Các lãnh đạo 20 nền kinh tế lớn nhất thế giới đã nhất trí và công bố tuyên bố chung sau phiên họp thượng đỉnh tại thủ đô New Delhi, Ấn Độ hôm thứ Bảy (9/9). Để đạt được văn kiện cuối cùng này các bên được cho là đã tranh luận gay gắt về nhiều chủ đề trong bối cảnh căng thẳng địa chính trị leo thang giữa một số thành viên, đặc biệt là chia rẽ quan điểm về cuộc chiến tranh Ukraine đã kéo dài hơn 18 tháng.

Dưới đây là một số nội dung chính của tuyên bố chung G20 năm 2023:

1. Không chọn phe trong chiến tranh Nga-Ukraine

Do nội bộ G20 có quan điểm bất đồng về trách nhiệm của Nga và Ukraine trong cuộc chiến tranh bùng phát từ tháng 2/2022, trong khi nước chủ nhà Ấn Độ lựa chọn quan điểm trung lập, nên tuyên bố chung G20 lần này không thể đưa ra quan điểm chọn phe rõ ràng.

Sau nhiều thảo luận căng thẳng, đoạn viết về Ukraine trong tuyên bố chung G20 cho hay: tất cả các quốc gia “phải kiềm chế đe dọa hoặc sử dụng vũ lực để tìm cách giành giật lãnh thổ chống lại toàn vẹn lãnh thổ và chủ quyền hoặc độc lập chính trị của bất kỳ quốc gia nào”. Tuyên bố chung cũng nói rằng “sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ khí hạt nhân là không thể chấp nhận được”.

Tuyên bố chung nhấn mạnh “G20 không phải là nền tảng giải quyết các vấn đề an ninh và địa chính trị”, nhưng cũng kêu gọi hồi sinh Sáng kiến Ngũ cốc Biển Đen. Nga đã rút khỏi thỏa thuận này hồi tháng Bảy vì cho rằng Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) đã không giữ lời hứa tạo điều kiện cho Nga xuất khẩu thực phẩm và phân bón.

Tuyên bố chung dứt khoát kêu gọi “không cản trở vận chuyển ngũ công, thực phẩm và phân bón” từ cả Nga và Ukraine.

2. Tăng trưởng bền vững, tập trung phát triển Bán cầu Nam

Thủ tưởng Ấn Độ Narendra Modi mong muốn hội nghị G20 năm nay sẽ “củng cố tiếng nói của Bán cầu Nam”.

Theo đó, tuyên bố chung kêu gọi tái định hình các thể chế tài chính toàn cầu để “thúc đẩy tăng trưởng, giảm thiểu bất bình đẳng và duy trì ổn định tài chính và kinh tế vĩ mô”.

Tuyên bố chung cũng nhấn mạnh rằng các nước đang phát triển nên tái cấu trúc nợ trong một số trường hợp, và những quốc gia này nên được tiếp cận “hệ thống thương mại đa phương minh bạch, bền vững, bình đẳng, hòa hợp, cởi mở, công bằng và không phân biệt đối xử”.

Văn kiện quan trọng nhất của hội nghị thượng đỉnh G20 cũng kêu gọi tăng cường nghiên cứu về “các loại ngũ cốc giàu dinh dưỡng và thích ứng thời tiết tốt”, cũng như đẩy mạnh sản xuất phân bón trên toàn cầu để từ đó giúp đối phó với tình trạng thiếu lương thực.

3. Nghị trình về ứng phó biến đổi khí hậu

Tuyên bố chung G20 kêu gọi “thực thi Thỏa thuận khí hậu Paris và mục tiêu về nhiệt độ của thỏa thuận này một cách đầy đủ và hiệu quả”. Tuyên bố chung lưu ý rằng việc đạt được mục tiêu giới hạn sự nóng lên toàn cầu ở mức 2 độ cao hơn mức nhiệt độ thời tiền công nghiệp sẽ đòi hỏi “các hành động hiệu quả và thực chất”, trong đó có đánh thuế carbon cao hơn, chấm dứt trợ cấp nhiên liệu hóa thạch, và gỡ bỏ dần điện than.

Tuyên bố chung nhấn mạnh rằng để đạt được mục tiêu trong Thỏa thuận khí hậu Paris, thì các quốc gia đang phát triển sẽ cần tới 5,9 nghìn tỷ USD vào năm 2030, trong khi toàn thế giới sẽ cần 4 nghìn tỷ USD mỗi năm vào từ năm 2030 để đưa giảm phát thải carbon về mức 0 vào năm 2050.

4. Tránh đề cập thẳng thuật ngữ “thế giới đa cực”

Mặc dù tất cả các nhà lãnh đạo Ấn Độ, Trung Quốc và Nga đều đã đang tán dương sự nổi lên của trật tự thế giới “đa cực”, ở đó phương Tây không còn là bên nắm toàn quyền duy nhất trong các mối quan hệ quốc tế nữa, nhưng tuyên bố chung G20 năm nay tránh đề cập thẳng thuật ngữ “thế giới đa cực”.

Thay vào đó, tuyên bố chung kêu gọi cải cách Liên Hiệp Quốc (LHQ), nói rằng LHQ phải “đáp ứng yêu cầu của toàn thể các thành viên, trung thành với những mực tiêu và các quy tắc nền tảng của Hiến chương LHQ và được điều chỉnh để thực hiện những nhiệm vụ của mình”.

Ấn Độ nhiều lần kêu gọi được trở thành thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an LHQ, và cũng yêu cầu cần thêm ghế thành viên cho các quốc gia đang phát triển khác.

Tuy nhiên, lời lẽ trong tuyên bố chung G20 khá mơ hồ về việc mở rộng số thành viên và thành viên thường trực Hội đồng Bảo an. Tuyên bố chung kêu gọi “một chủ nghĩa đa phương được tạo thêm sinh khí và hòa hợp hơn” sẽ “biến tổ chức quản trị toàn cầu này mang tính đại diện hơn”.

Hội nghị thượng đỉnh G20 trong năm 2024 và 2025 sẽ được tổ chức lần lượt tại Brazil và Nam Phi, hai thành viên của khối BRICS.

Hải Đăng (Theo RT)