Theo Ủy ban Tư pháp, vẫn còn 60 trường hợp bị oan liên quan đến trách nhiệm của Viện Kiểm sát; 3 trường hợp Viện Kiểm sát truy tố oan dẫn đến tòa án cấp sơ thẩm tuyên không phạm tội; 95 trường hợp truy tố thiếu căn cứ, sai tội danh, sai khung hình phạt.

vksnd toi cao
Ông Lê Minh Trí, Viện trưởng VKSND tối cao. (Ảnh: quochoi.vn)

Ngày 26/10, Quốc hội Việt Nam thảo luận về báo cáo công tác của Chánh án TAND Tối cao, Viện trưởng VKSND Tối cao; các báo cáo của Chính phủ về công tác phòng ngừa, chống tội phạm và vi phạm pháp luật; thi hành án và công tác phòng, chống tham nhũng năm 2020.

Viện trưởng VKSND tối cao: Truy tố đúng tội danh vượt 4,9% chỉ tiêu 

Ông Lê Minh Trí, Viện trưởng VKSND tối cao cho biết chất lượng công tác điều tra, truy tố được nâng lên, vi phạm, sai sót giảm dần. Một số con số thống kê được đưa ra như tỉ lệ bắt, tạm giữ, chuyển xử lý hình sự đạt 98%, tỉ lệ trả hồ sơ để điều tra bổ sung giữa các cơ quan tố tụng giảm 0,57%, tỉ lệ truy tố đúng thời hạn vượt 9,99%, truy tố đúng tội danh vượt 4,9% chỉ tiêu Nghị quyết 96 của QH, tỉ lệ kháng nghị án hình sự cũng vượt chỉ tiêu của Quốc hội.

Ông Trí cho rằng hệ thống kiểm sát đã thực hiện tốt hơn việc chống oan, sai, bỏ lọt tội phạm ngay từ giai đoạn giải quyết nguồn tin về tội phạm. Theo ông Trí, VKSND các cấp đã kiểm sát 100% việc tiếp nhận, giải quyết nguồn tin về tội phạm, ban hành hơn 103.100 văn bản yêu cầu kiểm tra, xác minh.

Kết quả, VKSND đã yêu cầu cơ quan điều tra khởi tố 791 vụ án và hủy 30 quyết định khởi tố vụ án. Đồng thời, VKSND trực tiếp quyết định khởi tố 22 vụ án, hủy 72 quyết định không khởi tố vụ án và 62 quyết định khởi tố vụ án.

Ngành kiểm sát đã không phê chuẩn 717 lệnh, quyết định bắt, tạm giữ, tạm giam và huỷ 716 quyết định tạm giữ thiếu căn cứ, trái phép luật, yêu cầu bắt tạm giam 58 bị can, yêu cầu cơ quan điều tra khởi tố điều tra 816 bị can…

Về hạn chế, ông Trí thừa nhận ngành kiểm sát còn để một số bị can phải đình chỉ do không phạm tội, toà án tuyên bị cáo không phạm tội; tỷ lệ thu hồi tài sản trong các vụ án tham nhũng dù tăng 5,2% nhưng vẫn chưa đạt chỉ tiêu Quốc hội giao.

Ủy ban Tư pháp: Vẫn còn hàng trăm trường hợp bị oan, truy tố thiếu căn cứ, sai tội danh…

Ủy ban Tư pháp cho biết VKSND các cấp đã phát hiện, yêu cầu hủy bỏ 164 quyết định trái pháp luật của Cơ quan điều tra và ban hành 1.315 kiến nghị yêu cầu khắc phục vi phạm; số kiến nghị được chấp nhận, thực hiện đạt tỷ lệ 99,5%, vượt 19,5% so với chỉ tiêu yêu cầu của Quốc hội.

Mặc dù vậy, đối với hoạt động của ngành kiểm sát, cơ quan thẩm tra là Ủy ban Tư pháp của Quốc hội nhận định còn tồn tại nhiều trường hợp bị truy tố oan, vi phạm quy định về chặn bắt, tạm giữ, tạm giam; còn “bỏ lọt” nhiều trường hợp vi phạm trong nhiều lĩnh vực.

“Kết quả phát hiện vi phạm pháp luật và tội phạm trên một số lĩnh vực vẫn chưa tương xứng với tình hình trên thực tế, nhất là vi phạm pháp luật và tội phạm về lĩnh vực tài nguyên môi trường, hàng giả, buôn lậu, gian lận thương mại; tội phạm, vi phạm pháp luật về chức vụ, tham nhũng”, bà Lê Thị Nga, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp nói.

Bà Nga cũng cho rằng tỷ lệ giải quyết tin báo, tố giác về tội phạm giảm 13,3%, chưa đạt chỉ tiêu theo yêu cầu của Quốc hội. Việc áp dụng biện pháp ngăn chặn bắt, tạm giữ, tạm giam còn nhiều vi phạm.

Còn 18 trường hợp cơ quan điều tra phải đình chỉ bị can do không có sự việc phạm tội, hành vi không cấu thành tội phạm hoặc hết thời hạn điều tra không chứng minh được bị can đã thực hiện tội phạm; 60 trường hợp bị oan liên quan đến trách nhiệm của Viện kiểm sát; 3 trường hợp Viện kiểm sát truy tố oan dẫn đến tòa án cấp sơ thẩm tuyên không phạm tội; 95 trường hợp truy tố thiếu căn cứ, sai tội danh, sai khung hình phạt.

Ngoài ra, tỷ lệ giải quyết tin báo, tố giác về tội phạm giảm 13,3%, chưa đạt chỉ tiêu theo yêu cầu của Quốc hội.

“Đáng lưu ý, tỷ lệ giải quyết án rất nghiêm trọng, án đặc biệt nghiêm trọng là 63%, chưa đạt chỉ tiêu Quốc hội giao là trên 90%”, bà Nga nêu.

Sơn Nguyên

Xem thêm: