Trong quá trình thi công công trình xây dựng, tu bổ, tôn tạo và phát huy giá trị di tích Tháp Bánh Ít gần 1.000 năm tuổi, chủ đầu tư là Sở Văn hóa và Thể thao Bình Định và nhà thầu thi công đã đưa xe cơ giới, trong đó có máy đào múc thi công tại khu vực xung quanh Tháp Chính, là sai với hồ sơ thiết kế được thẩm định.

thap banh it 2
Tháp Bánh Ít nhìn từ xa. (Ảnh: CTV/Trí thức VN)

Tháp Bánh Ít nằm trên địa phận xã Phước Hiệp, huyện Tuy Phước, là quần thể tháp lớn với bốn công trình kiến trúc cổ được xây dựng từ cuối thế kỷ XI đầu thế kỷ XII, mang đậm dấu ấn văn hóa Chăm trên đất Bình Định.

Tháp Bánh Ít là quần thể đền tháp có số lượng nhiều nhất hiện còn ở Bình Định gồm 4 tháp: Tháp Cổng, Tháp Hỏa, Tháp Bia và Tháp Chính.

Căn cứ những dấu tích còn lại cho thấy, trước đây số lượng kiến trúc nhiều hơn, tạo thành một trung tâm tôn giáo hoàn chỉnh ở trung tâm của 3 thành cổ: thành Thị Nại, thành Cha, thành Đồ Bàn.

Cụm tháp được xếp hạng di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia vào năm 1982 và là công trình kiến trúc cổ của Việt Nam lọt vào cuốn sách “1.001 công trình kiến trúc phải đến trong cuộc đời” của nhóm tác giả người Anh.

thap banh it 1
Di tích Tháp Bánh Ít được xếp hạng cấp quốc gia vào ngày 24/12/1982. (Ảnh: CTV/Trí thức VN)

Theo Quyết định số 3626/QĐ-UBND ngày 1/9/2021 của UBND tỉnh Bình Định về phê duyệt chủ trương đầu tư dự án xây dựng, tu bổ, tôn tạo và phát huy giá trị di tích Tháp Bánh Ít, dự án do Sở Văn hóa và Thể thao làm chủ đầu tư với tổng kinh phí xây dựng là hơn 25,6 tỷ đồng.

Đây là dự án nhóm C, vốn ngân sách nhà nước do tỉnh quản lý bố trí cho dự án trong giai đoạn 2021 – 2025, thời gian thực hiện từ năm 2021 – 2022.

Công trình gồm có nhà thầu tư vấn thiết kế và giám sát là liên danh Công ty cổ phần đầu tư và xây dựng Nguyên Phú và Công ty phát triển công nghệ Việt Long và Công ty TNHH công trình văn hóa Tiên Long. Nhà thầu thi công là liên danh Công ty TNHH xây dựng-tổng hợp Hiếu Ngọc, Công ty TNHH xây dựng Thành Lộc và Công ty TNHH Hùng Phát.

Tháng 12/2021, công trình chính thức khởi công. Dự án này có một số hạng mục được đầu tư xây dựng bằng bê tông, lát đá và xây gạch.

Cụ thể, đường nội bộ (phía Tây Nam) sẽ được xây dựng hoàn thiện bằng bê tông, lát đá có chít mạch hồ kéo dài liên tục qua đoạn cổng chính; bãi đậu xe có diện tích gần 1.200m2 được xây dựng bằng bê tông đá; sân trước khu nhà chức năng với diện tích trên 500m2 được xây dựng mới bằng bê tông; khuôn viên phía trước và dưới Tháp Chính, khuôn viên dưới chân Tháp Nam, khuôn viên dưới chân Tháp Cổng được lát đá ong.

Ngoài ra, hai bên dọc theo tuyến đường và tuyến bậc cấp chính được trồng hoa giấy. Tán cây toàn khu vực tháp với diện tích khoảng 45.500m2 cũng được phát quang, hạ thấp.

dao xoi thap banh it
Chủ đầu tư cho máy múc đào bới để tu bổ Tháp Bánh Ít. (Ảnh: sggp.org.vn)

Đáng chú ý, theo hồ sơ thiết kế được thẩm định, trong quá trình thi công, chủ đầu tư và nhà thầu thi công phải dùng phương pháp thủ công và máy đầm đất cầm tay, nhưng các đơn vị thi công đã đưa phương tiện cơ giới, trong đó có máy đào múc thi công tại khu vực xung quanh Tháp Chính.

Sau khi phát hiện sai phạm, Đội Thanh tra xây dựng số 3 thuộc Sở Xây dựng Bình Định đã lập biên bản vào ngày 4/3, ghi rõ: “Đề nghị chủ đầu tư và các đơn vị liên quan ngừng ngay việc thi công san gạt sân phía trước Tháp Chính và khuôn viên Tháp Chính bằng máy cơ giới và đưa thiết bị máy móc ra khỏi khu vực thi công”.

Tuy nhiên, báo Tài Nguyên và Môi trường cho hay mặc dù Đội Thanh tra xây dựng số 3 đã yêu cầu tạm ngừng thi công, nhưng ngày 8/3 trong khu vực công trình, nhà thầu vẫn cho thi công bình thường. Hiện trường là những viên đá cổ bị băm nát, nằm ngổn ngang, chân các tháp bị hổng do quá trình đào đất, san gạt…

Đoàn làm phim ‘tự ý bôi trát’ lên giếng cổ thuộc làng cổ Đường Lâm chỉ để… làm phim hài Tết

Cần truy cứu trách nhiệm chủ đầu tư là Sở Văn hóa và Thể thao Bình Định

Báo Sài Gòn Giải Phóng dẫn lời ông Đinh Bá Hòa, nguyên Giám đốc Bảo tàng Bình Định, bức xúc nói việc huy động máy móc, phương tiện cơ giới thi công, san gạt ở khu vực Tháp Bánh Ít là sai hoàn toàn. “Đây đúng hơn là hành vi phá hoại di tích”.

Theo ông Hòa, trong Luật di sản đã quy định rõ trong di tích những vùng nào cần bảo vệ nghiêm ngặt, bất khả xâm phạm, những vùng nào có thể điều chỉnh. Trước đây, đơn vị chức năng nghiên cứu, xây dựng hồ sơ di tích đã quy định Tháp Bánh Ít là cụm tháp chỉ có một vòng bảo vệ nghiêm ngặt, không có phạm vi điều chỉnh. Vì vậy, để doanh nghiệp, đơn vị thi công huy động máy móc xâm hại tháp như vậy là “cần truy cứu trách nhiệm chủ đầu tư là Sở Văn hóa Thể thao tỉnh Bình Định”.

Ông Hòa đặt câu hỏi “tại sao đối với công trình di tích tháp Chăm gần 1.000 năm tuổi, công trình kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia mà trong thi công lại không hề có sự tham gia, giám sát của các chuyên gia di sản, chuyên gia khảo cổ học? Mọi chuyện cứ để doanh nghiệp, công nhân họ đưa máy móc, cơ giới san bạt, đào xúc như thế rất vô lý?”

chan thap banh it bi hong
Chân Tháp Cổng có dấu hiệu đào múc, hổng một vài vị trí. (Ảnh: sggp.org.vn)

Theo ông Hòa, di tích trường tồn cả ngàn năm nay không thể vì một giai đoạn ngắn ngủi mà chúng ta xâm hại thiếu tính toán như vậy được. “Những thứ chúng ta làm nếu sai hôm nay thì không bao giờ cứu vãn được. Một tháp Chăm cổ gần 1.000 năm thì không thể đầu tư ồ ạt, phản cảm như vậy được. Nó cần được thực hiện thủ công, các chuyên gia di sản sẽ giám sát, can thiệp để cân đo đong đếm từng vị trí, hòn đá cuội, bậc cấp cũ, cây bụi…”, ông Hòa nói.

ĐCSTQ đã hủy hoại những gì trong Đại cách mạng văn hóa?

Cục Di sản văn hóa lên tiếng

thap banh it 4
Tháp Bánh Ít thời điểm chưa tu bổ, chụp năm 2017. (Ảnh: CTV/Trí Thức VN)

Hôm 9/3, bà Lê Thị Thu Hiền, Cục trưởng Cục Di sản văn hóa (Bộ VH-TT&DL) cho biết Cục đã có văn bản gửi Sở Văn hóa Thể thao tỉnh Bình Định liên quan đến việc thi công tu bổ, tôn tạo Di tích Tháp Bánh Ít.

Theo Cục Di sản Văn hóa, đơn vị đã nhận được thông tin phản ánh về việc thi công tu bổ, tôn tạo và phát huy giá trị di tích Tháp Bánh Ít có sử dụng xe cơ giới để san gạt mặt bằng; một số vị trí thi công chưa đảm bảo nội dung đã được Bộ VH-TT&DL và Cục Di sản Văn hóa thẩm định, thỏa thuận.

Về việc này, Cục Di sản văn hóa đề nghị Sở Văn hóa Thể thao tỉnh Bình Định kiểm tra thực tế, yêu cầu các cơ quan liên quan khẩn trương có giải pháp bảo vệ di tích; căn cứ nội dung dự án đã được thẩm định, thỏa thuận để rà soát các biện pháp thi công đảm bảo không ảnh hưởng đến di tích gốc và cảnh quan, môi trường – sinh thái của di tích. Kết quả gửi báo cáo về Bộ VH-TT&DL (qua Cục Di sản văn hóa) trước ngày 11/3/2022.

Hoàng Minh