Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến hết ngày 20/12, thế giới ghi nhận thêm khoảng 501.372 ca mắc COVID-19 mới và 3.722 trường hợp tử vong chỉ trong vòng 24 giờ, qua đó nâng tổng số người nhiễm bệnh từ đầu dịch lên khoảng 258.845.476 ca, trong đó có khoảng 5.000.894 người thiệt mạng.

COVID-19
(Ảnh minh họa: Par Imilian/Shutterstock)

Nhiều nước chứng kiến sự bùng phát của biến thể mới Omicron, như Mỹ, Đức Anh, Nga và Thổ Nhĩ Kỳ và số ca mắc mới vẫn cao. Trong 1 ngày qua, Anh là nước có số ca mắc mới cao nhất (trên 91.000 ca), trong khi Nga có có số ca tử vong mới cao nhất thế giới với trên 1.000 ca.

Đại dịch sau 2 năm đến nay xuất hiện và lây lan ở 221 quốc gia và vùng lãnh thổ. Ngày 20/12, thế giới có 118 quốc gia và vùng lãnh thổ ghi nhận ca COVID-19 mới; 92 quốc gia/vùng lãnh thổ có các ca tử vong vì dịch bệnh.

WHO: Omicron lây nhanh hơn Delta, gây bệnh cho những người đã tiêm hoặc đã phục hồi sau mắc COVID-19

Ngày 20/12, Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus tuyên bố biến thể Omicron lây lan nhanh hơn biến thể Delta và đang gây bệnh cho những người đã tiêm vắc-xin hoặc đã hồi phục sau khi mắc COVID-19.

Phát biểu họp báo với phóng viên tại trụ sở WHO ở Geneva, Tổng Giám đốc Tedros Adhanom Ghebreyesus nêu rõ: “Có bằng chứng nhất quán cho thấy biến thể Omicron lây nhanh hơn đáng kể so với biến thể Delta. Những người đã tiêm vắc-xin hoặc hồi phục sau khi mắc COVID-19 nhiều khả năng nhiễm hoặc tái nhiễm”. Ngoài ra, người đứng đầu WHO cũng khẳng định năm 2022 phải là năm “chúng ta kết thúc đại dịch”.

Mỹ: Omicron chiếm 73% số ca nhiễm

Giới chức y tế Mỹ này hối thúc người dân tiêm vắc-xin mũi bổ sung phòng ngừa dịch bệnh COVID-19, đồng thời đeo khẩu trang và thận trọng nếu đi nghỉ trong mùa đông.

Giám đốc Viện Y tế quốc gia Mỹ, ông Francis Collin, cảnh báo số ca nhiễm biến thể Omicron sẽ tăng mạnh tại Mỹ trong 2 tuần tới. Ông Collin cũng kêu gọi những người nằm trong số 60% đủ điều kiện tiêm mũi bổ sung tại Mỹ cần đi tiêm ngay trong tuần này.

Cùng ngày, Tiến sĩ Anthony Fauci, cố vấn y tế của Nhà Trắng và là chuyên gia dịch tễ hàng đầu của Mỹ cảnh báo mùa đông ảm đạm trong bối cảnh biến thể Omicron tạo ra làn sóng lây nhiễm mới trên toàn cầu, kéo theo các biện pháp hạn chế tại nhiều nước.

Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Mỹ cho biết hôm 20/12 vừa qua rằng biến thể Omicron chiếm 73% các trường hợp nhiễm COVID-19 ở Hoa Kỳ dựa trên dữ liệu giải trình tự cho tuần kết thúc vào ngày 18/12.

Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, nhiều công ty lớn ở nước này đang phải đánh giá lại các kế hoạch đưa nhân viên trở lại văn phòng làm việc, đồng thời đưa ra những yêu cầu nghiêm ngặt liên quan đến tiêm phòng hoặc đeo khẩu trang, trong bối cảnh biến thể Omicron đang làm gia tăng văn hóa làm việc từ xa do đại dịch COVID-19.

Châu Âu: Nhiều nước siết chặt biện pháp phòng dịch trước kỳ nghỉ Giáng sinh

Châu Âu đang là điểm nóng của dịch COVID-19 với hơn 60% số ca mắc mới COVID-19 hằng ngày trên toàn cầu tập trung tại châu lục này. Trong khi đó, sự lây lan nhanh chóng của biến thể Omicron trên khắp châu Âu và Mỹ, đang đặt ra những thách thức lớn, đe dọa ảnh hưởng đến khả năng phục hồi của kinh tế thế giới.

Tại Đức, nhằm giảm tốc độ lây nhiễm chóng mặt của biến thể Omicron, vốn đang chiếm phần lớn số ca mắc mới COVID-19 hiện nay, Đức thông báo có thể sẽ đưa ra các biện pháp hạn chế mới sau kỳ nghỉ Giáng sinh.

Trong cuộc họp ngày 20/12, Thủ tướng Đức Olaf Scholz và lãnh đạo các bang đã thống nhất với dự thảo thỏa thuận, theo đó dự kiến áp đặt các biện pháp hạn chế mới từ ngày 28/12. Với quy định mới, các cuộc tụ tập ở nơi công cộng, kể cả bên ngoài và không gian trong nhà, đồng thời áp dụng với cả những người đã tiêm vắc-xin phòng COVID-19, mức tối đa chỉ được 10 người. Trẻ em từ 14 tuổi trở xuống được miễn quy định. Nếu một người chưa tiêm chủng tham gia cuộc gặp đông người, thì quy định sẽ nghiêm ngặt hơn, theo đó những người từ một hộ gia đình chỉ được gặp với tối đa 2 người từ một gia đình khác.

Ngoài những quy định trên, chính quyền liên bang và các bang cũng dự kiến sẽ đóng cửa các câu lạc bộ và vũ trường. Các sự kiện văn hóa thể thao trong nhà và ngoài trời cũng sẽ bị giới hạn, với số lượng người được phép tham chỉ từ 30% đến 50% sức chứa. Các bang có tỷ lệ lây nhiễm cao phải hủy bỏ các sự kiện lớn hoặc tổ chức mà không có khán giả. Các quy định 2G, tức là đã tiêm vắc-xin hoặc đã phục hồi sau khi mắc COVID-19 vẫn có hiệu lực đối với việc ra vào các địa điểm công cộng như nhà hàng, cửa hiệu không thiết yếu.

Theo số liệu thống kê mới nhất của Viện Robert Koch (IRK), Đức đã ghi nhận 16.086 ca mắc mới và 119 ca tử vong do COVID-19 trong 24 giờ qua. Tính tổng số ca mắc từ đầu dịch, Đức đã ghi nhận 6.809.622 ca nhiễm virus virus corona và 108.352 ca tử vong.

Tại Ireland, Bộ Y tế thông báo đã ghi nhận 5.124 ca mắc mới, hơn 50% trong số này là ca nhiễm biến thể Omicron. Ông Tony Holohan, một quan chức y tế, nhận định việc Omicron chỉ mất chưa đầy 2 tuần để trở thành biến thể chủ đạo tại Ireland đã cho thấy tốc độ lây nhiễm của biến thể này. Ông Holohan cũng kêu gọi người dân đủ điều kiện đi tiêm mũi bổ sung sớm nhất có thể, đồng thời nhấn mạnh mọi biện pháp hiện nay là rất quan trọng trong việc ngăn chặn làn sóng dịch để có thể giảm số ca tử vong và nguy cơ đối với những đối tượng dễ bị tổn thương.

Tại Anh, Cơ quan An ninh y tế (UKHSA) thông báo đã ghi nhận 82.886 ca mắc mới COVID-19 trong vòng 24 giờ qua, thấp hơn so với mức 90.418 ca của ngày trước đó, nâng tổng số ca mắc tại nước này lên 11.361.387 ca. Trong đó, Anh ghi nhận 12.133 ca nhiễm biến thể Omicron, mức cao nhất theo ngày kể từ khi biến thể này xuất hiện tại đây. Tổng số ca nhiễm biến thể Omicron tại Anh hiện là 37.101 ca. Anh đến nay có 12 ca tử vong và 104 ca đang phải điều trị trong các bệnh viện vì nhiễm biến thể Omicron.

Trước đó, Bộ trưởng Y tế Anh Sajid Javid cảnh báo biến thể Omicron đang lây lan với tốc độ rất nhanh, thậm chí số ca mắc trên thực tế có thể cao hơn bởi nhiều người không làm xét nghiệm biến thể này.

Phó Thủ tướng Anh Dominic Raab ngày 20/12 cho biết ông không thể đưa ra bất cứ bảo đảm nào về việc chính phủ có siết chặt các biện pháp hạn chế để phòng dịch COVID-19 trong dịp lễ Giáng sinh hay không.

Pháp cấp phép sử dụng vắc-xin COVID-19 của Pfizer cho trẻ 5-11 tuổi

Tổ chức giám định y tế hàng đầu thế giới của Pháp, Haute Autorite de la Sante (HAS) ngày 20/12 đã cấp phép sử dụng vắc-xin ngừa COVID-19 của  Pfizer/BioNTech cho trẻ em từ 5 đến 11 tuổi.

Bà Lise Alter, một trong những bác sĩ phụ trách đánh giá nguy cơ của vắc-xin này dành cho trẻ em, khẳng định vắc-xin của  Pfizer/BioNTech đã cho thấy hiệu quả phòng bệnh cao ở nhóm trẻ em trong độ tuổi này. HAS khuyến nghị tất cả các bậc phụ huynh đưa con em đi tiêm chủng nếu có nguyện vọng. Tại Pháp, thời gian đầu, việc tiêm chủng cho trẻ từ 5 – 11 tuổi sẽ được thực hiện tại viện nhi, trước khi được triển khai tiêm chủng đại trà tại các cơ sở y tế khác.

Tuần trước, Pháp đã bắt đầu tiêm vắc-xin ngừa COVID-19 cho trẻ từ 5 – 11 tuổi có bệnh lý nền. Trước Pháp, nhiều nước châu Âu như Đức, Hy Lạp, Ý, Tây Ban Nha,… cũng đã tiêm chủng vắc-xin của Pfizer/BioNTech cho trẻ từ 5 – 11 tuổi sau khi Cơ quan Quản lý Dược phẩm Châu Âu (EMA) vào tháng trước đã cấp phép sử dụng vắc-xin này tiêm chủng cho nhóm trẻ trong độ tuổi trên.

Phan Anh (tổng hợp)

Xem thêm: