Một ngày sau khi bị đề nghị tuyên tử hình, gia đình bị cáo Phạm Trung Kiên đã nộp thêm 8 tỷ đồng để khắc phục hậu quả.

cuu thu ky bo y te
Các bị cáo Tô Anh Dũng, Phạm Trung Kiên và Vũ Anh Tuấn (từ trái qua). (Ảnh: bocongan.gov.vn)

Sáng nay 18/7, phiên toà xét xử cựu Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Tô Anh Dũng cùng 53 bị cáo trong vụ án Chuyến bay giải cứu tiếp tục với phần tranh tụng.

Tại phiên tòa, luật sư của bị cáo Phạm Trung Kiên (cựu Thư ký Thứ trưởng Bộ Y tế) cho biết sáng cùng ngày, vợ bị cáo Kiên đã nộp thêm 8 tỷ đồng để khắc phục cho hành vi của Kiên.

Cùng với đó, gia đình đã có đơn gửi Hội đồng xét xử về căn hộ ở Khu đô thị Royal City (Hà Nội) thế chấp, mong muốn được phát mại để bồi thường.

Trước khi VKSND công bố bản luận tội, trong số hơn 42,6 tỷ đồng nhận hối lộ, bị cáo Kiên đã trả lại các doanh nghiệp khoảng 12 tỷ đồng. Gia đình bị cáo nộp thêm 15 tỷ đồng để khắc phục hậu quả. Như vậy, bị cáo và gia đình bị cáo đã hoàn lại 35 tỷ đồng trong tổng số tiền hơn 42,6 tỷ đồng nhận hối lộ.

Về tình tiết giảm nhẹ, luật sư cho biết bị cáo Kiên có thái độ thành khẩn, nhận thức được hành vi phạm tội. Trong quá trình công tác, bị cáo Kiên nhận nhiều bằng khen, đặc biệt trong khoảng thời gian chống dịch đã được Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen, giấy khen. Người bào chữa cho cựu thư ký Thứ trưởng mong muốn Hội đồng xét xử xem xét thêm tình tiết Kiên tự thú.

Trước đó, trong bản luận tội, cơ quan công tố cáo buộc, bị cáo Phạm Trung Kiên được Bộ Y tế giao nhiệm vụ là thư ký, trực tiếp giúp việc cho Thứ trưởng Bộ Y tế.

Lợi dụng chức vụ quyền hạn được giao trong việc trình Thứ trưởng Bộ Y tế ký văn bản trả lời Bộ Ngoại giao về việc cấp phép chuyến bay, bị cáo Kiên đã gây khó khăn cho đại diện các doanh nghiệp tham gia chuyến bay combo và các doanh nghiệp xin cho công nhân, người lao động về nước phải chi cho Kiên theo mức tiền mà bị cáo Kiên yêu cầu để được Bộ Y tế đồng ý xét duyệt các chuyến bay theo đề nghị của Bộ Ngoại giao.

Trong vụ án này, bị cáo nhận hối lộ với số lần nhiều nhất, với tổng số tiền nhiều nhất và thủ đoạn cũng trắng trợn nhất trong số các bị cáo với 253 lần nhận hối lộ, với tổng số tiền là hơn 42 tỷ đồng.

Khi vụ án bị khởi tố, để che giấu hành vi phạm tội của mình, bị cáo Kiên đã chuyển khoản trả lại cho các doanh nghiệp và cá nhân đưa hối lộ số tiền hơn 12 tỷ đồng; đồng thời nhờ các doanh nghiệp khai báo với cơ quan chức năng số tiền chuyển cho bị cáo là tiền vay mượn cá nhân. Do vậy, đối với bị cáo Kiên, VKS đề nghị phải áp dụng mức hình phạt nghiêm khắc nhất dành cho bị cáo.

Tự bào chữa trước tòa, bị cáo Phạm Trung Kiên thừa nhận hành vi phạm tội như cáo trạng quy kết, và cho biết rất ăn năn, hối hận.

Bị cáo Kiên tiếp tục khẳng định không gây khó khăn cho doanh nghiệp trong quá trình xét duyệt các chuyến bay đưa công dân về nước, cũng không ép buộc doanh nghiệp phải chi tiền cho mình thì mới được cấp phép chuyến bay.

Bị cáo Kiên cho rằng các doanh nghiệp đều chi tiền cho mình sau khi đã được Bộ Y tế phê duyệt chuyến bay, chứ trước đó bị cáo không gợi ý hay quát tháo, ép buộc gì.

“Thời điểm phạm tội là khi dịch COVID-19 đang diễn ra, bị cáo thường xuyên tháp tùng thứ trưởng đi công tác ở các điểm dịch, bị cuốn vào guồng công việc, không nhận thức được hành vi của bản thân. Bị cáo đã tác động đến gia đình, gia đình bị cáo cũng đồng ý sẽ tích cực khắc phục hậu quả, sẽ nộp triệt để 100% số tiền đã nhận…”, bị cáo Kiên nói rồi bật khóc, mong được hội đồng xét xử cho hưởng khoan hồng, được hưởng mức án tù (thay vì tử hình như đề nghị của đại diện viện kiểm sát).

Luật sư đề nghị đổi tội danh

Luật sư Hà Mạnh Huy, người bào chữa cho bị cáo Kiên cho rằng cần làm rõ rằng hành vi của bị cáo Kiên chỉ xảy ra trong giai đoạn cấp phép chuyến bay có trả phí, chuyến bay khách lẻ, tức là chuyến bay có tính chất lợi nhuận, không phải là các chuyến bay mà Chính phủ giải cứu công dân.

Về tội danh, bị cáo Kiên không phải là người có chức vụ, thẩm quyền tham mưu, đề xuất, thẩm định, trình, duyệt cấp phép chuyến bay, mà chỉ là chuyên viên Vụ Trang thiết bị y tế, được biệt phái sang giúp việc cho Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên.

Bị cáo Kiên không có văn bản phân công, bổ nhiệm, không có phân công công việc cụ thể, trong tổ chức của Bộ Y tế cũng không có chức danh Thư ký Thứ trưởng.

Khi ông Tuyên được phân công tham gia Tổ 5 bộ cũng không có văn bản phân công cho bị cáo Kiên làm gì trong khi giúp việc cho ông Tuyên.

Khi chấm dứt công việc giúp việc, bị cáo không có văn bản, quyết định, chỉ nhận được thông báo miệng không làm nữa. Suốt quá trình này, bị cáo Kiên vẫn hưởng lương chuyên viên.

Ở Bộ Y tế, việc xử lý các văn bản đến qua nhiều khâu, bị cáo Kiên chỉ nhận văn bản và chuyển đến ông Tuyên. Dự thảo văn bản trả lời bị cáo Kiên không tham gia. Trên thực tế, các văn bản đề nghị cấp phép mà Bộ Ngoại giao chuyển sang 100% Bộ Y tế đều đồng ý, không có văn bản nào từ chối và trả lời trong thời hạn 3-4 ngày.

Như vậy, bị cáo Kiên không phải là người quyết định việc trả lời văn bản, vì còn phụ thuộc vào nhiều khâu.

Trên lập luận này, luật sư Huy cho rằng hành vi của bị cáo Kiên không cấu thành tội Nhận hối lộ mà chỉ là phạm tội Lợi dụng ảnh hưởng của người có chức vụ quyền hạn để trục lợi quy định tại Điều 366, Bộ luật hình sự.

Phạm Toàn