Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến hết ngày 19/12, thế giới ghi nhận thêm khoảng 430.000 ca mắc COVID-19 mới và 3.466 trường hợp tử vong chỉ trong vòng 24 giờ, qua đó nâng tổng số người nhiễm bệnh từ đầu dịch lên khoảng 258.344.104 ca, trong đó có khoảng 4.997.172 người thiệt mạng.

COVID-19
(Ảnh minh họa: eamesBot/Shutterstock)

Trong 24 giờ qua, Anh dẫn đầu thế giới về ca nhiễm mới với 82.886 ca; Pháp đứng thứ 2 với 48.473 ca; tiếp theo là Mỹ (41.675 ca). Nước Nga tiếp tục đứng đầu về số ca tử vong mới, với 1.023 người thiệt mạng trong ngày; tiếp theo là Mexico (268 ca) và Việt Nam (215 ca tử vong).

Nước Mỹ vẫn là quốc gia bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất thế giới. Tổng số ca nhiễm tại Mỹ đến nay là 51.737.880 người, trong đó có 827.295 ca tử vong. Ấn Độ đứng thứ 2 thế giới, ghi nhận tổng cộng 34.742.636 ca nhiễm, bao gồm 477.422 ca tử vong. Trong khi đó, Brazil xếp thứ 3 với 22.213.762 ca bệnh và 617.803 ca tử vong.

Chuyên gia hàng đầu Mỹ cảnh báo Omicron “hoành hành khắp thế giới”, thế chỗ Delta

Tiến sĩ Anthony Fauci, chuyên gia hàng đầu về các bệnh truyền nhiễm của Mỹ, ngày 19/12 cảnh báo biến thể Omicron đang “hoành hành khắp thế giới” và có thể thay thế biến thể Delta trở thành chủng vượt trội.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), biến thể này đã được phát hiện ở 89 quốc gia và các trường hợp nhiễm Omicron đang tăng gấp đôi cứ sau 1,5 – 3 ngày ở những nơi có sự lây truyền trong cộng đồng.

“Một điều rất rõ ràng – và không có nghi ngờ gì về điều này – đó là khả năng lan truyền phi thường của nó”, ông Fauci nói. “Nó đang hoành hành khắp thế giới”.

Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Mỹ, biến thể Delta chiếm hơn 96% các trường hợp COVID-19, nhưng Omicron đang nhanh chóng tấn công, chiếm gần 3% tổng số ca bệnh ở Mỹ. Tại một số vùng nhất định của đất nước, Omicron được tìm thấy trong khoảng 50% các trường hợp giải trình tự gen.

Ông Fauci nói: “Khi nhân đôi trong khoảng thời gian ngắn như vậy, chẳng bao lâu nữa, Omicron sẽ thống trị. Tôi sẽ không ngạc nhiên nếu Omicron đánh bại Delta”.

Nga thử nghiệm lâm sàng thuốc điều trị COVID-19

Nga dự kiến sẽ tiến hành thử nghiệm lâm sàng loại thuốc có thể kiểm soát khả năng nhân lên của virus corona (gây bệnh COVID-19) vào nửa cuối năm 2022. Ông Alexander Gintsburg, người đứng đầu trung tâm nghiên cứu thuộc Viện Nghiên cứu Quốc gia về dịch tễ học và vi sinh vật Gamaleya cho biết như trên ngày 19/12.

Phát biểu với kênh truyền hình Rossiya 1 của Nga, ông Gintsburf cho biết: “Tôi nghĩ việc thử nghiệm lâm sàng sẽ bắt đầu vào nửa cuối năm 2022. Đây là hợp chất phân tử có đặc tính ức chế khả năng nhân lên của virus trong cơ thể người bệnh, kể cả những người đang trong giai đoạn bệnh nặng. Đây rõ ràng là loại thuốc cần thiết, đặc biệt đối với những bệnh nhân chưa tiêm vắc-xin”.

Chuyên gia y tế này cũng cho biết loại thuốc chữa COVID-19 thứ 3 của Nga có tên gọi Ftortiazinon có khả năng ngăn ngừa biến chứng nhiễm khuẩn ở bệnh nhân COVID-19. Hiện loại thuốc này đang được thử nghiệm giai đoạn hai.

Liên quan đến vắc-xin Sputnik V ngừa COVID-19, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov ngày 19/12 bày tỏ tin tưởng rằng WHO sẽ sớm cấp phép cho loại vắc-xin này trong vài tháng tới, và Nga sẽ cố thúc đẩy châu Âu thông qua loại vắc-xin này. Ông Peskov nhấn mạnh, việc Sputnik V chưa được cấp phép là do những khác biệt về yêu cầu thủ tục giấy tờ, dẫn đến khó khăn trong việc nộp các số liệu cần thiết cho việc cấp phép. Ông khẳng định sẽ phải mất một thời gian để các bên dung hòa các yêu cầu này.

Anh có thể áp hạn chế phòng dịch mới trước Giáng sinh

Bộ trưởng Y tế Anh Sajid Javid ngày 19/12 cho biết nước này không loại trừ khả năng áp đặt thêm các hạn chế phòng dịch COVID-19 trước lễ Giáng sinh, trong bối cảnh biến thể Omicron đang lây lan rất nhanh. Anh đã chứng kiến số ca nhiễm biến thể Omicron tăng mạnh trong ngày 18/12, và giới chức cho rằng đó mới chỉ là “bề nổi của tảng băng chìm”.

Phát biểu trên kênh truyền hình BBC, Bộ trưởng Javid cho hay rằng chính phủ Anh đang nghiêm túc tiếp thu các ý kiến chuyên gia, theo dõi số liệu gần như hàng giờ và sẽ cân đối giữa lợi ích phòng dịch với tác động đến xã hội, kinh doanh và giáo dục của việc áp đặt hạn chế.

Ông nhấn mạnh hiện thế giới mới biết rất ít về biến thể Omicron, nhưng nếu đợi đến khi các số liệu trở nên rõ ràng hơn rồi mới hành động thì có lẽ là quá muộn. Ông khẳng định: “Nếu chính phủ thấy cần phải có hành động, chúng tôi sẽ trình ngay lên Quốc hội để họ ra quyết định”.

Số ca nhiễm Omicron tại Anh là gần 25.000 ca, tăng hơn 10.000 ca so với 1 ngày trước đó. Theo Bộ trưởng Javid, chính phủ Anh cho rằng 60% các ca nhiễm mới tại Anh hiện nay là nhiễm biến thể Omicron.

Thủ tướng Israel kêu gọi người dân tiêm mũi vắc-xin bổ sung

Phát biểu tại cuộc họp nội các ngày 19/12, Thủ tướng Israel Naftali Bennett kêu gọi người dân nước này tiếp tục tiêm mũi vắc-xin phòng COVID-19 bổ sung, đồng thời đưa con cái đi tiêm.

Theo số liệu của Bộ Y tế Israel, ngày 18/12, nước này có thêm 372 ca nhiễm mới COVID-19. Về tiêm vắc-xin bổ sung, đã có 4,15 triệu người dân tiêm mũi thứ 3.

Cũng trong ngày 19/12, Bộ Y tế Israel đã kiến nghị chính phủ đưa thêm một số quốc gia vào diện “cảnh báo Đỏ”, bao gồm Ý, Mỹ, Bỉ, Đức, Hungary, Maroc, Bồ Đào Nha, Canada, Thụy Sỹ và Thổ Nhĩ Kỳ. Nếu kiến nghị của Bộ Y tế được chính phủ và Quốc hội thông qua, từ ngày 22/12 người từ các nước nói trên sẽ bị cấm nhập cảnh Israel, trừ trường hợp đặc biệt.

Phan Anh (tổng hợp)

Xem thêm: