Bộ Công an đề xuất quy định khi chuyển nhượng xe, người trúng đấu giá được quyền giữ lại biển số để đăng ký cho xe khác thuộc sở hữu. Hình thức này được Bộ Công an gọi là ‘biển số đi theo người’.

dau gia bien so xe oto 2
Ông Trần Hữu T. (SN 1971, trú tại Nghệ An) bấm được biển số xe “ngũ 9” vào ngày 15/4. Ông T. được cho là đã bán xe (kèm biển số) với giá 1,6 tỷ đồng. (Ảnh: Facebook)

Quy định trên đang được đưa vào dự thảo “Nghị quyết của Quốc hội về việc thí điểm cấp quyền lựa chọn sử dụng biển số ôtô thông qua đấu giá”. dự thảo do Bộ Công an hoàn thiện, đang được đưa ra lấy ý kiến đóng góp trong 2 tháng kể từ ngày 22/4.

Phạm vi điều chỉnh của dự thảo Nghị quyết này là quy định thí điểm việc cấp quyền lựa chọn theo nhu cầu sử dụng biển số ôtô thông qua đấu giá, bao gồm: giá khởi điểm của biển số đưa ra đấu giá; trường hợp bán cho người duy nhất tham gia đấu giá; quyền và nghĩa vụ của cơ quan, tổ chức, cá nhân trúng đấu giá (sau đây gọi tắt là người trúng đấu giá); sử dụng nguồn thu từ đấu giá biển số.

Bộ Công an quy định biển số được lựa chọn đấu giá là biển số ô tô nền màu trắng, chữ và số màu đen trong kho biển số chưa được đăng ký mà Cơ quan đăng ký dự kiến cấp mới theo từng tháng, quý, 6 tháng hoặc 1 năm. Việc đấu giá biển số không áp dụng với xe mua sắm từ ngân sách Nhà nước, xe của Quân đội sử dụng vào mục đích quốc phòng, xe của doanh nghiệp Quân đội làm kinh tế, xe của tổ chức doanh nghiệp nước ngoài, cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan đại diện của tổ chức quốc tế và người nước ngoài làm việc trong cơ quan, tổ chức đó hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam.

Giá khởi điểm của biển số đấu giá: Nhân theo mức lệ phí đăng ký 

Tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân được tham gia cuộc đấu giá biển số của địa phương nơi đóng trụ sở (đối với tổ chức, doanh nghiệp) hoặc nơi đăng ký thường trú (đối với cá nhân).

Cơ quan tổ chức đấu giá là Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức đấu giá biển số theo phân cấp đăng ký quản lý phương tiện. Về hình thức đấu giá, Bộ Công an giao Công an cấp tỉnh ký hợp đồng thuê Tổ chức đấu giá tài sản có Trang thông tin điện tử đấu giá trực tuyến để tổ chức đấu giá trực tuyến.

Đáng lưu ý, việc xác định giá khởi điểm được chia thành 2 vùng, với mức giá khác nhau:

  • Vùng 1 (Hà Nội, TP.HCM): Giá khởi điểm bằng 2 lần mức lệ phí đăng ký cao nhất đang áp dụng tại địa phương
  • Vùng 2 (các địa phương còn lại): Giá khởi điểm bằng 10 lần mức lệ phí đăng ký cao nhất đang áp dụng tại địa phương

Tại Báo cáo Tổng kết công tác đăng ký, quản lý phương tiện giao thông cơ giới đường bộ đăng kèm dự thảo, Bộ Công an cho hay số tiền thu được từ lệ phí cấp biển số xe là khoảng 3.600 tỷ đồng mỗi năm.

‘Biển số đi theo người’

Theo dự thảo của Bộ Công an, người trúng đấu giá có quyền được ký hợp đồng với cơ quan tổ chức đấu giá để xác lập quyền đối với biển số trúng đấu giá; được sử dụng biển số trúng đấu giá; khi chuyển nhượng xe, người trúng đấu giá được quyền giữ lại biển số để đăng ký cho xe khác thuộc sở hữu (‘biển số đi theo người’).

Theo Bộ Công an, việc chuyển đổi từ ‘biển số đi theo xe’ sang ‘biển số đi theo người’ sẽ rất thuận lợi cho việc xác định chủ xe là ai, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, với hệ thống đăng ký, quản lý điện tử của lực lượng CSGT…

Khi thay đổi địa chỉ nơi thường trú khác tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, người trúng đấu giá không phải nộp lại biển số trúng đấu giá.

Biển số trúng đấu giá chỉ được cấp cho người đã đăng ký tham gia đấu giá và trúng đấu giá.

Biển số trúng đấu giá được Cơ quan đăng ký quản lý và chỉ cấp khi người trúng đấu giá làm thủ tục đăng ký theo quy định về đăng ký xe (khi chưa làm thủ tục đăng ký, người trúng đấu giá chỉ được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng biển số trúng đấu giá).

Cơ quan đăng ký xe có quyền thu hồi biển số trúng đấu giá khi biển số được sử dụng không đúng quy định, như gắn biển số trúng đấu giá vi phạm pháp luật bị tịch thu…

Với tiền thu được từ đấu giá biển số, sau khi trừ các khoản chi phí tổ chức đấu giá theo quy định, số tiền này sẽ được chia theo tỷ lệ 70% nộp vào ngân sách trung ương, 30% phân bổ cho ngân sách địa phương.

Bộ Công an cho rằng số tiền lệ phí đăng ký số tiền hàng năm là rất lớn, năm 2020, Bộ Công an thu 3.892 tỷ đồng nhưng toàn bộ số tiền này đều nộp vào ngân sách nhà nước. Bộ Công an cho rằng trong khi đó, nguồn chi phí cho việc thu lệ phí đăng ký, cấp biển số theo quy định còn rất thấp.

Tại dự thảo, Bộ Công an cho hay Điều 59 Luật Đấu giá tài sản quy định: việc đấu giá tài sản trong trường hợp chỉ có 1 người đăng ký tham gia đấu giá, 1 người tham gia cuộc đấu giá, 1 người trả giá.

“Trên thực tế, sẽ có nhiều người lựa chọn biển số theo ý thích cá nhân, không phải “biển đẹp”, “số đặc biệt” theo quan niệm của một số người, ví dụ biển số theo ngày tháng năm sinh, ngày kỷ niệm,… những biển số theo sở thích sẽ được nhiều người lựa chọn, bán cho một người duy nhất lựa chọn những biển số đó sẽ mang lại lợi ích cho người dân, nguồn thu cho nhà nước cũng sẽ tăng nhiều hơn” – theo dự thảo Nghị quyết.

Từ đó, Bộ này đề nghị đưa vào Nghị quyết Quốc hội quy định về trường hợp khi đã hết hạn đăng ký tham gia mà chỉ có 1 người đăng ký tham gia đấu giá, 1 người tham gia đấu giá, 1 người trả giá, 1 người chấp nhận giá ít nhất bằng giá khởi điểm khi đấu giá lần đầu.

Bộ Công an: Không được tham gia xét duyệt kiểu dáng phương tiện là một bất cập

Bộ Công an cho biết từ ngày 1/1/2009 đến 1/8/2021, Việt Nam có 5 triệu xe ô tô và 74 triệu xe mô tô đăng ký mới. Mỗi năm số lượng phương tiện đăng ký mới tăng trung bình trên 25% với nhiều chủng loại phương tiện đa dạng khác nhau.

Nhiều trường hợp khi mua bán, điều chuyển, cho tặng xe nhưng không làm thủ tục sang tên; hầu hết chủ phương tiện khi thay đổi tên (Công ty), địa chỉ không làm thủ tục đổi giấy chứng nhận đăng ký xe, gây khó khăn cho việc quản lý phương tiện, đặc biệt về trách nhiệm của chủ xe trong trường hợp phạm tội.

Xe hết niên hạn sử dụng vẫn tham gia giao thông, tỷ lệ bị thu hồi rất ít hoặc nhiều xe không còn tồn tại nhưng vẫn còn tên trong hệ thống đăng ký xe, làm ảnh hưởng đến việc hoạch định chính sách.

Đáng lưu ý, Bộ Công an cho rằng đang có sự bất cập về quản lý giữa các bộ trong việc giải quyết các thủ tục nhập khẩu, trước bạ, đăng ký, kiểm định; điển hình là việc Bộ GTVT chịu trách nhiệm quy định về an toàn giao thông và bảo vệ môi trường đối với phương tiện giao thông, quản lý kiểu dáng xe ô tô sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu, hoán cải phương tiện nhưng Bộ Công an là đơn vị quản lý đăng ký, xử phạt phương tiện tham gia giao thông lại “không được tham gia xét duyệt kiểu dáng sản phẩm mẫu các xe sản xuất lắp ráp, nhập khẩu, hoán cải phương tiện”.

Bộ này cho hay số tiền thu được từ lệ phí cấp biển số xe rất lớn (mỗi năm khoảng 3.600 tỷ đồng) nhưng chưa được trích lại cho lực lượng Cảnh sát giao thông để đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị kỹ thuật…

Nguyễn Quân