Vụ việc các khoản thu năm học 2023 – 2024 ở lớp 10D, Trường THPT Thanh Miện 3 (tỉnh Hải Dương) lên tới hơn 8,7 triệu đồng đang là tâm điểm của dư luận. Nhiều người cho rằng có dấu hiệu của sự lạm thu.

hai duong truong thpt thanh mien 3 bi cong an xac minh viec lam thu
Trường THPT Thanh Miện 3, huyện Thanh Miện, tỉnh Hải Dương. (Ảnh: vov2.vov.vn)

Liên quan đến sự việc này, ngày 12/9, Báo Thanh niên dẫn thông tin từ Hiệu trưởng trường này cho biết do không chịu được áp lực, giáo viên chủ nhiệm của lớp này đang tạm thời xin nghỉ dạy.

Phụ huynh “tố” việc lạm thu

Trước đó, sáng ngày 10/9, tại Trường THPT Thanh Miện 3 (thôn La Ngoại, xã Ngũ Hùng, huyện Thanh Miện, tỉnh Hải Dương) đã diễn ra buổi họp phụ huynh toàn trường.

Trong buổi họp này, nhà trường thông báo các khoản thu năm học 2023 – 2024 cụ thể tới từng khối.

Buổi chiều cùng ngày, một phụ huynh của lớp 10D đã đề nghị giáo viên chủ nhiệm lớp cung cấp chi tiết các khoản thu, khoản đóng góp của học sinh đối với nhà trường. Giáo viên chủ nhiệm lớp 10D là bà Vũ Thị Thủy đã in một tờ giấy, trong đó có ghi cụ thể từng khoản thu theo phụ huynh lên tới 8.715.000 đồng.

Cho rằng các khoản thu, khoản đóng góp quá lớn, phụ huynh này đã chia sẻ thông tin đến anh Phạm Văn Tuyên (trú tại huyện Ninh Giang, tỉnh Hải Dương), thông tin này sau đó được anh Tuyên đăng tải lên Facebook.

Thông tin các khoản thu được đăng tải đã thu hút hàng nghìn lượt tương tác, chia sẻ, bình luận về bài viết. Hầu hết người dùng mạng xã hội đều bình luận, cho rằng các khoản thu kể trên là quá cao, có dấu hiệu của việc lạm thu.

Theo anh Tuyên, ngoài các khoản thu theo quy định của Bộ GD&ĐT và của UBND tỉnh Hải Dương ban hành thì nhiều khoản thu anh thấy bất hợp lý như tiền khảo sát là 180.000 đồng/lần; tiền kiểm tra chung là 200.000 đồng/năm; tiền học thêm là 2.176.000 đồng/năm; tiền quỹ lớp là 500.000 đồng/học sinh; tiền photo là 200.000 đồng…

Nói với Báo Thanh Niên, ông Phạm Hải Ninh – Chánh văn phòng Sở GD&ĐT tỉnh Hải Dương cho biết trong buổi chiều ngày 12/9, Sở GD&ĐT tỉnh Hải Dương có buổi làm việc với Ban Giám hiệu nhà trường để xác minh vấn đề, kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm nếu có.

Được biết, sáng ngày 12/9, một số cán bộ của Phòng An ninh chính trị nội bộ, Công an tỉnh Hải Dương đã đến làm việc với ông Phạm Văn Hy – Hiệu trưởng nhà trường  về vụ việc.

Hiệu trưởng phân trần về sự việc

Ngày 12/9, nói với báo VOV, ông Hy cho biết bản thông báo thu tiền đầu năm này là từ một lớp học của trường. Căn cứ vào các khoản thu này ông Hy thừa nhận có dấu hiệu lạm thu nhưng đây không phải là chủ trương chung của trường.

Cụ thể, theo ông Hy, giữa các văn bản nhà trường gửi cho giáo viên để triển khai với văn bản được giáo viên gửi cho phụ huynh là khác nhau. Ví dụ, học phí trường chưa tổ chức thu vì chưa có quyết định của UBND tỉnh; Khoản tiền học thêm trường vẫn chưa thu vì chưa tổ chức dạy…

hai duong truong thpt thanh mien 3 bi cong an xac minh viec lam thu3
Danh mục thu một lớp học của trường THPT Thanh Miện 3 (Hải Dương) đang là tâm điểm của dư luận. (Ảnh: Phạm Văn Tuyên/Facebook)

Ngoài ra có những khoản thu theo thỏa thuận như quỹ lớp, photo, sổ liên lạc điện tử… giáo viên liệt kê trong bảng chung như vậy là không đúng.

“Hiện nay có nhiều cách để phụ huynh và giáo viên trao đổi với nhau như qua mạng xã hội. Do vậy với kinh phí Sổ liên lạc điện tử là khoản thu tự nguyện. Năm nay Hải Dương quay trở lại phần mềm Sổ liên lạc điện tử với chi phí rẻ hơn nhưng nếu phụ huynh không sử dụng thì cũng không phải đóng tiền”, ông Hy nói.

Liên quan đến viêc học sinh phải mua đến 8 bộ quần áo đồng phục với kinh phí gần 1,5 triệu đồng, ông Phạm Chu Hy cho biết, đồng phục cũng như ghế ngồi, thẻ học sinh… là mua một lần để dùng cho cả 3 năm học chứ không phải năm nào học sinh cũng phải đóng tiền mua mới.

“Nhiều người cũng thắc mắc số tiền 150 nghìn mua tivi và công an khi về làm việc với trường cũng đặt câu hỏi này. Những năm bị dịch COVID-19, phụ huynh có bỏ tiền mua tivi để học sinh, giáo viên thuận lợi trong việc giảng dạy, học tập. Sau khi lứa học sinh lớp 12 tốt nghiệp, ban đại diện phụ huynh có hóa giá và để lại cho học sinh lớp 10 với giá 6 triệu đồng. Phụ huynh lớp 10 có thống nhất mua lại để các em sử dụng chứ không phải tivi của nhà trường”, ông Hy lý giải.

Riêng dự kiến khoản thu xã hội hóa để làm đường điện trường sẽ thực hiện trên tinh thần tự nguyện, chỉ khi phụ huynh thống nhất trường sẽ làm kế hoạch trình cấp trên phê duyệt mới triển khai.

Đại diện nhà trường thừa nhận những sai sót về các nội dung mà giáo viên đã gửi cho phụ huynh và hứa sẽ điều chỉnh phù hợp.

Lỗi của giáo viên hay nhà trường?

Về giáo viên chủ nhiệm, trả lời báo Thanh niên, ông Hy nói: “Chúng tôi thông báo cụ thể bằng văn bản ngày giờ, nội dung họp và các khoản thu tới các giáo viên chủ nhiệm. Nhưng do các khối học, các khoản đóng góp là khác nhau, nên cũng đã làm hướng dẫn các khoản thu theo từng khối học.

Hướng dẫn là rất rõ ràng, không hiểu sao cô Vũ Thị Thủy lại ghi một số khoản thu cao như vậy gửi tới phụ huynh học sinh. Có sự nhầm lẫn ở đây hay không thì nhà trường còn đang phối hợp với các đơn vị để xác minh”.

Lãnh đạo nhà trường nói thêm, hiện tại, bà Vũ Thị Thủy đang suy sụp, rất buồn và chưa thể lên lớp, Ban giám hiệu Trường THPT Thanh Miện cũng đang yêu cầu bà Thủy viết tường trình về sự việc đã xảy ra. Sau khi bà Thủy bình tâm trở lại và khi đã có kết luận của các cơ quan chức năng, nếu có sai phạm, nhà trường sẽ có hình thức kỷ luật với bà Thủy.

Nhiều người đã để lại bình luận bên dưới bài đăng của báo Thanh niên như: “Không phải tôi bênh giáo viên chủ nhiệm nhưng tất cả khoản thu này đều từ Ban giám hiệu mà ra. Làm sao một giáo viên bình thường có thể làm được việc đó. Bị tố cáo thì nhà trường luôn đổ lỗi cho giáo viên. Ai có con em đi học và thử làm Trưởng ban phụ huynh một lần sẽ cảm nhận được một phần áp lực của cô giáo.”

Một bạn đọc khác viết: “Cô giáo tự nghĩ ra các khoản thu sao? Khó tin! Không bao giờ tin.”

“Tôi đề nghị thanh tra tất cả các trường trong 3 năm qua, chi tiết, công khai và minh bạch! Bộ GD&ĐT công khai các khoản nhà trường được phép thu.”, một người khác để lại bình luận.

Khánh Vy