Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến hết ngày 31/1, thế giới ghi nhận thêm khoảng 2.024.169 ca mắc COVID-19 mới và 4.827 trường hợp tử vong chỉ trong vòng 24 giờ, qua đó nâng tổng số người nhiễm bệnh từ đầu dịch lên khoảng 338.042.582 ca, trong đó có khoảng 5.279.060 người thiệt mạng.

COVID-19
(Ảnh minh họa: Par StreetVJ/Shutterstock)

Nhiều nước chứng kiến sự bùng phát của biến chủng mới Omicron, như Mỹ, Đức Anh, Ấn Độ, Nga và Brazil và số ca mắc mới vẫn cao. Trong 1 ngày qua, Nga là nước có số ca mắc mới cao nhất (trên 120.000 ca), trong khi Nga cũng là quốc gia có số ca tử vong mới cao nhất thế giới với trên 600 ca.

Đại dịch sau 2 năm đến nay xuất hiện và đã lây lan ở 221 quốc gia và vùng lãnh thổ. Ngày 31/1, thế giới có 91 quốc gia và vùng lãnh thổ ghi nhận ca COVID-19 mới; 65 quốc gia/vùng lãnh thổ có các ca tử vong vì dịch bệnh.

Tình hình dịch COVID-19 đang cho thấy tín hiệu tích cực. Trong 7 ngày qua, thế giới ghi nhận 21.738.71 ca mắc mới, giảm 6% so tuần trước đó, trong khi số ca tử vong vì đại dịch trong tuần qua là 63.290 trường hợp, tăng tăng 13% so với một tuần trước đó.

Mỹ ghi nhận số ca nhiễm giảm, trong khi gia tăng số trường hợp tử vong do COVID-19

Cụ thể, với 696.130 ca nhiễm mới ghi nhận ngày 31/1, Mỹ đã ghi nhận mức giảm mạnh 38% số ca nhiễm mới trong tuần qua, với trên 2,95 triệu ca mới, so 4,75 triệu ca của tuần trước nữa. Số ca tử vong tại Mỹ vẫn dẫn đầu thế giới, với 15.221 ca, tăng 5%.

Châu Âu chứng kiến tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp

Cụ thể, Pháp nhiều ngày qua liên tục chứng kiến số ca mắc mới dẫn đầu châu Âu, khiến nước này có thêm tới trên 2,36 triệu ca bệnh trong tuần, dù đã giảm 6% so 7 ngày trước. Đức cũng ghi nhận số ca mắc mới thêm 1,05 triệu, tăng 46%. Tiếp theo là Ý thêm 977.459 ca mới, Nga 628.816 ca, Anh 603.710 ca và Tây Ban Nha 600.050 ca. Đáng chú ý, số ca mắc mới tại Nga trong tuần đã tăng tới 106% khi nước này lần đầu tiên vượt mốc 100.000 ca bệnh trong 1 ngày.

Nhật Bản cân nhắc ban bố tình trạng khẩn cấp lần thứ 5 do COVID-19

Số ca mắc mới tại Nhật Bản vẫn đang tăng mạnh, với 85.042 ca trong 24 giờ qua. Chính phủ Nhật Bản đang cân nhắc ban bố tình trạng khẩn cấp lần thứ năm vì dịch COVID-19, khi số ca nhiễm mới vẫn ở trên ngưỡng 80 nghìn ca/ngày.

Trong tuần qua, số ca mắc mới tại nước này tăng 73%, với thêm 463.354 ca. Trong số 47 tỉnh, thành phố ở Nhật Bản, có tới 16 địa phương ghi nhận số ca nhiễm mới cao kỷ lục, trong đó thủ đô Tokyo vẫn là địa phương có số ca nhiễm mới cao nhất, với 17.433 ca, tăng 6.206 ca so với 1 tuần trước đó.

Xuất hiện các biến thể phụ của chủng Omicron tại nhiều quốc gia

Theo hãng tin Reuters ngày 31/1, biến thể của Omicron có khả năng lây nhiễm cao, dạng phổ biến nhất được gọi là BA.1, đang chiếm gần như tất cả các trường hợp nhiễm COVID-19 trên toàn cầu với số ca nhiễm đã tăng đột biến ở một vài quốc gia.

Các nhà khoa học đang theo dõi sự gia tăng các trường hợp nhiễm biến thể phụ của BA.1, được gọi là BA.2, ở các khu vực châu Âu và châu Á. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), một số quốc gia đang báo cáo sự gia tăng gần đây của biến thể BA.2. Ngoài BA.1 và BA.2, WHO liệt kê 2 biến phụ khác của Omicron gồm BA.1.1.529 và BA.3. Tất cả đều có liên quan chặt chẽ về mặt di truyền, nhưng mỗi loại đều có các đột biến có thể thay đổi cách chúng hoạt động.

Nhà virus học Trevor Bedford tại Trung tâm Ung thư Fred Hutchinson, người đã theo dõi sự phát triển của virus corona cho biết, BA.2 chiếm khoảng 82% các trường hợp nhiễm ở Đan Mạch, 9% ở Anh và 8% tại Mỹ. Cũng giống như các biến thể khác, ca lây nhiễm bởi BA.2 có thể được phát hiện bằng bộ xét nghiệm COVID-19 tại nhà, mặc dù chúng không thể chỉ ra tình trạng mắc bệnh là do biến thể nào, các chuyên gia cho biết.

Một số báo cáo ban đầu chỉ ra rằng, BA.2 có thể gây lây nhiễm cao hơn BA.1 vốn đã cực kỳ dễ lây lan. Tuy nhiên, cho đến nay, vẫn chưa có bằng chứng nào cho thấy, nó có nhiều khả năng tránh được sự bảo vệ từ vắc-xin.

Phan Anh (tổng hợp)

Xem thêm: