“Kỹ sư công nghệ số, khoa học dữ liệu lương 5 triệu đồng thì không ai làm, trong khi kỹ sư bách khoa, công nghệ thông tin khoảng 1.000-1.200 USD/tháng…” – TS Trương Minh Huy Vũ, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM cho hay.

truong minh huy vu
TS. Trương Minh Huy Vũ – Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM. (Ảnh: hcmcpv.org.vn)

Ngày 9/11, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.HCM Phạm Minh Tuấn dẫn đầu đoàn giám sát đến Viện nghiên cứu phát triển TP.HCM. Nội dung giám sát về vai trò điều hành của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền trong việc thực hiện thủ tục hành chính đất đai, chuyển đổi số và xây dựng đô thị văn minh.

Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM được chính quyền TP.HCM giao đề xuất và xây dựng Trung tâm mô phỏng và dự báo kinh tế xã hội, là một trong bốn nội dung chính của đề án “xây dựng TP.HCM trở thành đô thị thông minh giai đoạn 2017-2020, tầm nhìn đến 2025″.

TS. Trương Minh Huy Vũ – Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM cho biết việc tuyển dụng nhân lực làm việc trong lĩnh vực công nghệ số, khoa học dữ liệu là cực kì khó khăn. Vừa rồi TP đã có đợt tuyển nhưng kết quả không mấy khả quan. Lý do vì thu nhập viên chức của trung tâm khá thấp so với mặt bằng chung.

“Bây giờ kỹ sư datascience – công nghệ số, khoa học dữ liệu, lương khoảng 5 triệu không ai làm, trong khi lương kỹ sư bách khoa, công nghệ thông tin khoảng 1.000 – 1.200 USD, căn bản là rất cần người nhưng không tuyển được. Sắp tới Viện cũng có 1 đợt tuyển dụng nhưng rất khó.

Lương là một, đặc biệt là khi vào những ngành mới này phải có “thầy” để cùng cầm tay chỉ việc, chứ sinh viên mới ra trường chưa biết gì nhiều”– ông Vũ nói.

Để giải quyết vấn đề thiếu thầy, viện mời các khách mời, giáo sư tham gia góp ý cho các đề tài, đề án nghiên cứu.

Ông Vũ cho hay việc giải ngân vốn hơn 20 tỷ đồng của Trung tâm mô phỏng và dự báo kinh tế – xã hội TP (thuộc Viện nghiên cứu phát triển TP.HCM) đến cuối năm nay mới triển khai do 2 năm dịch bệnh (dịch viêm phổi Vũ Hán – COVID-19).

Ngoài ra, cái khó hiện nay của việc thực hiện chuyển đổi số là phần mềm hiện hữu mang tính liên thông từ quốc gia, trong khi Viện Nghiên cứu Phát triển TP.HCM là đơn vị nghiên cứu đặc thù.

“Tiền lương công chức hiện nay không phản ánh đúng giá trị sức lao động của họ, một loại lao động đặc biệt – lao động quyền lực” – 7 năm trước, ông Thang Văn Phúc, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ, đã phát biểu như vậy tại hội thảo khoa học “Về bối cảnh và khả năng cải cách tiền lương” do Bộ Nội vụ tổ chức ngày 12/10/2016 ở Hà Nội.

Cũng tại buổi trao đổi trên, PGS.TS Trần Đình Thảo (Trường Đại học Nội vụ Hà Nội) nhận định việc tăng lương tối thiểu không dựa vào năng suất cùng việc ràng buộc lương tối thiểu với hệ thống an sinh tạo nên sức ép lên cả doanh nghiệp và ngân sách nhà nước, trong khi thu nhập của cán bộ, công chức không thực sự được cải thiện.

Vẫn theo ông Thảo, cách xác định mức lương tối thiểu chung đang bị phụ thuộc ngân sách nhà nước, chưa gắn với nhu cầu sống tối thiểu của cán bộ, công chức. Hệ quả tiêu cực là thu nhập ngoài tiền lương ngày một cao, phức tạp, vượt khỏi tầm kiểm soát; “chảy máu chất xám” từ khu vực nhà nước sang khu vực ngoài quốc doanh; khó thu hút nhân tài…

Với nhóm công chức “dư thừa”, phát biểu “30% công chức không làm được việc” của ông Nguyễn Xuân Phúc – thời điểm giữ chức Phó Thủ tướng (tháng 1/2013) từng trở thành chủ đề đại biểu chất vấn Bộ Nội vụ. 30% cán bộ không làm được việc, tương đương 700.000 người, tương đương khoản chi 17.000 tỷ đồng ngân sách mỗi năm. Trả lời, Bộ trưởng Nguyễn Thái Bình cho rằng con số 30% công chức không làm được việc là “ý kiến của Phó thủ tướng dựa trên dư luận” chứ không có cơ sở.

Nguyễn Sơn