Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hôm thứ Sáu (8/4) đã nói với người đồng cấp Philippines Rodrigo Duterte rằng an ninh và ổn định trong khu vực sẽ không thể đạt được thông qua các liên minh quân sự. Đây được cho là lời cảnh báo đến quốc gia Đông Nam Á khi nước này chuẩn bị cho cuộc tổng tuyển cử, với kết quả có thể khiến quan hệ song phương bị xáo trộn.

Embed from Getty Images

Trong cuộc điện đàm vào chiều thứ Sáu, ông Tập cũng cam kết sẽ đầu tư nhiều hơn vào Philippines và mua hàng hóa từ nước này.

“Các diễn biến quốc tế một lần nữa cho thấy rằng không thể đạt được an ninh khu vực bằng cách tăng cường liên minh quân sự và Trung Quốc sẵn sàng làm việc với Philippines và các nước trong khu vực… để giữ vững vai trò lãnh đạo an ninh khu vực và cùng nhau duy trì hòa bình và ổn định trong khu vực,” ông Tập nói, ám chỉ đến cuộc chiến ở Ukraine.

Ông cho biết Trung Quốc sẽ duy trì “tính liên tục và nhất quán” trong chính sách đối với Philippines và hai bên cần tiếp tục hợp tác với nhau về phát triển vắc-xin COVID-19, y tế công cộng, cơ sở hạ tầng và thương mại.

Đáp lại, ông Duterte cho biết Philippines sẵn sàng làm việc với Trung Quốc về ngăn chặn đại dịch, phát triển thương mại, cơ sở hạ tầng và du lịch, theo một tuyên bố của Bộ Ngoại giao Trung Quốc.

Ông Duterte cho biết, đất nước của ông sẽ làm việc với Trung Quốc để “giải quyết đúng đắn các vấn đề Biển Đông để làm gương cho việc giải quyết hòa bình các tranh chấp trong khi duy trì hòa bình và ổn định khu vực”.

Ông nói thêm rằng Philippines cũng sẽ tìm cách đóng “vai trò tích cực” giữa Trung Quốc và Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á.

Việc một chủ tịch Trung Quốc hội đàm với các nhà lãnh đạo sắp mãn nhiệm không phải là chuyện thường thấy, nhưng khi sự cạnh tranh với Mỹ ngày càng gia tăng, Trung Quốc đã coi Đông Nam Á là ưu tiên ngoại giao của mình.

Cuộc điện đàm diễn ra khi ông Duterte, người đã vun đắp quan hệ với Trung Quốc, chuẩn bị từ chức vào tháng tới, làm gia tăng những bất ổn về quan hệ giữa hai nước.

Với việc Hoa Kỳ tăng cường can dự với các đồng minh và đối tác để chống lại ảnh hưởng của Trung Quốc ở châu Á, Bắc Kinh lo ngại rằng các nước láng giềng như Philippines hay Hàn Quốc có thể xích lại gần Mỹ hơn.

Giống như Philippines, Hàn Quốc là đồng minh hiệp ước của Hoa Kỳ và Tổng thống mới đắc cử Yoon Suk-yeol đã gợi ý rằng chính phủ của ông sẽ tìm kiếm mối quan hệ chặt chẽ hơn với Washington.

Và năm ngoái, khi Mỹ công bố quan hệ đối tác quân sự AUKUS với Australia và Anh, Philippines là một trong những quốc gia Đông Nam Á ủng hộ.

Philippines cũng có thể được mời vào nhóm Bộ Tứ do Mỹ dẫn đầu, bao gồm các nước Ấn Độ, Australia và Nhật Bản. Đối với Bắc Kinh, việc đưa Manila vào Bộ Tứ sẽ là một trong những tình huống xấu nhất của Trung Quốc.

Hiện tại, Philippines và Nhật Bản dự kiến ​​sẽ tổ chức cuộc hội đàm 2 + 2 đầu tiên tại Tokyo vào thứ Bảy, trong đó các Bộ trưởng Ngoại giao và Quốc phòng của cả hai bên sẽ gặp nhau để đặt nền móng cho quan hệ đối tác an ninh Philippines – Nhật Bản trong thập kỷ tới.

Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Nobuo Kishi và người đồng cấp Philippines Delfin Lorenzana đã gặp nhau tại Tokyo hôm thứ Năm và tái khẳng định tầm quan trọng của việc duy trì và củng cố một Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do và rộng mở, theo Bộ Quốc phòng Nhật Bản.

Không đề cập đến Trung Quốc, hai bên cũng nói rằng bất kỳ nỗ lực nào nhằm thay đổi hiện trạng bằng vũ lực là “không thể chấp nhận được”.

Với cuộc bầu cử Tổng thống Philippines chỉ còn chưa đầy một tháng nữa, đã có nhiều tranh luận về việc liệu Manila có nên giữ lập trường cứng rắn hơn chống lại Bắc Kinh về các tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông hay không.

Căng thẳng đã bùng lên trước thềm cuộc điện đàm Tập – Duterte, khi Manila cáo buộc một tàu tuần duyên Trung Quốc đã điều động nhiều ngày gần một tàu nghiên cứu do các nhà khoa học Philippines và Đài Loan triển khai.

Xuân Lan (theo SCMP)