Hôm 12/7, giới chấp pháp Mỹ cho biết rằng cuộc chiến chống ma túy của Mỹ đã gặp trở ngại từ các thế lực rửa tiền tại Trung Quốc. Hiện Mỹ đang hợp tác với 84 nước gây áp lực đối với Trung Quốc khiến nước này hợp tác chống fentanyl.

GettyImages 1241289819
Sau sự cố chết người với fentanyl opioid cực mạnh tại Santa Monica bang California, ngày 13/6/2022 người phản đối việc bán ma túy bất hợp pháp trên Snapchat biểu tình bên ngoài trụ sở công ty, kêu gọi hành động chống lại loại ma túy phổ biến này. (RINGO CHIU/AFP qua Getty).

Tại phiên điều trần trước Hạ viện vào hôm thứ Tư (12/7), Trợ lý Kagan của Ban Chống Tội phạm có Tổ chức Xuyên quốc gia – Bộ Điều tra An ninh Nội địa Mỹ nói rằng khả năng vận chuyển fentanyl vào Mỹ của các băng đảng ma túy Mexico đã được tăng cường đáng kể nhờ các thế lực rửa tiền Trung Quốc, cung cấp dịch vụ cho các tổ chức tội phạm xuyên quốc gia (TCO). Ông nói: “Các nhóm này có cơ sở hạ tầng toàn cầu rộng lớn để làm sạch số tiền thu được phi pháp từ các tổ chức tội phạm khác nhau, chủ yếu bao gồm các băng đảng ma túy Mexico”.

Cố vấn cấp cao Chester của Ban Chính sách Chống Ma túy Quốc gia Mỹ đã làm chứng rằng hoạt động rửa tiền ở Trung Quốc đang làm giàu cho những kẻ buôn bán ma túy với tốc độ chưa từng thấy. Ông cho biết việc rửa tiền trước đây mất hàng tuần hoặc hàng tháng thì giờ chỉ cần vài tiếng.

Trung Quốc là nơi sản xuất chính tiền chất fentanyl, nhưng nhà chức trách nước này không những không giúp ngăn chặn mà tệ hơn còn để cho thế lực TCO tham gia vào quá trình sản xuất và phân phối.

Ngoài việc trộn tiền mặt với tiền thu được từ các doanh nghiệp hợp pháp hoặc trao đổi trên thị trường chợ đen để lấy súng hoặc thiết bị sản xuất ma túy, các nhân chứng cho biết các nhóm rửa tiền đang sử dụng tiền điện tử và ngân hàng điện tử trên dark web để chuyển lợi nhuận.

Nói với một tiểu ban của Hạ viện Mỹ, người phụ trách Channing Mavrellis về vấn đề thương mại bất hợp pháp tại tổ chức chuyên gia “Liêm chính Tài chính Toàn cầu” (Global Financial Integrity) chỉ ra, hoạt động rửa tiền ở Trung Quốc được thúc đẩy thông qua một số sàn giao dịch và nơi sản xuất nhất định tại nước này, tiền thu được từ ma túy đó lại giao cho các nhà môi giới Trung Quốc ở Mỹ, sau đó những người này bán USD cho công dân Trung Quốc và tiền đó lại được công dân Trung Quốc mua hàng hóa, hàng hóa được chuyển đến Mỹ Latin và được bán bằng nội tệ rồi chuyển cho các trùm ma túy.

Chester nói rằng Trung Quốc đã đồng ý chế tài các loại chất nguy hiểm như fentanyl, ông kêu gọi Trung Quốc tiếp tục hợp tác với Mỹ để ngăn fentanyl. Vào tháng 8 năm ngoái, Bắc Kinh đã quyết định đình chỉ hợp tác kiểm soát ma túy do chuyến thăm Đài Loan của Chủ tịch Hạ viện lúc đó là bà Nancy Pelosi.

Vào tháng 6, Cục Quản lý Thực thi Ma túy Mỹ (DEA) lần đầu tiên buộc tội 8 công dân Trung Quốc và 4 công ty Trung Quốc bí mật sản xuất và vận chuyển hàng triệu liều fentanyl đến Mỹ.

Nhà chức trách Mỹ cho biết bọn tội phạm ở Trung Quốc có thể dễ dàng sản xuất hóa chất và buôn lậu chúng ra khỏi đất nước, trộn chúng với các sản phẩm hợp pháp và chuyển đến các băng đảng Mexico, sau đó sản xuất fentanyl ở “quy mô công nghiệp” để vận chuyển đến Mỹ.

Phó Cục trưởng Papadopoulos của Cục Chống Ma túy (DEA) Mỹ cho biết, những kẻ buôn bán ma túy Mexico cũng thêm fentanyl vào các loại thuốc khác và thuốc giả để tăng cường tác dụng của chúng, sử dụng phương tiện truyền thông xã hội và dark web để bán thuốc và kiếm lợi nhuận khổng lồ. Ông nói: “Rất nhiều người chết vì fentanyl không biết họ đang dùng fentanyl”.

Xây dựng liên minh quốc tế gây sức ép với Trung Quốc

Fentanyl là loại thuốc phiện tổng hợp mạnh gấp 50 lần so với heroin và mạnh hơn morphin từ 80 đến 100 lần. Fentanyl dạng bột tương tự như heroin nhưng chi phí tổng hợp rẻ nên thường được ngụy trang dưới dạng heroin có hiệu lực cao, hoặc có thêm heroin vào để tăng cường hiệu lực. Hoạt lực của fentanyl cao đến mức một người bình thường chỉ dùng 3mg sẽ chết, trong khi heroin là 30 mg. Nhiều người sử dụng fentanyl đã thiệt mạng do dùng quá liều.

Nhờ giá rẻ nên Fentanyl nhanh chóng trở nên phổ biến ở Bắc Mỹ, trong những năm gần đây đã gây ra nhiều ca tử vong do dùng quá liều hơn bất kỳ loại thuốc phiện nào khác, kể cả heroin.

Theo thống kê tại Mỹ tính kể từ năm 2000 đến nay có khoảng 1 triệu người thiệt mạng do dùng fentanyl quá liều,  trong những năm gần đây fentanyl bất hợp pháp đã trở thành “sát thủ số một” trong nhóm người Mỹ từ 18 – 49 tuổi.

Ngày 17/5 Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC) thông báo rằng số trường hợp tử vong do dùng thuốc quá liều ở Mỹ vào năm 2022 sẽ lập kỷ lục lên tới 109.000, trong số đó khoảng 75.000 trường hợp thiệt mạng do dùng quá liều thuốc phiện tổng hợp chủ yếu là fentanyl.

Đầu tháng 7, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã chủ trì cuộc họp liên minh toàn cầu đầu tiên nhằm chấm dứt mối đe dọa của ma túy tổng hợp nguy hiểm, hy vọng 84 nước hợp tác trong liên minh sẽ cùng nhau gây áp lực yêu cầu nhà chức trách Trung Quốc kiểm soát dòng chảy ra thế giới tiền chất hóa học được sử dụng để sản xuất fentanyl. Trong một cuộc họp giao ban vào tuần trước, Trợ lý Ngoại trưởng Robinson cũng kêu gọi chính quyền Trung Quốc hành động chống lại các đường dây ma túy tổng hợp bất hợp pháp.

Trong chuyến thăm Trung Quốc vào tháng 6, ông Blinken cho biết Mỹ và Trung Quốc đã đồng ý kế hoạch hợp tác để chống buôn lậu fentanyl. Nhưng vài ngày sau, công tố viên liên bang Mỹ công bố cáo trạng đối với 4 công ty Trung Quốc, cáo buộc họ buôn bán trái phép hóa chất sang Mỹ qua ngả Mexico, từ đó việc hợp tác giữa hai nước lại trở ngại.

Ngay trong vấn đề xử lý fentanyl cũng cho thấy nổi bật chia rẽ giữa Mỹ và Trung Quốc. Chiến lược của chính quyền Tổng thống Biden là cạnh tranh với Trung Quốc về an ninh và công nghệ trong khi hợp tác với nước này về biến đổi khí hậu và kiểm soát ma túy, nhưng Bắc Kinh dường như không nhìn nhận theo cách đó. Nhiều chuyên gia về ma túy toàn cầu cho rằng Mỹ nên hợp tác với nhiều nước hơn để gây sức ép với Trung Quốc, để họ nỗ lực trong hợp tác chống buôn bán ma túy.

Tiêu Nhiên, Vision Times

  • Mời xem video: Tại sao Trung Quốc sở hữu quá nhiều đất nông nghiệp của Ukraine?