Đăng ảnh biếm họa vẽ ông Zelensky móc ví ông Biden vào đúng dịp Tổng thống Ukraine tới Washington xin viện trợ, tờ The Toronto Sun (Canada) đã phải chính thức xin lỗi. Thủ tướng Canada Trudeau tuyên bố rằng bức biếm họa liên quan tới chiến tranh Ukraine này là “chống Do Thái.”

Zelensky
Hình ảnh Tổng thống Ukraine Zelensky đang móc ví của Tổng thống Mỹ Biden, được đăng hôm Thứ Tư trên The Toronto Sun, đúng dịp ông Zelensky tới Washington xin viện trợ. Tuy nhiên, hình ảnh này đã bị chụp mũ là chống Do Thái bởi Thủ tướng Canada. (Ảnh chụp màn hình báo The Toronton Sun)

Bằng cách nào đó, một bức tranh biếm họa do họa sỹ Mỹ Gary Varvel vẽ, miêu tả một Zelensky tham lam đang lén trộm lấy ví tiền của Tổng thống Mỹ Biden, lại được gán ghép là một tác phẩm chống Do Thái (anti-Semitic) [1].

Viện trợ cho Ukraine từ phương Tây đang bị chặn

Tờ The Toronto Sun của Canada đăng bức hình này vào hôm Thứ Tư, đúng dịp Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đích thân tới Washington cầu xin các nhà lập pháp Mỹ cho khoản viện trợ trị giá khoảng 60 tỷ USD. Hiện nay, Quốc hội lưỡng đảng Mỹ đã tỏ ý sẽ không thông qua khoản này, ít nhất là trong năm nay.

Trong bối cảnh chiến tranh đang diễn ra ở Ukraine, mặc dù thời tiết mùa Đông có thể làm giảm các hoạt động quân sự trên thực địa của cả 2 bên, nhưng chính quyền Kiev vẫn liên tục tuyên bố rằng họ sẽ thua nếu không nhận được viện trợ của phương Tây.

Tổng thống Mỹ Joe Biden, kể từ hồi tháng 9, đã bắt đầu vận động Quốc hội Mỹ thông qua khoản hơn 60 tỷ đô la này cho Ukraine, nhưng mãi đến bây giờ vẫn chưa thành công. Trước đó, chỉ trong 1 năm rưỡi, chính quyền Biden đã thực chi cho Ukraine 114 tỷ đô la dưới hình thức viện trợ quân sự và phi quân sự.

Tuy nhiên thời gian vài tháng qua, đặc biệt là khi chiến dịch phản công của Kiev không đạt được kết quả như mong đợi, thì dư luận Mỹ đã không còn ủng hộ việc viện trợ cho Ukraine như trước nữa. Cánh hữu ở Quốc hội Mỹ đưa ra điều kiện rằng chỉ khi nào Mỹ chi tiêu thích đáng cho an ninh của chính Mỹ ở biên giới phía Nam tiếp giáp với Mexico, thì họ mới duyệt chi cho an ninh của một nước khác ở tận Châu Âu theo yêu cầu của Nhà Trắng.

Phía EU cũng đã bị Hungary dùng quyền phủ quyết chặn khoản viện trợ 50 tỷ euro trong 4 năm cho Ukraine.

Bức biếm họa được đăng vào bối cảnh đó.

Tuy nhiên Thủ tướng Canada Justin Trudeau lại nói rằng đây là bức biếm họa “chống Do Thái”, và dưới sức ép của các ‘công luận’ như vậy, tờ báo The Toronto Sun đã phải chính thức xin lỗi, theo RT đưa tin.

Một nhà hoạt động ủng hộ Ukraine ở Canada, Yaroslav Baron, giám đốc quỹ Canada-Ukraine, cũng lên án tờ báo vì “chống Do Thái” như có thể đọc thấy thông điệp mà ông viết trên mạng xã hội hôm 21/12:

“Khá lắm! The Toronto Sun cố gắng thành công (1) xúc phạm phẩm giá người Ukraine trong cuộc đấu tranh sinh tồn của họ, (2) duy trì những định kiến ​​chống Do Thái, và (3) thúc đẩy các nỗ lực tuyên truyền của Putin — tất cả gói gọn chỉ trong một bức biếm họa!  Thật là khôn khéo!”

Pierre Zundel, Chủ tịch và Giám đốc điều hành của trường Cao đẳng Cộng đồng New Brunswick ở Canada, đã viết trên mạng xã hội:

“Tôi muốn đệ đơn phản đối lên Hội đồng Truyền thông Canada. Không thể cho phép hoạt động chống Do Thái như thế này tồn tại ở Canada. Đó là chưa nói tới hình ảnh kinh tởm đang chế giễu tình cảm của người Ukraine được vẽ bởi họa sỹ theo đường lối cánh hữu cứng rắn.”

Mặc dù về phương diện cá nhân, ông Zelensky đúng là người Do Thái, nhưng có cư dân mạng lên tiếng chất vấn: “Nào có liên quan gì giữa việc Zelensky lấy tiền của Mỹ với vấn đề chống Do Thái ở đây chứ? Theo tôi đây chỉ là cách diễn giải của các vị mà thôi.”

Vấn đề chống Do Thái

Vấn đề chống Do Thái là vấn đề rất nhạy cảm, do những nguyên nhân có từ lâu trong lịch sử.

Sau khi chiến tranh Israel mới nổ ra hôm 7/10, thì chỉ vài hôm sau đó, ngày 12/10 ông chủ X (Twitter) Elon Musk đã ‘đào’ ra một đoạn video hài hước của tận 9 năm trước về tình cảnh tồi tệ trong giới truyền thông là hễ báo chí hay truyền thông nào mà dám động tới Israel thì sẽ bị tắt tiếng bởi các loại chụp mũ như chống Do Thái, biện hộ cho khủng bố, phản dân chủ, v.v. Truyền thông nào động đến Israel thì bị tắt tiếng, nhưng đưa tin xung đột ở Ukraine thì không sao:

X (Twitter) kể từ khi được tỷ phú giàu nhất nhì thế giới Elon Musk tiếp quản vào hơn 1 năm trước, đã được cải tổ trở thành môi trường truyền thông cởi mở hơn, điều được cư dân mạng hoan nghênh.

Tuy nhiên, kể từ chiến tranh Israel, thì X (Twitter) cũng trở thành nơi phát biểu mà không bị kiểm duyệt chặt chẽ. Tức là trở thành nơi phát biểu của tiếng nói phản đối Israel và bênh vực Palestine. Những tiếng nói này sẽ bị kiểm duyệt trên các phương tiện truyền thông đông đảo khán giả khác.

EU đã phản ứng gay gắt khi tháng trước nhấn mạnh rằng nếu ông Musk không tăng cường kiểm duyệt X theo ‘tiêu chuẩn EU’ thì EU có thể phạt nặng ông Musk.

Cũng vào tháng trước, IBM đã đơn phương hủy ngang hợp đồng quảng cáo trên X với lý do rằng họ chứng kiến một quảng cáo của IBM đăng trên X nhưng lại gần với một thông điệp ‘khủng bố’ nào đó. Dẫn đầu bởi IBM, các hãng ‘khổng lồ’ khác như Apple cũng tuyên bố hủy ngang các hợp đồng quảng cáo trên X. Điều này dẫn tới tình trạng khó khăn về tài chính cho nền tảng mạng xã hội vốn dựa phần nhiều vào thu nhập bằng quảng cáo này.

Sau đó Elon Musk đã theo lời mời của Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu để tới thăm Israel, cụ thể là tới thăm nơi mà Israel ‘giữ lại hiện trường’ thảm cảnh mà Hamas gây ra trong cuộc tấn công bất ngờ ngày 7/10.

Từ đó, ông Musk công khai lên tiếng phản đối Hamas, và thôi không thỉnh thoảng đăng các tweet kiểu chỉ trích nạn tắt tiếng những ai dám chống Do Thái như ví dụ trên nữa. Cuối cùng các quảng cáo lại quay trở lại X như thực tế cho thấy.

Vấn đề chống Nga của những người Canada gốc Ukraine

Theo lập luận của RT, thì hành xử của Thủ tướng Canada Trudeau xem chừng còn liên quan tới sự cố xảy ra 3 tháng trước.

Khi đó để đón chào ông Zelensky cùng phái đoàn của ông ta, Quốc hội Canada đã đứng chào theo lễ vinh quang ‘standing ovation’ cho một cựu chiến binh Ukraine.

Nhưng ngay lập tức sau đó công chúng phát hiện ra người ‘cựu chiến binh’ này là người tham gia sư đoàn Glacia SS của Đức quốc xã vào những năm 1944 – 1945, sư đoàn khét tiếng trong các thảm sát vô nhân đạo ở Châu Âu thời bấy giờ. Sự việc căng thẳng tới mức Ba Lan tuyên bố sẽ tìm cách yêu cầu Canada cho dẫn độ ‘cựu chiến binh Ukraine’ này tới Ba Lan để xử án tội phạm chiến tranh.

Kỳ thực, Đại Thế chiến II đã qua từ lâu. Cho nên tuy ở Canada cũng còn một số ít người như ‘cựu chiến binh’ này, và bây giờ họ đã rất già, thì các cộng đồng quốc tế cũng không nhắc tới chuyện cũ thương tâm của thế kỷ trước nữa. Nếu không phải vì đón chào Zelensky và lễ chào vinh quang của Quốc hội Canada, thì đã không xảy ra vụ bê bối này.

Ông Trudeau đã không bị dính vụ bê bối này khi mà Chủ tịch Hạ viện Canada, người sắp hết nhiệm kỳ và cùng đảng phái với ông, đã đứng ra nhận hoàn toàn trách nhiệm vụ bê bối, xin lỗi công khai, và đệ đơn từ chức ngay lập tức khỏi cương vị Chủ tịch Hạ viện.

Tuy nhiên, theo RT, ông Trudeau đến tận hôm nay dường như vẫn còn khúc mắc trong tâm. Cho nên khi chứng kiến bức biếm họa một Zelensky tham lam, ám chỉ tình trạng tham nhũng đang hoành hành ở giới chức Ukraine, thì ông Trudeau đã miêu tả hình ảnh vẽ Zelensky với chiếc mũi kiểu người Do Thái ấy là tố cáo “sai lầm” về vấn đề “chính quyền Ukraine tham nhũng” và là “hình thức chống Do Thái tồi tệ nhất”.

Tờ báo The Toronto Sun chính thức xin lỗi

Trước sức ép từ các phía, theo RT bình luận, tờ The Toronto Sun đã công bố lời xin lỗi:

“Bức biếm họa không đạt các tiêu chuẩn của Ban Biên tập tờ báo chúng tôi. Chúng tôi đã sai lầm khi đăng nó, và chúng tôi xin lỗi về việc này,” theo Adrienne Batra, tổng biên tập của tờ báo viết hôm Thứ Năm.

“Thật gây tổn thương cho những người Canada gốc Ukraine và cho tất cả người Ukraine khi phải đấu tranh sinh tồn chống lại sự xâm lược của Nga,” tổng biên tập viết. “Điều đó gây tổn thương cho người Canada gốc Do Thái và người Do Thái, hiện đang bị tấn công bởi làn sóng chống Do Thái toàn cầu. Chúng tôi đã phụ lòng họ và chúng tôi đã phụ lòng tất cả các bạn, những độc giả của chúng tôi.”

Tổng biên tập Bartra cũng thông báo rằng tờ báo sẽ không in tác phẩm của họa sỹ này nữa.

Trong khi lời xin lỗi được các nhà hoạt động thân Ukraine ca ngợi, thì một số nhà báo độc lập lại lên án hành động này của tờ báo, và nhắc nhở đến tôn chỉ đưa tin trung thực và công chính không sợ cường quyền vốn là thước đo của nghề làm báo này.

Phóng viên Glenn Greenwald gọi lời xin lỗi là “ngu ngốc và nhục nhã” của giới truyền thông, và miêu tả bức tranh hài hước chỉ là “một bức biếm họa chính trị hoàn toàn bình thường và thông thường, nó cho thấy Zelensky móc túi Biden, bởi vì bạn biết đấy, [trên thực tế] ông ấy đang đòi thêm hàng chục tỷ đô la cho cuộc chiến ở Ukraine.”

[1] Anti-Semitism — chủ nghĩa chống người Semite. Nguyên nghĩa của thuật ngữ này không phải là chống Do Thái mà là chống Semite. Chủ nghĩa anti-Semitism bị lên án mạnh mẽ đặc biệt sau Đại Thế chiến II khi hàng triệu người Do Thái ở Châu Âu bị tàn sát, mà lịch sử gọi đó là nạn diệt chủng Holocaust. Người Do Thái được xem là hậu duệ của người Semite xưa. Với hàm nghĩa phê phán mạnh như vậy, cái nhãn “chống Do Thái” (anti-Semitic) trở thành một loại chụp mũ mạnh mẽ dùng để đả kích.

Nhật Tân