Thành phố di sản được hiểu là một chỉnh thể lịch sử đặc trưng, một sản phẩm của nền văn minh đô thị, kết hợp hữu cơ các thành tố vật chất và tinh thần, kiến trúc và văn hóa, trong sự hòa quyện với thiên nhiên.

mot goc tp da lat
Một góc TP. Đà Lạt. (Ảnh: baolamdong.vn)

Ngày 31/7, Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Trần Văn Hiệp đã ban hành quyết định thành lập ban chỉ đạo, ban soạn thảo đề xuất TP. Đà Lạt trở thành thành phố di sản.

Ban chỉ đạo gồm 12 thành viên, do ông Trần Văn Hiệp làm trưởng ban; ông Phạm S – Phó Chủ tịch làm phó trưởng ban.

Ban soạn thảo gồm 22 thành viên, do ông Đặng Quang Tú – Chủ tịch UBND TP. Đà Lạt làm trưởng ban; ông Võ Ngọc Trình – Phó Chủ tịch TP làm phó trưởng ban.

Hiện Sở VH-TT&DL Lâm Đồng đã có văn bản đề nghị Cục Di sản văn hóa, Cục Hợp tác quốc tế, Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam, Văn phòng UNESCO tại Hà Nội hướng dẫn và hỗ trợ UBND TP. Đà Lạt thực hiện các thủ tục, xây dựng hồ sơ theo quy định của UNESCO.

Thành phố di sản được hiểu là một chỉnh thể lịch sử đặc trưng, một sản phẩm của nền văn minh đô thị, kết hợp hữu cơ các thành tố vật chất và tinh thần, kiến trúc và văn hóa, trong sự hòa quyện với thiên nhiên.

3 giá trị vốn có của Đà Lạt gồm: khí hậu, cảnh quan thiên nhiên; quỹ di sản kiến trúc công trình; văn hóa và con người.

Cuối tháng 6 vừa qua, Chủ tịch UBND TP. Đà Lạt cũng đã nộp hồ sơ chính thức đến UNESCO đề nghị xét duyệt để Đà Lạt tham gia vào Mạng lưới các thành phố sáng tạo UNESCO trong lĩnh vực âm nhạc.

Trong một diễn biến khác, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành quyết định số 257 phê duyệt việc điều chỉnh tổng thể quy hoạch chung TP. Đà Lạt và vùng phụ cận đến năm 2045.

Theo đó, phạm vi ranh giới lập quy hoạch là toàn bộ địa giới hành chính TP. Đà Lạt và các huyện Lạc Dương, Đơn Dương, Đức Trọng và một phần huyện Lâm Hà (gồm thị trấn Nam Ban và các xã Mê Linh, Đông Thanh, Gia Lâm, Nam Hà) với tổng diện tích tự nhiên khoảng 335.930ha, gần gấp 9 lần TP. Đà Lạt hiện nay.

Quyết định cho biết sau điều chỉnh, TP. Đà Lạt sẽ trở thành đô thị du lịch quốc gia; thành đô thị có đặc trưng về di sản; thành đô thị đặc thù về quy hoạch, kiến trúc, văn hóa, lịch sử, cảnh quan tự nhiên; là một trong các động lực tăng trưởng của vùng quy hoạch (Đà Lạt và vùng phụ cận) nói riêng và tỉnh Lâm Đồng nói chung.

Trước đó, hồi năm 2022, báo Vnexpress dẫn bài viết của tác giả Đỗ Anh Tuấn với tiêu đề “Mười năm nữa ai còn muốn đến Sa Pa, Đà Lạt?”, cho biết cách đây 10 năm, Đà Lạt vẫn nghèo, hoang sơ, nhưng người ta vẫn ùn ùn kéo đến và say đắm vẻ đẹp thiên nhiên tại đây.

Không giống các thành phố lớn hiện đại như Nha Trang, Phan Thiết, Đà Nẵng… Đà Lạt luôn có những điểm nhấn riêng để khiến người ta phải lưu luyến. Thế nhưng, nhìn những thay đổi của hai vùng đất này hiện nay, “tôi tự hỏi 10 hay 50 năm sau, liệu Đà Lạt có còn là lựa chọn của khách du lịch nữa không?”.

“Với sức tàn phá như hiện nay, có lẽ người ta sẽ chọn các điểm đến mới, còn hoang sơ hoặc thật hiện đại, tiện nghi để du lịch, chứ không phải tới một nơi nửa vời, tân không ra tân, cổ không ra cổ như vậy”, bài viết nêu.

Bài viết cũng cho hay Đà Lạt bây giờ khí hậu bớt se lạnh. Thành phố vốn có mây mù, không biết tới nắng gắt là gì… nhưng bây giờ nhiều ngày, mới 9h sáng thôi đã có nắng gắt rồi.

Nhiều rừng thông, đồi thông bị phá để xây dựng biệt thự, khách sạn cao cấp.

Một công trình nổi tiếng mang kiến trúc Pháp, hòa mình vào rừng thông, tạo nên khung cảnh cổ điển lãng mạn, giờ cũng bị đề xuất phá bỏ, nâng cao, đôn nền để bên dưới phát triển nhà cao tầng, trung tâm thương mại…

Có người còn cho rằng “bảo tồn quá khứ thì lấy gì để phát triển?”… Theo tôi, tất cả đã tạo nên một mớ hỗn độn không còn chất riêng nữa.

“Nếu đánh mất đi những nét riêng làm nên đặc trưng, biểu tượng của địa phương, tôi tin sẽ chẳng ai còn muốn đến. Đà Lạt không còn rừng thông, các dinh thự cổ mang kiến trúc Pháp thì còn gì để ghé thăm?”.

8 di sản thế giới được UNESCO công nhận tại Việt Nam, gồm:

2 di sản thiên nhiên thế giới: Vịnh Hạ Long, được công nhận năm 1994 theo tiêu chí (VII) và năm 2000 theo tiêu chí (VIII); Vườn Quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng, năm 2003, là di sản thiên nhiên thế giới theo tiêu chí (VIII) và năm 2015 theo tiêu chí (IX), (X).

5 di sản văn hóa thế giới: Quần thể di tích Cố đô Huế, năm 1993, là di sản văn hóa thế giới theo tiêu chí (IV); Phố cổ Hội An, năm 1999, là di sản văn hóa thế giới theo tiêu chí (II) (V); Thánh địa Mỹ Sơn, năm 1999, là di sản văn hóa thế giới theo tiêu chí (II) (III); Khu di tích trung tâm Hoàng thành Thăng Long, năm 2010, là di sản văn hóa thế giới theo tiêu chí (II) (III) và (VI); Thành nhà Hồ, năm 2011, là di sản văn hóa thế giới theo tiêu chí (II) và (IV).

1 di sản thế giới hỗn hợp: Quần thể danh thắng Tràng An, năm 2014, theo các tiêu chí (VII) và (VIII) của một di sản thiên nhiên thế giới và tiêu chí (V) của một di sản văn hóa thế giới.

Minh Long