Một thành viên quốc hội Na Uy đã đề xuất trao Giải Nobel Hòa bình cho Tỷ phú Elon Musk, lập luận rằng doanh nhân người Mỹ gốc Nam Phi này đã bảo vệ quyền tự do ngôn luận khi mua lại Twitter, đồng thời cung cấp thiết bị liên lạc qua vệ tinh cho quân đội Ukraine trong cuộc chiến chống lại Nga.

Trong đề cử của mình được đưa ra hôm thứ Ba (20/2), Nghị sĩ Marius Nilsen của Đảng Tiến bộ ca ngợi rằng Tỷ phú Musk xứng đáng nhận giải thưởng vì đã “kiên quyết bảo vệ việc đối thoại, quyền tự do ngôn luận cũng như khả năng trình bày quan điểm của một người” trong một thế giới mà ông mô tả là “tiếp tục phân cực nhiều hơn.

Nghị sĩ Nilsen nhấn mạnh: “Những phòng vang [những người từ chối ý kiến trái chiều] và những người ba phải không mang lại những ý tưởng và sự hợp tác tốt nhất, mà mang lại sự suy tàn và thoái lùi. Những quan điểm, ý kiến và quá trình suy nghĩ bổ trợ mở ra những ý tưởng tốt nhất.

Ông cũng lưu ý việc Ukraine sử dụng Starlink, hệ thống liên lạc qua vệ tinh do công ty SpaceX của Tỷ phú Musk vận hành, để “liên lạc, phối hợp và chống lại cuộc tấn công của Nga.

Trước đây được biết đến nhiều nhất với vai trò người đứng đầu hãng xe điện Tesla và chủ sở hữu của SpaceX, Tỷ phú Musk đã mua lại Twitter vào tháng 10/2022, sau đó đổi tên thành X, với lý do mạng xã hội khổng lồ này có thiên hướng kiểm duyệt những người cánh hữu. Kể từ đó, ông đã sa thải phần lớn nhân viên của công ty và dỡ bỏ lệnh cấm đối nhiều tài khoản bị bịt miệng trước đây, mặc dù không phải tất cả. Một trong số đó là tài khoản cá nhân của cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump, vốn đã bị kiểm duyệt khi ông vẫn còn là tổng thống Mỹ đương nhiệm.

Trong đề cử của mình, Nghị sĩ Nilsen khen ngợi: “Vô số công ty công nghệ mà [Tỷ phú] Musk sáng lập, sở hữu hoặc điều hành, đều nhằm mục đích cải thiện xã hội, nâng cao kiến thức về trái đất và không gian, ngoài ra còn tạo điều kiện cho việc liên lạc và kết nối toàn cầu… đã giúp thế giới trở thành một nơi kết nối hơn và an toàn hơn.

Những người đoạt giải Nobel Hòa bình sẽ được công bố vào tháng Mười. Sự cạnh tranh năm nay đặc biệt khốc liệt, bao gồm cựu Tổng thống Trump, nhà xuất bản WikiLeaks Julian Assange, Giáo hoàng Francis, Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres, nhà báo Palestine Hind Khoudary, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg, Tổng thống Colombia Gustavo Petro, cũng như nhiều tổ chức phi chính phủ khác.

Giải thưởng năm ngoái đã được trao cho nhà hoạt động người Iran Narges Mohammadi “vì cuộc đấu tranh của bà chống lại sự áp bức phụ nữ ở Iran cũng như cuộc đấu tranh của bà nhằm thúc đẩy nhân quyền và tự do cho tất cả mọi người”. Năm 2022, giải thưởng đã được chia cho các tổ chức nhân quyền và các nhà hoạt động đến từ Belarus, Ukraine và Nga.

Gia Huy (Theo RT)