Phương Tây đang gia tăng áp lực lên Moscow nhân kỷ niệm 2 năm chiến tranh Nga xâm lược Ukraine (24/2): Tổng thống Mỹ Joe Biden ngày 23/2 tuyên bố Washington áp đặt hơn 500 lệnh trừng phạt mới đối với Nga, Anh cũng bổ sung thêm 50 lệnh trừng phạt mới, còn EU thông qua vòng trừng phạt thứ 13…

r shutterstock 147857300
Quảng trường Đỏ ở Moscow, Nga. (Ảnh: Igor Simanovskiy / Shutterstock).

Tổng thống Biden cho biết trong tuyên bố rằng Mỹ sẽ áp đặt các hạn chế xuất khẩu mới đối với gần 100 thực thể cung cấp hỗ trợ cho Nga, đồng thời thực hiện các hành động nhằm giảm hơn nữa doanh thu năng lượng của Nga. Các biện pháp này nhằm mục đích buộc Điện Kremlin phải chịu trách nhiệm về cuộc chiến và cái chết của thủ lĩnh phe đối lập Alexei Navalny, vì Washington muốn tiếp tục hỗ trợ Ukraine – đang phải đối mặt với tình trạng thiếu đạn dược trầm trọng, trong khi hỗ trợ quân sự của Mỹ đã bị trì hoãn nhiều tháng tại Quốc hội.

Tổng thống Mỹ Biden nói về các lệnh trừng phạt rằng nó “sẽ đảm bảo ông Putin trả giá nhiều hơn vì hành vi gây gấn ở nước ngoài và đàn áp nội địa của ông ta”.

Ông cho biết các biện pháp vào ngày 23/ sẽ nhắm vào các cá nhân liên quan đến việc nhà đấu tranh dân chủ Nga Navalny bị bỏ tù, cũng như lĩnh vực tài chính, cơ sở công nghiệp quốc phòng, mạng lưới mua sắm và những kẻ trốn tránh lệnh trừng phạt của Nga trên tất cả các châu lục.

Các biện pháp trừng phạt này là mục tiêu mới nhất trong số hàng nghìn mục tiêu được Mỹ và các đồng minh công bố sau khi Nga xâm chiếm Ukraine vào ngày 24/2/2022, cuộc chiến xâm lược của Nga đã khiến hàng chục nghìn người thiệt mạng và phá hủy nhiều thành phố của Ukraine.

“Hai năm sau cuộc chiến này, người dân Ukraine tiếp tục chiến đấu với lòng dũng cảm phi thường. Nhưng đạn dược của họ sắp hết. Ukraine cần thêm nguồn cung cấp từ Mỹ để chống lại các cuộc tấn công không ngừng nghỉ của Nga dùng vũ khí và đạn dược từ Iran và Triều Tiên”, ông Biden nói, “Đó là lý do tại sao lưỡng đảng Hạ viện phải thông qua Đạo luật bổ sung an ninh quốc gia trước khi quá muộn”.

Anh công bố lệnh trừng phạt mới với Nga

Ngày 22/2 theo giờ địa phương, trang web của Chính phủ Anh đăng thông báo thực hiện hơn 50 lệnh trừng phạt mới đối với Nga. Các biện pháp trừng phạt này bao trùm nhiều lĩnh vực để tấn công sức mạnh kinh tế và quân sự của Nga. Danh sách trừng phạt bao gồm các nhà sản xuất vũ khí, công ty điện tử, nhà kinh doanh kim cương và dầu mỏ. Quyết định này làm nổi bật bất mãn của Anh và các nước phương Tây khác về việc Nga xâm chiếm Ukraine.

Ngoại trưởng Anh David Cameron cho biết trong một tuyên bố: “Trước áp lực kinh tế từ cộng đồng quốc tế sẽ khiến Nga ngày càng khốn đốn trong cuộc xâm lược Ukraine. Putin đang chiến đấu cực kỳ quyết liệt trong cuộc chiến này, nhưng các lệnh trừng phạt đang cắt đứt nguồn lực cho chiến tranh mà ông ta rất cần”.

Các biện pháp trừng phạt liên quan đến các nhà sản xuất vũ khí và nhằm mục đích làm suy yếu sự phát triển sức mạnh quân sự của Nga. Chính phủ Anh cho rằng hành động của Nga ở Ukraine cấu thành hành động xâm lược, do đó phải áp dụng các biện pháp trừng phạt quân sự đối với hành động này. Ngoài ra, các lệnh trừng phạt còn nhắm vào các công ty điện tử và các lĩnh vực khác nhằm mục đích đánh vào ngành công nghệ cao của Nga để hạn chế sự phát triển công nghệ của nước này. Theo quan điểm của chính phủ Anh, việc làm suy yếu sức mạnh kinh tế và năng lực khoa học công nghệ của Nga sẽ giúp duy trì hòa bình và ổn định trong khu vực.

Điều đáng nói là các lệnh trừng phạt cũng bao gồm cả những người buôn bán kim cương và dầu mỏ, Chính phủ Anh hy vọng động thái này sẽ có tác động tiêu cực đến ngành dầu thô và ngành trang sức của Nga, đồng thời làm suy yếu thêm nền tảng kinh tế của nước này.

Ngoài ra, các lệnh trừng phạt cũng sẽ ảnh hưởng đến các công ty quốc tế làm ăn với Nga, buộc họ phải xem xét lại mối quan hệ hợp tác với Nga.

Nhìn chung, chính phủ Anh công bố hơn 50 lệnh trừng phạt mới chống lại Nga, nhằm tấn công vào sức mạnh kinh tế và quân sự của Nga về mọi mặt. Quyết định này phản ánh lập trường chung của các nước phương Tây về vấn đề Ukraine, cho thấy quyết tâm đoàn kết chống lại cuộc chiến xâm lược tàn bạo của Nga. Trong tương lai, không loại trừ khả năng sẽ có thêm nhiều nước gia nhập hàng ngũ trừng phạt để cùng nhau ứng phó trước những thách thức của Nga trong các vấn đề khu vực và quốc tế.

Lệnh trừng phạt của EU lần đầu tiên nhắm vào công ty Trung Quốc

Các nước thành viên EU ngày 21/2 đã thông qua vòng trừng phạt thứ 13 liên quan đến Ukraine, cấm gần 200 thực thể và cá nhân đi vào các nước EU vì những đối tượng này được cho là giúp Moscow có được vũ khí hoặc liên quan đến bắt cóc trẻ em Ukraine. Điều đặc biệt quan tâm là gói trừng phạt mới này của EU lần đầu tiên nhắm vào các công ty Trung Quốc bị cáo buộc hỗ trợ các nỗ lực chiến tranh của Moscow.

Các nhà ngoại giao EU cho biết các lệnh trừng phạt mới đã lần đầu tiên bổ sung thêm 3 công ty Trung Quốc vào danh sách các công ty bị EU cấm giao dịch. Các công ty này bị cáo buộc có liên quan đến việc cung cấp cho Nga công nghệ quân sự nhạy cảm để cuối cùng được sử dụng trên chiến trường ở Ukraine.

Các công ty Trung Quốc bị trừng phạt lần này là Công ty Công nghệ OSAI Quảng Châu, Công ty Thương mại Biguang Thâm Quyến, và Công ty Công nghệ Yilufa Thâm Quyến.

Cho đến nay, tổng số cá nhân và công ty bị EU trừng phạt vì liên quan hỗ trợ cho cuộc chiến xâm lược của Nga tại Ukraine đã lên tới xấp xỉ 2000.

Các công ty bị trừng phạt vì bị cáo buộc giúp Nga sản xuất vũ khí hoặc các thiết bị khác để sử dụng trong cuộc chiến ở Ukraine, sẽ phải đối mặt với các hạn chế thương mại. Cho dù “chỉ là thương mại chứ không phải nhà sản xuất”, nhưng EU nhận thấy các công ty này xứng đáng bị trừng phạt vì vấn đề cung cấp sản phẩm điện tử thông qua các trang web thương mại điện tử của Nga.

Trong bối cảnh EU ngày càng nhắm vào các nước thứ ba giúp Moscow trốn tránh các lệnh trừng phạt, các công ty từ một số nước khác như Ấn Độ giúp Nga có được các linh kiện và công nghệ bị cấm cũng bị đưa vào danh sách trừng phạt thương mại của EU.

Giám đốc điều hành Aliona Hlivco của Hiệp hội Henry Jackson và là cựu nghị sĩ Ukraine, lưu ý: “Một số nước trong đó có Ấn Độ đã trở thành nước nhập khẩu dầu thô lớn nhất của Nga, sẽ chú ý chặt chẽ đến những diễn biến này”.

Theo Đài Tiếng nói Hoa Kỳ (VOA) ngày 22/2, cộng sự Mark Handley của Văn phòng Luật sư Duane Morris LLP cho biết: “Theo Quy định số 267/2012, nhiều công ty Trung Quốc đã trở thành một phần của lệnh trừng phạt đối với Iran, nhiều công dân và công ty Trung Quốc hiện cũng là mục tiêu được chỉ định của EU trong các lệnh trừng phạt liên quan mạng internet, nhân quyền và Triều Tiên”.

Ông Handley được vinh danh trong Danh sách “Những cố vấn xuất sắc về thương mại và trừng phạt quốc tế” (Power Players list of Distinguished Advisers for International Trade & Sanctions) của Tạp chí Financier Worldwide.

Khi nói về hậu quả của việc các công ty này bị trừng phạt ở lục địa châu Âu, ông Handley phân tích: “Việc bị đưa vào danh sách như vậy về cơ bản khiến bất kỳ cá nhân hay công ty EU nào gần như không thể kinh doanh với họ. Một khi bị đưa vào danh sách trừng phạt, các doanh nghiệp như bảo hiểm quốc tế hoặc vận chuyển trở nên rất phức tạp. Sau Brexit thì cơ chế trừng phạt của Anh được độc lập, có thể tự quyết định đối tượng vào danh sách bị Anh phong tỏa tài sản; các lệnh trừng phạt của EU dù không đồng nghĩa có cả nước Anh tham gia, nhưng nếu các lệnh trừng phạt đó áp dụng đối với các công dân và công ty EU trên toàn cầu, bao gồm cả những người đang làm việc hoặc điều hành tại London, thì Anh cũng sẽ tuân thủ các lệnh trừng phạt của EU”.

EU là đối tác thương mại lớn thứ hai của Trung Quốc sau ASEAN. Theo dữ liệu do Hải quan Trung Quốc công bố, khối lượng thương mại song phương Trung Quốc-EU đạt 783 tỷ USD vào năm 2023, giảm 7,6% so với cùng kỳ năm trước đó. Cùng năm đó, trong khi Nga mất thị trường châu Âu do các lệnh trừng phạt, khối lượng thương mại song phương giữa Trung Quốc và Nga đạt 240,1 tỷ USD, tăng 26,3% so với cùng kỳ năm trước đó.