Hôm thứ Tư (6/12), Tổng thống Nga Vladimir Putin đã đến thăm Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống Nhất (UAE) và Ả Rập Xê Út trong một chuyến công du chớp nhoáng nhằm nâng cao vị thế của Moscow như một nhà trung gian hòa giải quyền lực ở Trung Đông, ngay cả khi cuộc chiến của ông ở Ukraine vẫn đang tiếp diễn.

Tổng thống Putin đã đáp xuống thủ đô Abu Dhabi của Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống Nhất, nơi đang tổ chức các cuộc đàm phán về khí hậu COP28 của Liên Hợp Quốc. Đây là chuyến đi đầu tiên của ông đến khu vực này kể từ đại dịch virus corona và cuộc xâm lược Ukraine năm 2022.

Phát biểu khi bắt đầu cuộc hội đàm với Tổng thống UAE Mohammed bin Zayed Al Nahyan, nhà lãnh đạo Nga đề nghị thảo luận về hợp tác năng lượng, cuộc xung đột ở Trung Đông và “cuộc khủng hoảng ở Ukraine.” Ông ca ngợi trạng thái hiện tại của mối quan hệ Nga – UAE và chúc mừng quốc gia Hồi giáo này đã đăng cai tổ chức các cuộc đàm phán về khí hậu COP28.

Tổng thống Putin đã hạn chế đi ra nước ngoài kể từ khi đưa quân xâm lược Ukraine vào tháng 2/2022. Ông đã đến thăm Trung Quốc vào tháng Mười và thực hiện một số chuyến đi đến các quốc gia thuộc Liên Xô cũ trong những tháng gần đây. Nhà lãnh đạo Nga đang phải đối mặt với lệnh bắt giữ của Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC) vì bị cáo buộc phạm tội ác chiến tranh trong cuộc chiến ở Ukraine.

Cả UAE và Ả Rập Xê Út đều chưa ký hiệp ước thành lập ICC, điều đó có nghĩa là họ không phải đối mặt với nghĩa vụ phải bắt giữ Tổng thống Putin theo lệnh truy nã của ICC cáo buộc nhà lãnh đạo Nga phải chịu trách nhiệm cá nhân vì bắt cóc trẻ em từ Ukraine trong cuộc chiến. Tổng thống Putin đã bỏ qua không tham dự hội nghị thượng đỉnh ở Nam Phi trong bối cảnh có nhiều đồn đoán ông có thể bị bắt giữ khi đến quốc gia này.

Ngoại trưởng UAE Sheikh Abdullah bin Zayed Al Nahyan đã đón Tổng thống Putin sau khi ông bước xuống từ chiếc chuyên cơ chở tổng thống. Bốn máy bay chiến đấu Su-35 của Nga đã hộ tống chiếc chuyên cơ này từ Nga cho đến khi đáp xuống sân bay thương mại của Abu Dhabi, bởi vì Căn cứ Không quân Al-Dhafra là một trung tâm quân sự lớn của Hoa Kỳ trong khu vực.

Mặc dù UAE là đồng minh của Hoa Kỳ, nhưng quốc gia Trung Đông này có mối quan hệ chặt chẽ với Nga. Nhà lãnh đạo UAE đã chào đón Tổng thống Putin tại lâu đài Qasr al-Watan của Abu Dhabi với 21 phát súng chào mừng và sự bay ngang qua của các máy bay quân sự của UAE với làn khói mang màu sắc của cờ Nga.

Khi ngồi xuống với ông Putin, Tổng thống Sheikh Mohammed nói: “Tôi rất vui khi gặp lại ngài.” Sau đó tổng thống UAE đưa ra tuyên bố cho biết hai nhà lãnh đạo đã thảo luận về “tầm quan trọng của việc tăng cường đối thoại và hợp tác để đảm bảo sự ổn định và phát triển.

Buổi lễ chào đón hào nhoáng này ở UAE, quốc gia vốn dựa vào Hoa Kỳ làm đối tác an ninh quan trọng của mình, đã làm nổi bật mối quan hệ kinh doanh chặt chẽ của UAE với Nga đã mở rộng kể từ khi phương Tây áp dụng các lệnh trừng phạt nhằm vào Moscow. Các nhà bình luận Nga nhận định, UAE là con đường quan trọng để Nga lách qua các lệnh trừng phạt của phương Tây.

Sau khi Tổng thống Putin đến thủ đô Riyadh của Ả Rập Xê Út, ông và Thái tử Mohammed bin Salman đã bắt tay nhau một cách mạnh mẽ và mỉm cười khi họ bước vào phòng họp.

Tổng thống Putin ca ngợi mối quan hệ Moscow – Riyadh đã “đạt đến mức độ chưa từng thấy trước đây.” Ông tuyên bố rằng “việc trao đổi thông tin và đánh giá những gì đang diễn ra trong khu vực là rất quan trọng.

Thái tử Mohammed cũng tán thưởng mối quan hệ Nga – Ả Rập Xê Út đã giúp tăng cường an ninh ở Trung Đông, đồng thời nhận định rằng: “Sự tương tác chính trị và hợp tác trong tương lai của chúng tôi chắc chắn sẽ có tác động tích cực đến tình hình toàn cầu.

Theo phát ngôn viên Điện Kremlin, ông Dmitry Peskov, sau cuộc hội đàm với sự tham gia của các quan chức hai nước, Tổng thống Putin và Thái tử Mohammed cũng đã nói chuyện riêng trong bữa tối để thảo luận về cuộc chiến Israel – Hamas và “các vấn đề nhạy cảm khác trong chương trình nghị sự quốc tế.

UAE và Ả Rập Xê Út là những thành viên chủ chốt trong nỗ lực của quốc tế nhằm đàm phán tìm một giải pháp cho cuộc chiến Israel – Hamas. Tổng thống Putin có mối quan hệ cá nhân gần gũi với cả hai nhà lãnh đạo cầm quyền.

Tổng thống Putin đã tìm cách nâng cao vị thế của Nga như một nhà trung gian hòa giải quyền lực trong cuộc xung đột đang diễn ra ở Trung Đông, đồng thời thách thức Washington khi nhận định rằng cuộc chiến Israel – Hamas là một thất bại trong chính sách ngoại giao của Hoa Kỳ. Nhà lãnh đạo Nga tuyên bố, Moscow có thể đóng vai trò trung gian hòa giải nhờ mối quan hệ thân thiện với cả Israel và Palestine.

Tổng thống Putin dự kiến sẽ tiếp tục hoạt động ngoại giao của mình vào thứ Năm (7/12) thông qua hoạt động tiếp đón Tổng thống Iran Ebrahim Raisi tại Điện Kremlin.

Cuộc chiến Israel-Hamas vẫn là mối lo ngại lớn đối với Trung Đông, đặc biệt là UAE, quốc gia đã đạt được thỏa thuận công nhận ngoại giao với Israel vào năm 2020. Các cuộc tấn công gần đây của phiến quân Houthi ở Yemen do Iran hậu thuẫn cũng đe dọa hoạt động vận chuyển thương mại ở Biển Đỏ. Ngoài ra, chương trình hạt nhân của Iran, tiếp tục đạt được những tiến bộ nhanh chóng kể từ khi thỏa thuận hạt nhân năm 2016 giữa Iran và phương Tây bị sụp đổ, cũng gây lo ngại cho UAE.

Nga là một thành viên của OPEC+ cùng với các quốc gia khác trong tổ chức này đã quản lý sản lượng để cố gắng thúc đẩy giá dầu thô. Tuần trước, OPEC+ đã gia hạn một số đợt cắt giảm sản lượng sang năm tới và đưa nhà cung cấp dầu mỏ mới nổi Brazil vào tổ chức này. Giá dầu thô Brent được giao dịch hôm thứ Tư (6/12) khoảng 77 đô la một thùng, giảm so với mức giá gần 100 đô la vào tháng Chín, do lo ngại nền kinh tế trên toàn thế giới đang suy yếu.

Ông Peskov, phát ngôn viên Điện Kremlin, tiết lộ rằng trong cuộc đàm phán hôm thứ Tư (6/12), Tổng thống Putin và Thái tử Mohammed của Ả Râp Xê Út đã thảo luận về sự hợp tác trong OPEC+, nhấn mạnh trách nhiệm của các quốc gia trong tổ chức này trong việc bình ổn thị trường dầu mỏ toàn cầu.

Chuyến thăm UAE của Tổng thống Putin diễn ra sau khi lần lượt các nhà lãnh đạo phương Tây bao gồm Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, Thủ tướng Anh Rishi Sunak và những nhà lãnh đạo khác ủng hộ Ukraine phát biểu tại COP28.

Đặc phát viên về khí hậu của Hoa Kỳ John Kerry và Giám đốc Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ Samantha Power đã đưa ra quan điểm khi tham quan gian hàng của Ukraine tại COP28.

Phát biểu với các nhà báo sau đó, khi được hỏi về Tổng thống Putin, ông Kerry đã bày tỏ: “Ngoài việc các bạn đang đề cập ông ấy đang ở đây. Tôi gần như quên mất ông ấy có thể sẽ đến khu vực này.

Ông Kerry giải thích: “Tôi nghĩ nhờ những gì ông ấy đã làm ở Ukraine, sự hiện diện của ông ấy có thể khuyến khích mọi người làm những gì mà châu Âu đã làm, đó là chuyển đổi nhanh nhất sang một loại nhiên liệu khác nhờ hành động của ông ấy. Bằng cách vũ khí hóa khí đốt, ông ấy đã một mình đẩy nhanh quá trình chuyển đổi [nhiên liệu] của châu Âu hơn bất kỳ ai khác.

Gia Huy (Theo AP)