Bộ Giao thông vận tải (GTVT) cho rằng việc hoán đổi ngày làm việc để tạo nên đợt nghỉ 5 ngày, thay vì chỉ 2 ngày trong đợt 30/4 – 1/5 năm nay, tạo điều kiện đi du lịch, kéo giãn mật độ phương tiện trên đường, giúp giảm ùn tắc và tai nạn.

cau vang da nang
Cầu Vàng – khu du lịch Bà Nà Hills, một trong những địa điểm du lịch nổi tiếng tại Việt Nam. (Ảnh minh họa: Hien Phung Thu/Shutterstock)

Bộ Nội vụ ngày 5/4 đã có văn bản gửi Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) góp ý về đề xuất hoán đổi ngày làm việc dịp nghỉ lễ 30-4 và 1-5.

Bộ Nội vụ cho hay đồng ý với đề xuất việc hoán đổi ngày làm việc, nghỉ ngày 29/4, làm bù sang một ngày khác, theo phương án mà Bộ LĐ-TB&XH đưa ra, xin ý kiến.

Bộ này thống nhất nội dung dự thảo văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ do Bộ LĐ-TB&XH chuẩn bị.

Bộ Nội vụ đề nghị Bộ LĐ-TB&XH hoàn thiện văn bản, sớm trình Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định, để đảm bảo chủ động trong tổ chức, sắp xếp công việc của hệ thống chính trị, của các cơ quan, tổ chức liên quan và của người dân.

Quản lý lĩnh vực liên quan, Bộ GTVT đồng ý việc hoán đổi ngày làm việc để tạo nên đợt nghỉ 5 ngày, thay vì chỉ 2 ngày theo lịch trong đợt 30/4 – 1/5 năm nay.

Bộ GTVT cho rằng việc hoán đổi ngày làm việc bình thường nhằm tạo điều kiện cho người dân đi du lịch. Đối với vấn đề an toàn giao thông, Bộ GTVT cho rằng việc kéo dài ngày nghỉ sẽ giúp kéo giãn mật độ phương tiện trên đường, nhất là trước và sau dịp nghỉ lễ, giúp giảm ùn tắc và tai nạn, khi người dân được lựa chọn thời gian lưu thông.

VnEconomy chiều 5/4 dẫn ý kiến của ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), rằng việc hoán đổi ngày nghỉ đối với các doanh nghiệp sản xuất rõ ràng sẽ có những ảnh hưởng nhất định. Bởi doanh nghiệp phải điều chỉnh lại các kế hoạch sản xuất kinh doanh, và việc phân công ca kíp để đảm bảo việc làm.

Tuy nhiên, đối với những doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực dịch vụ, du lịch, đây có thể là cơ hội để tạo điều kiện kích cầu tiêu dùng.

Bộ LĐ-TB&XH ngày 4/4 gửi xin ý kiến 15 cơ quan liên quan về việc đề xuất hoán đổi ngày làm việc để đợt nghỉ 30/4 – 1/5 kéo dài 5 ngày theo thông lệ hàng năm, thay vì 2 ngày nghỉ theo lịch năm 2024.

Theo phương án của Bộ LĐ-TB&XH, có ngày 29/4 (thứ Hai) nằm giữa ngày nghỉ cuối tuần và ngày nghỉ 30/4-1/5.

Do đó, Bộ này đề xuất nghỉ ngày làm việc 29/4 và làm bù sang ngày khác để đợt nghỉ 30/4 – 1/5 năm 2024 vẫn có thời lượng 5 ngày liên tục. Trong các năm trước, đợt nghỉ này thường rơi vào cuối tuần nên theo quy tắc nghỉ bù, không cần hoán đổi, vẫn có thời lượng 5 ngày liên tục.

Về lý do kéo dài đợt nghỉ, cơ quan đề xuất cho rằng việc kỳ nghỉ kéo dài 5 ngày góp phần kích cầu du lịch và tiêu dùng xã hội, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Việc hoán đổi này cũng không làm thay đổi quỹ thời gian làm việc của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động.

Nguyễn Sơn