Tổng thống Brazil Luiz Inacio Lula da Silva hôm thứ Ba (18/4) tiếp tục kêu gọi các bên thực hiện hòa giải Nga-Ukraine theo sáng kiến hòa bình của ông. Ông Lula lên án Nga xâm lược, yêu cầu Moscow rút quân, nhưng cũng đề nghị Ukraine nên hy sinh Bán đảo Crimea để đổi lấy hòa bình, theo Reuters đưa tin. 

Trao đổi với Tổng thống Romania Klaus Iohannis vào trưa ngày 18/4, ông Lula nói một nhóm các quốc gia trung lập phải làm việc cùng nhau để giúp môi giới hòa bình giữa Nga và Ukraine.

Tuyên bố nêu trên của ông Lula đến vào sau khi những bình luận của ông cuối tuần qua đã khiến các quốc gia phương Tây phản ứng dữ dội. Tổng thống cánh tả của Brazil nói rằng phương Tây đang kéo dài cuộc chiến tranh thông qua việc cung cấp vũ khí cho Ukraine.

>>Tổng thống Brazil chỉ trích Mỹ và châu Âu gây kéo dài chiến tranh ở Ukraine

Một phát ngôn viên của chính phủ Mỹ đã cáo buộc ông Lula “nhại lại tuyên truyền của Nga và Trung Quốc mà không tìm hiểu thực tế”. Nhà Trắng cũng cho rằng “giọng điệu của ông Lula không phải là giọng điệu trung lập”.

Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov thăm Brazil và tiếp kiến ông Lula hôm thứ Hai (17/4). Ông Lavrov đã gửi lời cảm ơn tổng thống Brazil vì những nỗ lực hòa bình của ông, đồng thời nhấn mạnh rằng Brazil và Nga có cùng quan điểm về cuộc xung đột đang tiếp diễn tại Ukraine.

>>Ngoại trưởng Lavrov cảm ơn Brazil về vấn đề Ukraine

Ông Lula đã đang tự tung hô mình là một nhà trung gian hòa giải để kết thúc cuộc chiến tranh mà Nga đã phát động từ cuối tháng 2/2022. Đề xuất hòa bình của ông Lula dựa vào truyền thống không can thiệp và trung lập của Brazil, trong đó ông kêu gọi một nhóm các quốc gia không liên quan đến cuộc chiến tranh hãy khuyến khích cả Nga và Ukraine tham gia vào các cuộc đối thoại.

Ukraine chỉ trích đề xuất hòa bình của ông Lula bởi vì sáng kiến này đối xử với “nạn nhân và kẻ xâm lược” theo cùng một cách. Ukraine hôm 18/4 cũng đã ngỏ lời mời ông Lula đến thăm quốc gia đã bị chiến tranh tàn phá này để được tận mắt chứng kiến những hậu quả của cuộc chiến xâm lược do người Nga tiến hành.

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Ukraine Oleg Nikolenko nói rằng Ukraine đang tìm hiểu thêm những nỗ lực của ông Lula nhằm tìm giải pháp cho cuộc chiến tranh đã kéo dài hơn 14 tháng. Nhưng ông Oleg Nikolenko bác bỏ quan điểm của ông Lula cho rằng các nước đang cung cấp vũ khí cho Kyiv là đang kéo dài cuộc chiến.

Liên minh châu Âu (EU) cũng đã phản đối ý kiến của ông Lula cho rằng cả Ukraine và Nga đều phải chịu trách nhiệm về cuộc xung đột. Phát ngôn viên ngoại giao của EU Peter Stano cho biết tất cả các hoạt động viện trợ là nhắm đến “phòng thủ hợp pháp” của Ukraine.

Cho đến nay, trong số các quốc gia phương Tây, chỉ duy nhất Tổng thống Pháp Emmanuel Macron là hoan nghênh sáng kiến hòa bình của Tổng thống Brazil Lula.

Ông Lula nói Nga nên rút quân trở về như trước khi chiến tranh, nhưng ông cũng đề nghị rằng Ukraine có thể cần hy sinh Bán đảo Crimea vốn đã bị Nga chiếm giữ từ năm 2014. Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã thẳng thừng phản bác đề nghị này của ông Lula.

Tổng thống Zelensky đã đang kêu gọi các nhà lãnh đạo thế giới hãy áp dụng kế hoạch hòa bình 10 điểm của ông. Kế hoạch hòa bình này ngoài việc kêu gọi Nga rút quân và đình chiến, cũng đề xuất khôi phục các đường biên giới ban đầu giữa Ukraine và Nga.

Hải Đăng