Bộ Y tế giao các bệnh viện hạng đặc biệt tuyến trung ương như Việt Đức, Bạch Mai, Bệnh viện Trung ương Huế thiết lập khẩn cấp 3 trung tâm hồi sức tích cực tại TP.HCM với khoảng 3.000 giường để điều trị cho các bệnh nhân COVID-19.

covid 19 tphcm 11 1
Với gần 78.000 ca COVID-19 tại TP.HCM, Bộ Y tế lập thêm 3 trung tâm hồi sức tích cực. (Ảnh: HCDC)

Tính đến hết ngày 28/7, TP.HCM có 905 bệnh nhân COVID-19 nặng, rất nặng; 929 ca tử vong

Theo cập nhật từ Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP.HCM (HCDC) vào trưa hôm 29/7, tính hết ngày 28/7, thành phố đã ghi nhận có 77.956 ca nhiễm COVID-19 được Bộ Y tế công bố (chưa tính số ca nhiễm đã công bố sáng ngày 29/7). Trong đó có 77.652 trường hợp nhiễm trong cộng đồng, 304 trường hợp nhập cảnh.

Trong ngày 28/7, có thêm 3.851 bệnh nhân xuất viện, tổng số ca bình phục tính từ khi dịch bệnh bắt đầu là 25.189.

Cũng trong ngày, giới hữu trách phát hiện mới 1 chuỗi lây nhiễm tại khu vực dân cư ở quận 5. Hiện còn 30 chuỗi lây nhiễm đang diễn tiến đã được khoanh vùng, giám sát. Có 14 ổ dịch ổn định, không phát hiện ca nhiễm mới và 8 chuỗi lây nhiễm đã kết thúc theo dõi.

Từ ngày 26/5 đến 28/7, qua rà soát số liệu, lọc trùng, thành phố đã lấy 1.086.248 mẫu, trong đó có 607.568 mẫu đơn và 478.680 mẫu gộp.

Như vậy, có 5.029.388 người được lấy mẫu (tại các khu cách ly, khu phong tỏa, các tòa nhà, khu dân cư, khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao…). Tổng số mẫu chưa có kết quả là 12.690 mẫu, trong đó có 11.412 mẫu đơn và 1.278 mẫu gộp.

Thành phố đang thực hiện cách ly là 44.636 người, trong đó có 6.804 người đang cách ly tập trung, 37.832 trường hợp đang cách ly tại nhà/nơi lưu trú.

Đáng chú ý, HCDC cho biết tính cộng dồn đến nay, thành phố ghi nhận 929 bệnh nhân COVID-19 tử vong. Hiện có 36.771 bệnh nhân dương tính đang được điều trị, trong đó có 875 bệnh nhân nặng đang thở máy và 30 bệnh nhân can thiệp ECMO.

Thêm 3 trung tâm hồi sức tích cực tại TP.HCM với khoảng 3.000 giường

Nhận định về tình hình dịch viêm phổi Vũ Hán tại TP.HCM, hôm 29/7, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho rằng: “Đây là trận chiến chống dịch nặng nề nhất, chưa có trong tiền lệ”.

Theo ông Long, vấn đề cần quan tâm nhất của thành phố tại thời điểm này là làm thế nào để cứu chữa các bệnh nhân nặng, nguy kịch và giảm tỷ lệ tử vong.

Theo đó, Bộ Y tế phải tiếp tục điều tất cả lãnh đạo Cục/Vụ liên quan và giám đốc các bệnh viện hạng đặc biệt, bệnh viện chuyên khoa tuyến trung ương như Bạch Mai, Việt Đức, K, Phổi Trung ương, E, Lão khoa, Hữu nghị… vào TP.HCM để chung sức thiết lập hệ thống điều trị, đặc biệt là hệ thống hồi sức tích cực cho bệnh nhân COVID-19.

Ông Long cho biết ngoài Bệnh viện hồi sức COVID-19 TP.HCM quy mô 1.000 giường do Bệnh viện Chợ Rẫy chịu trách nhiệm (đang hoạt động), Bộ Y tế sẽ cùng thành phố thiết lập thêm 3 trung tâm hồi sức tích cực khác, khoảng 3.000 giường, để tập trung điều trị bệnh nhân nặng và rất nặng.

Trong đó, Bệnh viện Việt Đức phụ trách Bệnh viện hồi sức COVID-19 tại TP. Thủ Đức với quy mô 500 giường. Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương hỗ trợ Bệnh viện Việt Đức về điều trị hồi sức bệnh nhân COVID-19 nặng.

Bệnh viện Bạch Mai phụ trách Trung tâm Hồi sức tích cực đặt tại Bệnh viện dã chiến số 16 với quy mô 500 giường.

Bệnh viện Bạch Mai sẽ cử các chuyên gia đầu ngành, trong đó có đội ngũ chuyên gia về hồi sức cấp cứu, hồi sức tích cực đã có kinh nghiệm hỗ trợ điều trị bệnh nhân COVID-19 tại Bắc Ninh, Bắc Giang, Hải Dương… vào làm việc tại bệnh viện hồi sức này. Ngay trong chiều nay, đoàn sẽ lên đường bay vào TP.HCM.

Bệnh viện Trung ương Huế được giao nhiệm vụ thiết lập Trung tâm hồi sức quy mô 500 giường trên cơ sở Bệnh viện dã chiến số 13.

Ngoài ra, Giám đốc các Bệnh viện Phổi Trung ương, Bệnh viện Lão khoa Trung ương, Bệnh viện E và Bệnh viện K sẽ cùng chung sức thiết lập thêm một Trung tâm hồi sức tích cực khác khi cần.

Giám đốc các bệnh viện tuyến trung ương cho rằng tùy theo tình hình thực tế có thể điều phối nhân lực phù hợp, đồng thời đề nghị TP.HCM lên phương án cụ thể về nhân lực. Khi ấy, các chuyên gia về hồi sức của các bệnh viện điều động sẽ cùng tập huấn chia sẻ về chuyên môn để bắt tay ngay vào công việc. Về cơ sở vật chất cũng vậy, dựa trên các điều kiện đã có của các bệnh viện thiết lập Trung tâm hồi sức tích cực, dần dần đáp ứng công năng điều trị.

Shipper được di chuyển liên quận, huyện khi giao hàng thiết yếu cho khu cách ly, phong tỏa

UBND TP.HCM vừa có văn bản hướng dẫn việc di chuyển trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội.

Điểm mới của văn bản này là TP.HCM cho phép người dân đi tiêm vắc-xin được ra đường sau 18h.

Đáng chú ý, shipper được di chuyển liên quận, huyện và TP. Thủ Đức khi vận chuyển hàng hóa thiết yếu cho người dân trong các khu phong tỏa, khu cách ly, cơ sở y tế, cơ sở thu dung, cơ sở điều trị bệnh nhân COVID-19.

Người shipper cần đảm bảo các đặc điểm nhận diện khi lưu thông trên đường như: đồng phục, thùng hàng, logo doanh nghiệp, giấy thông hành của doanh nghiệp cấp cho shipper, ứng dụng quản lý đơn hàng…; đồng thời bổ sung bảng tên thẻ cứng có hình, xác nhận của doanh nghiệp cho từng shipper và ứng dụng công nghệ nhận diện shipper thông qua mã QR code; thực hiện băng đeo tay nền xanh đậm, kích thước ống đeo cao 20 cm, in chữ “Shipper” màu trắng.

Shipper được hoạt động từ 6h – 18h mỗi ngày.

Đối với trường hợp người dân đi chợ, siêu thị, chính quyền các xã, phường, thị trấn phát phiếu đi chợ, siêu thị; trong đó ghi rõ thời gian đi và các địa điểm chợ, siêu thị, cửa hàng gần nhất…

Hoàng Minh

Xem thêm:

Phó bí thư TP.HCM: Có thể giãn cách thêm 1-2 tuần sau ngày 1/8 để phòng dịch COVID-19