Một quan chức cấp cao của bộ quốc phòng Ukraine thông qua bài viết đánh dấu cột mốc 500 ngày chiến tranh với Nga hôm thứ Bảy (8/7) đã gián tiếp xác nhận Kyiv chịu trách nhiệm vụ tấn công cầu Crimea vào tháng 10/2022.

Đây là lần đầu tiên giới chức Ukraine thừa nhận vụ tấn công vào cầu Crimea. Trước đó, Nga nhiều lần tuyên bố rằng cuộc tấn công vào cây cầu do họ kiểm soát là do người Ukraine tiến hành, nhưng các quan chức tại Kyiv trước ngày 8/7 chưa bao giờ trực tiếp thừa nhận trách nhiệm.

Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Ukraine Anna Maliar hôm thứ Bảy (8/7) đã đăng lên Telegram bài viết tưởng niệm 500 ngày bắt đầu cuộc chiến tranh chống Nga xâm lược, vạch ra nhiều thành tựu Kyiv đạt được.

Bà Maliar viết rằng cầu Crimea bắc qua Eo biển Kerch đã bị nhắm mục tiêu để ngăn chặn các tuyến đường tiếp vận của Moscow. Bà nhấn mạnh rằng thứ Bảy (8/7) đánh dấu 273 ngày kể từ “cuộc tấn công đầu tiên” vào cầu Crimea để “phá vỡ tuyến tiếp vận của người Nga”.

Cầu Crimea đã bị phá hủy một phần do một vụ đánh bom bằng xe tải vào tháng 10/2022. Vụ tấn công cũng khiến một số người thiệt mạng.

Phía Nga thời điểm đó đã lên án vụ việc là “tấn công khủng bố” do cơ quan mật vụ Ukraine chủ mưu. Moscow đáp trả bằng việc tăng cường không kích vào cơ sở hạ tầng năng lượng và quân sự của Kyiv, theo Business Insider.

Sau vụ đánh bom đó, các quan chức tại Kyiv đã bày tỏ vui mừng, nhưng không lên tiếng chịu trách nhiệm.

Theo RT, Tổng thống Zelensky khi đó tuyên bố rằng: “Chúng tôi chắc chắn không ra lệnh làm việc đó, theo tôi biết”.

Ông Mykhailo Podolyak, cố vấn của Tổng thống Zelensky, sau vụ đánh bom đã viết trên Twitter: “Mọi thứ bất hợp pháp phải bị phá hủy, mọi thứ đánh cắp phải được trả lại Ukraine, mọi thứ chiếm đóng bởi Nga phải bị xua đuổi”.

Ngay sau vụ việc, một số tờ báo phương Tây cũng đã đưa tin dẫn theo các nguồn tin ẩn danh cho biết Kyiv thực sự đứng sau vụ đánh bom xe trên cầu Crimea.

Theo RT, vào cuối tháng Năm, tức 8 tháng sau vụ đánh bom, ông Vasily Malyuk – lãnh đạo Cơ quan An ninh Ukraine, đã ám chỉ về vai trò của Kyiv trong vụ tấn công đó, nói rằng: “Vì đây là tuyến đường tiếp vận nên phải bị chia cắt, các biện pháp nhất định đã được thực hiện”.

Giao thông đường bộ qua cầu Crimea chỉ được khôi phục hoàn toàn vào tháng 2/2023 và tuyến đường sắt qua cầu hoạt động trở lại vào tháng 5/2023, theo Moscow Times.

Hải Đăng