đang là biến thể đáng lo ngại tại Mỹ, nhưng trong vòng vài tuần tới, rất có thể sẽ có thêm hàng triệu người Mỹ bị mắc COVID-19 do nhiễm biến thể Omicron.

Trong khi đó, ông Andy Slavitt, cựu cố vấn cấp cao về đại dịch COVID-19 của Tổng thống Mỹ Joe Biden, cho rằng ngay cả khi các công cụ phòng dịch như vắc-xin hiện đã sẵn có thay vì phải chờ đợi trong đợt bùng phát dịch bệnh mùa đông, Mỹ vẫn có nguy cơ đối mặt với một “tháng 1 khốc liệt” do sự thống trị của Omicron.

Không chỉ riêng với ngành y tế, nhiều lĩnh vực khác trong đời sống của người Mỹ cũng đã có dấu hiệu căng thẳng do dịch bệnh. Một số trường cao đẳng và đại học đã quay trở lại với việc học trực tuyến. Các liên đoàn thể thao buộc phải hoãn các trận đấu do vận động viên mắc COVID-19, trong khi các show diễn theo hình thức trực tiếp một lần nữa phải thông báo hủy bỏ.

Tại các ga tàu điện ngầm ở New York, Boston và Miami, người dân xếp hàng dài để chờ xét nghiệm COVID-19. Trong bối cảnh lễ Giáng sinh và đêm giao thừa đang đến gần, mong muốn đến thăm bạn bè và những người thân trong gia đình trở nên khắc khoải hơn bao giờ hết.

Theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) của Mỹ, tỷ lệ tiêm chủng hàng ngày tại nước này hiện đã tăng khoảng 22% so với 1 tháng trước, trong đó hơn 50% số trường hợp tiêm phòng là tiêm mũi bổ sung.

WHO khuyến nghị tiêm kết hợp các loại vắc-xin COVID-19 khác nhau

Trước những nghi ngại về Omicron và tình trạng lây lan của biến thể này tại nước trên thế giới hiện nay, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã đưa ra khuyến nghị tạm thời về việc kết hợp các loại vắc-xin ngừa COVID-19 của các hãng dược phẩm khác nhau để tiêm liều thứ 2 và thứ 3.

Theo WHO, tùy thuộc vào số vắc-xin sẵn có, các loại vắc-xin được sản xuất theo công nghệ mRNA như vắc-xin của Pfizer/BioNTech và Moderna có thể được sử dụng để tiêm liều thứ 2 sau khi tiêm mũi 1 là vắc-xin theo công nghệ vector của hãng AstraZeneca và ngược lại. WHO cho biết vắc-xin của hãng AstraZeneca và bất kỳ loại vắc-xin nào được sản xuất theo công nghệ mRNA cũng có thể dùng để tiêm liều thứ 2 sau khi đã tiêm mũi đầu tiên là vắc-xin bất hoạt của hãng Sinopharm.

WHO đưa ra hướng dẫn trên dựa trên khuyến nghị của Nhóm Chuyên gia cố vấn chiến lược về vắc-xin của tổ chức này và một nghiên cứu lớn công bố tuần trước cho thấy việc tiêm liều thứ nhất là vắc-xin của hãng AstraZeneca hoặc Pfizer/BioNTech và sau đó 9 tuần tiêm liều thứ 2 là vắc-xin của hãng Moderna đã cho thấy phản ứng miễn dịch tốt hơn. Tuy nhiên, WHO cho rằng việc tiêm kết hợp các loại vắc-xin như vậy cần tính đến nguồn cung vắc-xin, khả năng tiếp cận cũng như lợi ích và rủi ro của các loại vắc-xin được sử dụng.

WHO cho biết khuyến nghị trên sẽ được xem xét lại nếu có thêm các dữ liệu. Trước khi WHO đưa ra khuyến nghị trên, nhiều quốc gia đã tiến hành tiêm kết hợp các loại vắc-xin khi phải đối mặt với số ca nhiễm mới tăng vọt trong khi nguồn cung thấp.

Châu Âu: Nhiều quốc gia tăng cường các biện pháp phòng dịch

Châu Âu đang là điểm nóng của dịch COVID-19 với gần 60% số ca mắc mới COVID-19 hàng ngày trên toàn cầu tập trung tại châu lục này. Trong khi đó, sự lây lan của biến thể Omicron đang đặt ra những thách thức lớn cho khu vực này.

Trong bối cảnh đó, một loạt nước châu Âu đã quyết định tăng cường biện pháp phòng dịch, kêu gọi người dân hạn chế tiếp xúc để phòng tránh lây nhiễm COVID-19, nhất là tại thời điểm Giáng sinh và năm mới đang đến gần.

Nhà chức trách Phần Lan đã yêu cầu tiến hành xét nghiệm PCR bắt buộc đối với những người đến từ các khu vực có nguy cơ cao để hạn chế sự lây lan của biến thể Omicron. Theo đó, từ ngày 21/12, những người đến từ các nước ngoài Liên minh Châu Âu (EU) hoặc khu vực tự do đi lại Schengen phải xuất trình cả giấy chứng nhận xét nghiệm âm tính được thực hiện trong vòng 48 giờ trước khi đến và chứng nhận tiêm chủng đầy đủ. Tuy nhiên, quy định trên không áp dụng đối với công dân Phần Lan, người nước ngoài cư trú tại Phần Lan, hoặc hành khách quá cảnh Phần Lan nhưng không rời khỏi khu vực sân bay.

Hy Lạp đã điều chỉnh quy định phòng dịch đối với hành khách nước ngoài nhập cảnh nước này, theo đó họ có thể lựa chọn xuất trình chứng nhận xét nghiệm kháng nguyên nhanh hoặc PCR khi đến Hy Lạp.

Tại Ý, cơ quan y tế nước này đã bắt đầu triển khai chiến dịch tiêm đại trà vắc-xin ngừa COVID-19 cho trẻ em từ 5-11 tuổi. Ý sử dụng vắc-xin của hãng Pfizer/BioNTech để tiêm cho trẻ em từ 5-11 tuổi, với liều dùng bằng 1/3 liều của người lớn. Khoảng cách giữa 2 mũi tiêm là 3 tuần. Tính đến ngày 16/12, hơn 46 triệu người trên 12 tuổi tại Ý đã tiêm đủ liều vắc-xin phòng COVID-19.

Nhằm giảm tốc độ lây lan của biến thể Omicron, Giám đốc Viện Robert Koch (RKI), cơ quan phòng ngừa và kiểm soát dịch bệnh quốc gia của Đức, ông Lothar Wieler đã kêu gọi người dân giảm tối đa việc tiếp xúc xã hội trong dịp đón Giáng sinh sắp tới. Ông gợi ý nên tổ chức đón năm mới theo từng nhóm nhỏ trong gia đình và bạn bè thân. Chuyên gia này cũng khuyến cáo mọi người nên làm xét nghiệm COVID-19 ngay cả khi đã tiêm chủng đầy đủ nếu tiếp xúc với những người thuộc các nhóm có nguy cơ cao.

Trong khi đó, Bộ trưởng Bộ Y tế Đức Karl Lauterbach đã đưa ra cảnh báo biến thể Omicron sẽ gây ra đợt dịch thứ 5 tại nước này, do đó, Đức phải chuẩn bị nền tảng y tế tốt để đối phó với thách thức có thể chưa từng xảy ra trước đây.

Phan Anh (tổng hợp)

Xem thêm: