Trung Quốc bắt 4 người Thổ Nhĩ Kỳ sau khi bị chỉ trích về vấn đề Tân Cương
- Trọng Đạt
- •
Bốn người Thổ Nhĩ Kỳ gần đây đã bị nhà chức trách Trung Quốc bắt giam sau khi chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ ra tuyên bố lên án hành vi bắt giam một triệu người Duy Ngô Nhĩ và các tộc người thiểu số Hồi giáo khác của chính quyền Trung Quốc tại Tân Cương. Hành động này khiến Bắc Kinh bị chỉ trích là đang trả đũa với chính sách ngoại giao bắt cóc con tin.
Người Thổ Nhĩ Kỳ đốt cờ Trung Quốc phản đối cuộc đàn áp người Duy Ngô Nhĩ tại Tân Cương năm 2018
Sáng sớm ngày 9/3, bốn doanh nhân người Thổ Nhĩ Kỳ tham gia hội chợ thương mại tại thành phố Hạ Môn đã bị cảnh sát địa phương bắt tại khách sạn họ đang cư trú.
Bốn người này đến từ các hãng xuất khẩu đá cẩm thạch tại Thổ Nhĩ Kỳ đang thăm dò thị trường Trung Quốc tại Hội Chợ đá quý Quốc tế Hạ Môn lần thứ 19, tổ chức từ 6 đến 9/3. Ước tính có 150 công ty Thổ Nhĩ Kỳ tại hội chợ.
Chính quyền Trung Quốc không công bố tên của 4 người Thổ bị bắt, nhưng ký tự đầu của tên của họ được tờ Hurriyet Daily của Thổ Nhĩ Kỳ thông báo là O.S., M.O, A., và Y.C.
Bản tin của Hurriyet nói rằng ba công ty Thổ Nhĩ Kỳ bị Trung Quốc cáo buộc trốn thuế đối với 240.000 tấn khối đá cẩm thạch thô trị giá 60 triệu USD từ năm 2016, tổng số thuế không nộp là 4,5 triệu USD.
Mặc dù truyền thông Trung Quốc im hơi về vụ bắt bốn người Thổ, tin tức đã nhanh chóng được truyền miệng trong những doanh nhân tại hội chợ.
“Sau khi thông tin được lan truyền, một số chủ sở hữu công ty đá quý đã lên lịch bay sớm rời Hạ Môn. Một số tới Hồng Kông”, một doanh nhân Thổ giấu tên nói với tờ nhật báo Hurriyet.
Một người Thổ Nhĩ Kỳ rời khỏi Trung Quốc sau khi nghe tin tức trên nói rằng ông quá sợ hãi đến mức không có ý định trở lại Trung Quốc.
Thổ Nhĩ Kỳ là quốc gia xuất khẩu đá cẩm thạch lớn nhất thế giới. Thông thường các hãng sẽ xuất cẩm thạch thô sang Trung Quốc để chế tác thành đá thành phẩm.
Theo kênh thông tấn nhà nước của Thổ Nhĩ Kỳ Anadolu, Thổ Nhĩ Kỳ đạt doanh thu 2,07 tỷ USD từ việc xuất khẩu cẩm thạch năm 2017 với các thị trường lớn nhất là Trung Quốc, Hoa Kỳ và Ả Rập Saudi. Trang Stone News báo cáo khoảng 85,5% cẩm thạch thô của Thổ Nhĩ Kỳ được xuất khẩu sang Trung Quốc.
Hôm 11/3, nhật báo Hurriyet đăng một bài nhận định rằng các vụ bắt bớ tại Trung Quốc có động cơ chính trị bởi vì “một tuyên bố ngoại giao từ Bộ Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ cũng đủ để khiến quan hệ Thổ-Trung đổ dốc”.
Hôm 9/2, Bộ Ngoại giao Thổ phát đi một tuyên bố chỉ trích chính quyền Trung Quốc vì dựng lên các trại giam giữ ở Tân Cương, nơi mà theo một số những người từng bị giữ ở đây, được dùng để tổ chức tra tấn và tẩy não chính trị người dân bản địa. Khoảng 13 triệu người thiểu số Duy Ngô Nhĩ sống ở Trung Quốc, họ là người tộc Turk (Thổ) và nói tiếng địa phương giống với ngôn ngữ được nói ở Thổ Nhĩ Kỳ.
Đến nay, Thổ Nhĩ Kỳ là quốc gia Hồi giáo duy nhất công khai lên án các trại tập trung tẩy não tại Tân Cương.
“Chính sách đồng hóa có hệ thống chống lại người tộc Thổ Duy Ngô Nhĩ được thực hiện bởi chính quyền Trung Quốc là một nỗi nhục nhã to lớn cho nhân loại”, Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Hami Aksoy nói hôm 9/2.
“Việc hơn 1 triệu người Duy Ngô Nhĩ sắc tộc thổ phải chịu bắt bớ tùy tiện, phải chịu tra tấn và tẩy não chính trị trong các trại giam và nhà tù không còn là điều bí mật”.
Ông Aksoy nói việc nhà thơ, nhạc sĩ người Duy Ngô Nhĩ Abdurehim Heyit bị chết trong trại giam là một thảm kịch đã “củng cố phản ứng từ công luận Thổ Nhĩ Kỳ về những vi phạm nhân quyền nghiêm trọng tại vùng Tân Cương. Chúng tôi hy vọng tuyên bố chính đáng này sẽ được nhà cầm quyền Trung Quốc nghiêm túc cân nhắc”.
Vài ngày sau, hôm 11/2, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh cảnh báo Thổ Nhĩ Kỳ rằng hành động của họ sẽ chỉ gây hại cho họ và người khác.
“Một thực tế mà ai cũng biết là Trung Quốc không thể chịu được một chút nào đối với những lời phê phán”, tờ Hurriyet của Thổ Nhĩ Kỳ viết. Tờ báo lưu ý thêm rằng Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đã thường xuyên chỉ trích các lãnh đạo phương Tây, nhưng không dám lên án chế độ Trung Quốc do lo ngại ảnh hưởng đến mối quan hệ hai bên.
Hôm 26/2, Đại Sứ quán Trung Quốc tại Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố họ sẽ đóng cửa Văn phòng Tổng Lãnh sự tại thành phố Izmir.
Ngoại giao Con tin
Tang Jingyuan, một nhà bình luận chính trị tại Hoa Kỳ nói với tờ Epoch Times tiếng Hoa rằng bắt giữ người nước ngoài là một thủ đoạn thường thấy của Đảng Cộng sản Trung Quốc.
“ĐCS Trung Quốc muốn gây áp lực lên Thổ Nhĩ Kỳ bằng cách tấn công vào ngành xuất khẩu cẩm thạch của họ,” ông Tang nói.
Ông nhận định việc bắt giam bốn doanh nhân Thổ cũng tương tự như vụ một doanh nhân và một nhà ngoại giao Canada bị bắt giam hồi tháng 12/2018 sau khi Canada bắt CFO của Huawei Mạnh Vãn Châu vì vi phạm chế tài Iran của Mỹ.
Ông Tang nói rằng các thủ đoạn côn đồ như bắt cóc con tin trên cũng giống với việc Bắc Kinh kích động tẩy chay hàng hóa của Hàn Quốc, Nhật Bản và Hoa Kỳ sau căng thẳng ngoại giao với các nước này.
“Tất cả những hành động này đều có cùng bản chất, đó là sử dụng thị trường nội địa của Trung Quốc để gây sức ép về kinh tế khiến họ quy phục Bắc Kinh”, ông Tang nói.
Trọng Đạt
Xem thêm:
Từ khóa Đàn áp tôn giáo Người Duy Ngô Nhĩ Tân Cương Thổ Nhĩ Kỳ