“Không hút mãi dưới sông được. Hút ở dưới sông lên bao nhiêu thì trên đất liền sẽ xuống sông bấy nhiêu, đó là quy luật cân bằng. Tuy nhiên, vì tính cấp bách của công trình, chúng ta nâng công suất nhưng phải giám sát sạt lở là vấn đề ưu tiên số một” – Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nói về vấn đề khai thác cát làm dự án tại ĐBSCL.

khai thac cat can tho
Mua bán cát xây dựng tại quận Ninh Kiều, TP. Cần Thơ, năm 2021. (Ảnh: Văn Cộng/baocantho.vn)

Sáng 5/9, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà cùng đoàn công tác đi kiểm tra công trình đường cao tốc Cần Thơ – Cà Mau thuộc tuyến cao tốc Bắc – Nam phía Đông.

Ông Trần Văn Thi – Giám đốc Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận cho biết toàn tuyến cao tốc Cần Thơ – Cà Mau dài 110 km, các tuyến nối khoảng 25 km, tiến độ thi công hiện đạt khoảng 9%.

Theo ông Thi, khó khăn lớn nhất của dự án cao tốc Cần Thơ – Cà Mau cần phải giải quyết nguồn vật liệu. Hiện nay, nhà thầu đã đào, bốc hết toàn tuyến và chỉ chờ nguồn vật liệu cát để đắp nền, tiến độ dự án đang chậm khoảng 3 tháng.

“Theo chỉ đạo của Bộ Giao thông Vận tải, thời gian này tập trung thi công đường công vụ dọc theo tuyến, các công trình cầu, đặc biệt là cầu lớn để tăng sản lượng giải ngân”, ông Thi nói.

Toàn tuyến cao tốc Cần Thơ – Cà Mau cần 18,5 triệu m3 cát; trong đó, tỉnh Đồng Tháp cam kết cung cấp 7 triệu m3 cát, dự án hiện đã lấy được 400.000 m3 cát từ nguồn tăng 50% công suất. Đồng Tháp giới thiệu thêm 5 mỏ cát khác; các đơn vị thi công đang triển khai thủ tục để tiếp nhận.

Tỉnh An Giang đã có văn bản cung cấp 3,3 triệu m3 cát trong năm nay và đã giao 4 mỏ cho dự án; hiện đã lấy được 100.000 m3 cát thì phải dừng lại vì vướng điều tra, thanh tra.

Ông Thi cho biết cho đến nay đã hoàn tất việc thí điểm sử dụng cát biển. Qua kiểm tra, mẫu cát đạt chỉ tiêu về mặt cơ lý. Còn về hoá học, hàm lượng độ mặn của cát khi đưa vào công trường, lắp đặt các mẫu để quan trắc nước ngầm, nước mặt trong quá trình thi công cho thấy, kết quả tương đồng với cát sông. Hiện nay, Bộ Giao thông Vận tải đang yêu cầu tiếp tục quan trắc về môi trường từ đây đến cuối năm, phải thực hiện hàng tháng để xem kết quả.

Sau khi nghe Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận cập nhật tình hình thi công của dự án, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nhận định vật liệu đang là vấn đề khó. Hiện đang khai thác nhiều hơn 50%, sau một thời gian nữa 50% này sẽ bắt đầu sụt lún, bắt buộc phải dừng khai thác, sẽ có những rủi ro nhưng phải tiên liệu được.

“Không hút mãi cát dưới sông được, hút dưới sông bao nhiêu thì đất liền sẽ sụt xuống bấy nhiêu, đó là quy luật cân bằng. Chúng ta nâng công suất nhưng phải lấy vấn đề môi trường và giám sát vấn đề sạt lở là ưu tiên đầu tiên.  Các địa phương, nhà thầu khai thác cũng phải lấy vấn đề xử lý môi trường, chống sạt lở làm ưu tiên”, ông Hà nói.

Theo ông Hà, giải pháp dùng cát biển phải tính toán 3 tiêu chí: cơ lý, môi trường, kinh tế. Nếu được thì dùng cát biển. Cát trên sông chỉ để xây dựng, chứ san lấp thì lãng phí mà không có nguồn cung.

Ngoài ra, ông Hà cho biết hiện nay có tình trạng các tuyến đường làm chưa xong mà đã ngập lụt, nghĩa là cao độ của đường và cao độ của lũ đã không được nghiên cứu khảo sát kỹ. Việc thoát lũ, nước sông lên chưa được tính toán, hoặc tính toán sai. Nếu đường đã trải nhựa xong mà ngập lụt một vài lần là sẽ hư hỏng, chi phí bảo hành rất lớn.

Theo đó, ông Hà yêu cầu các bộ, ngành có liên quan cần tính toán lại các cao độ, vấn đề thoát lũ, bởi tính toán sai sẽ trở thành những con đê chắn nước, làm ảnh hưởng đến toàn bộ hệ sinh thái.

Nghịch lý: Hút cát đắp nền trên một vùng địa chất yếu

Cần khoảng 53,68 triệu m3 cát cho 4 dự án giao thông trọng điểm khu vực ĐBSCL là thông tin cập nhật tại cuộc họp giữa Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà với các địa phương vùng ĐBSCL tại UBND Cần Thơ, chiều 5/9.

4 dự án có tổng chiều dài là 355km, tổng mức đầu tư khoảng 82.871 tỷ đồng. Vật liệu đá, đất tại các mỏ đang khai thác trong khu vực đã cơ bản đảm bảo đủ trữ lượng, chất lượng, theo nhu cầu (cần khoảng 6,6 triệu m3 đá các loại; khoảng 4,7 triệu m3 đất đắp). Riêng cát đắp nền cần khoảng 53,68 triệu m3 vướng mắc.

Theo thông tin tại cuộc họp, toàn bộ các dự án khu vực ĐBSCL đi qua khu vực địa chất yếu, việc xử lý lún nền đường mất nhiều thời gian; mặc dù trữ lượng cát đắp nền đủ đáp ứng nhu cầu cho các dự án, nhưng việc triển khai các thủ tục nâng công suất mỏ, giao mỏ mới cho nhà thầu khai thác theo cơ chế đặc thù của các địa phương còn chậm, chưa đáp ứng tiến độ.

Ngoài ra, việc phối hợp giữa các địa phương (An Giang, Hậu Giang, Cần Thơ) trong việc triển khai các thủ tục giao mỏ cho nhà thầu khai thác cát phục vụ dự án thành phần 2 và 3 thuộc Dự án cao tốc Châu Đốc – Cần Thơ – Sóc Trăng còn chậm, chưa đáp ứng yêu cầu. Việc triển khai cơ chế đặc thù về cấp Giấy phép khai thác mỏ khoáng sản làm vật liệu xây dựng còn vướng…

Nguyễn Quân