Mạo danh Báo Thanh Niên và bác sĩ Trương Hữu Khanh, nhiều trang Facebook đăng quảng cáo thuốc “đánh bại” bệnh tiểu đường với số bệnh nhân được “cứu” lên đến 96%. Các tài khoản này có để địa chỉ email, website, số điện thoại đầu số nước ngoài. Khi thử liên hệ với các trang này đều không liên lạc được.

bao thanh nien va bac si bi mao danh nham ban thuoc va thuc pham chuc nang
Trang mạng xã hội mạo danh Báo Thanh Niên và bác sĩ Khanh đăng tải thông tin không đúng sự thật. (Ảnh: Chụp màn hình Shahrai Nails/Facebook)

Nhiều trang mạng xã hội gần đây đăng tải thông tin không đúng sự thật, mạo danh Báo Thanh Niên và bác sĩ Trương Hữu Khanh (chuyên gia dịch tễ học, nguyên Trưởng khoa Nhiễm – Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1) để bán thuốc chữa bệnh tiểu đường.

Dùng cả măng sét Báo Thanh niên, hình ảnh bác sĩ Trương Hữu Khanh sau khi đã photoshop, một trang Facebook với tên “Netnebalo” đã đăng kèm thông tin “Cả nước đều bị sốc! Các bác sĩ Việt Nam đã phát minh ra một loại thuốc đánh bại bệnh tiểu đường” hoặc “Thuốc đã cứu 96% bệnh nhân đái tháo đường”. 

Ngoài ra, trang này còn gắn đường link truy cập phía dưới hình ảnh và để dòng nhắn: “Tất cả bệnh nhân tiểu đường cần biết điều này”.

Trong đường link này có một bài viết về chế độ ăn cho người tiểu đường type 2 và một số câu hỏi liên quan đến bệnh tiểu đường.

Cùng với đó, một vài tài khoản Facebook cá nhân để lại bình luận có nội dung bày tỏ sự vui mừng sau khi đọc thông tin này. Tuy nhiên, sau khi tương tác tìm hiểu thì đây đều là các nick Facebook ảo, không có tương tác trên trang cá nhân và khi liên lạc sẽ không có sự phản hồi.

Trang mạo danh này viết ở phần giới thiệu, đây là  trang sức khỏe và sắc đẹp với 31 lượt thích và 35 người theo dõi. Tuy nhiên, khi người dùng nhấn vào phần tin nhắn trên trang, đặt những câu hỏi tự động thì không được phản hồi.

Tài khoản này có để địa chỉ email, website, số điện thoại đầu số nước ngoài. Khi thử liên hệ với những địa chỉ trên đều không liên lạc được.

Trường hợp tương tự, một trang Facebook có tên “Shahrai Nails” với 29 lượt thích và 30 người theo dõi cũng đăng tải những hình ảnh giả mạo trên,  giới thiệu là trang “sức khỏe – sắc đẹp” và thường xuyên đăng các bài viết liên quan đến làm đẹp. Các bài đăng hầu như không có lượt tương tác like, yêu thích trên mạng xã hội.

Hành động giả mạo trên là trái quy định của pháp luật, gây ảnh hưởng tới uy tín của Báo Thanh Niên và bác sĩ Khanh, dễ khiến người dân bị lợi dụng. Mặc dù lượng tương tác không quá nhiều nhưng hành vi mạo danh này khiến nhiều người vô cùng bức xúc.

Bác sĩ Khanh chia sẻ đây không phải là lần đầu tiên BS Khanh bị lấy hình ảnh mạo danh để bán thuốc chữa bệnh. Trước đây BS Khanh đã từng bị lấy hình ảnh để quảng cáo thuốc tăng chiều cao, cân nặng. Thời điểm đó, việc bị mạo danh được đăng tải trên các trang YouTube, giờ lại lấy hình ảnh gán ghép trên Báo Thanh Niên, chiêu trò tinh vi hơn khiến người khác dễ hiểu nhầm.

Thời gian qua đã có rất nhiều người nhắn tin, gọi điện thậm chí là mua thuốc vì nhầm tưởng BS Khanh là người bán thuốc, thuốc được BS Khanh phát minh hoặc là người kiểm chứng,… Nhiều người đã gọi điện hỏi “đây có phải là thuốc của BS Khanh không?”.

Việc đăng tải hình ảnh và thông tin như vậy khiến những người dân cả tin dễ bị sa bẫy, mua các loại thuốc dởm. Chắc chắn những loại thuốc đó không tốt, người dân mua sẽ bị tiền mất tật mang.

Bác sĩ cũng khẳng định không bao giờ quảng cáo các loại thuốc tràn lan trên mạng xã hội như thế, hình ảnh và thông tin về việc tìm ra loại thuốc chữa bệnh tiểu đường là giả mạo, sai sự thật, khiến người dân dễ bị hiểu nhầm.

Vị bác sĩ cũng khuyến cáo người dân cần nâng cao cảnh giác, cẩn thận khi mua những loại thuốc không phải của bác sĩ chuyên khoa. Việc mạo danh trên mạng xã hội thời gian gần đây xảy ra rất nhiều nên trước khi mua, người dân cần hỏi lại bác sĩ có chuyên môn để tránh mua nhầm các loại thuốc không rõ nguồn gốc, hết hạn, thuốc giả.

Thạch Lam