Bộ Lao động thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) dự kiến có khoảng 3,4 triệu lao động cần được hỗ trợ tiền thuê trọ. Song, sau 3 tháng triển khai gói an sinh 6.600 tỷ đồng, mới chỉ 402.600 người được ngành bảo hiểm xác nhận hồ sơ để nhận tiền.

ho tro tien nha tro cong nhan 1
Một công nhân đun nấu ngoài cửa phòng trọ ở Long An, tháng 4/2022. (Ảnh: baolongan.vn)

Chiều 28/6, Bảo hiểm Xã hội (BHXH) Việt Nam cho hay đã xác nhận 402.600 lao động đang tham gia BHXH trong tổng số 407.100 hồ sơ nộp lên đủ điều kiện nhận hỗ trợ tiền thuê nhà trọ.

Đây là những người đóng BHXH bắt buộc tại tháng liền kề trước thời điểm doanh nghiệp lập danh sách đề nghị hỗ trợ.

Trong đó, hơn 393.700 người đang làm việc tại 9.657 doanh nghiệp tại 50 tỉnh thành nhận mức hỗ trợ 500.000 đồng/tháng, thời gian hỗ trợ tối đa 3 tháng. Hơn 8.800 lao động còn lại là người quay lại thị trường, làm việc trong 1.271 doanh nghiệp tại 32 tỉnh thành nhận hỗ trợ 1 triệu đồng/tháng, hỗ trợ tối đa 3 tháng.

Tại buổi họp báo công bố về Quyết định số 08 của Thủ tướng, thực hiện chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động diễn ra vào ngày 30/3, ông Vũ Trọng Bình – Cục trưởng Cục Việc làm (Bộ LĐ-TB&XH) cho hay Bộ LĐ-TB&XH ước tính có khoảng 3,4 triệu lao động sẽ nhận hỗ trợ tiền thuê nhà.

Với con số 402.600 lao động được xác nhận hồ sơ nhận hỗ trợ, tỷ lệ người được nhận chỉ đạt gần 12% sau 3 tháng triển khai, gói an sinh 6.600 tỷ đồng đang giải ngân rất chậm. Ngày 15/8 là thời hạn cuối cùng cấp quận, huyện tiếp nhận hồ sơ do doanh nghiệp tổng hợp gửi đến để người lao động nhận tiền hỗ trợ.

Tại cuộc họp báo Chính phủ chiều 4/6, Bộ LĐ-TB&XH bị chất vấn về tình trạng gói hỗ trợ tiền thuê nhà giải ngân chậm, khi từ 1/4/2022 đến nay chỉ 11.000 người trên 3,4 triệu lao động được nhận hỗ trợ (ngày 15/8 là hết hạn).

Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Thị Hà cho biết việc chậm trễ là do một số địa phương chậm triển khai, có nơi đến cuối tháng 5/2022 mới ban hành kế hoạch thực hiện; do cán bộ địa phương gặp lúng túng trong hướng dẫn doanh nghiệp; một số doanh nghiệp e ngại bị liên lụy khi người lao động trục lợi chính sách nên tự ý phát sinh quy định, đòi người lao động cung cấp giấy tạm trú, hợp đồng thuê nhà, làm chậm tiến độ phê duyệt hồ sơ (thủ tục chỉ cần đơn theo mẫu có xác nhận thuê trọ của chủ nhà);

Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp có số lao động làm gộp hồ sơ một lần cho 2, 3 tháng nên huyện nhận được rất ít đề xuất; một số tỉnh chưa bố trí kịp ngân sách nên phải chờ trung ương phân bổ kinh phí…

Bà Hà cho biết Bộ LĐ-TB&XH đã gửi văn bản tới UBND các tỉnh, thành phố yêu cầu đẩy nhanh tiến độ hoàn thành vào tháng 8/2022.

2,2 triệu lao động phải tháo chạy

Tại cuộc họp báo ngày 30/3 của Bộ LĐ-TB&XH, Cục trưởng Vũ Trọng Bình cho hay theo thống kê của Cục Việc làm, năm 2020, Việt Nam có 32,1 triệu người từ 15 tuổi trở lên bị ảnh hưởng tiêu cực bởi đại dịch COVID-19 (viêm phổi Vũ Hán), bao gồm người bị mất việc làm, phải nghỉ giãn việc/nghỉ luân phiên, giảm giờ làm, giảm thu nhập.

Năm 2021 được kỳ vọng phục hồi nhưng thực tế  thị trường lao động còn bị tác động nghiêm trọng hơn. Theo thống kê của Cục này, chỉ trong quý 3 và quý 4/2021, lần lượt có 28,2 triệu và 24,7 triệu lao động bị ảnh hưởng, trong đó 2,3 triệu người bị mất việc; 12,4 triệu người phải tạm nghỉ/tạm ngừng sản xuất kinh doanh; 8,8 triệu người bị cắt giảm giờ làm hoặc buộc phải nghỉ giãn việc, nghỉ luân phiên và 16,9 triệu lao động bị giảm thu nhập. Hầu hết những người bị ảnh hưởng đều nằm trong độ tuổi lao động, trong đó 73,3% là người từ 25-54 tuổi.

Ước tính khoảng 2,2 triệu lao động đã rời bỏ khỏi các tỉnh kinh tế trọng điểm phía Nam về quê trong hai đợt di chuyển lớn xảy ra vào cuối tháng 7, đầu tháng 8/2021 và đầu tháng 10/2021. Điều này gây ra nguy cơ thiếu hụt lao động nghiêm trọng tại các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu vực kinh tế trọng điểm.

Tới ngày 28/3/2022, Chính phủ đưa ra gói an sinh 6.600 tỷ đồng hỗ trợ tiền nhà cho người lao động, mục đích để “giữ chân” người lao động, khuyến khích người lao động trở lại làm việc.

Hai mức hỗ trợ là 500.000 đồng/người và 1 triệu đồng/người, chỉ được hỗ trợ 1 lần trong 1 tháng và không quá 3 tháng; áp dụng với hai nhóm gồm người lao động có hợp đồng lao động, đóng BHXH đang làm việc trong doanh nghiệp và người quay lại làm việc tại khu công nghiệp, chế xuất, khu kinh tế.

Nguyễn Minh