Dự án đường sắt đô thị (Metro) Nhổn – ga Hà Nội vừa được UBND TP. Hà Nội đề xuất điều chỉnh thời gian hoàn thành vào năm 2027, chậm 5 năm với kế hoạch ban đầu. Tổng mức đầu tư dự án tăng gần 2.000 tỷ đồng.

metro nhon ga ha noi 2022
Dự án Metro Nhổn – Ga Hà Nội sẽ vận hành thử đoạn trên cao từ Nhổn về Cầu Giấy. (Ảnh: CTV/Trí Thức VN)

Ban Quản lý đường sắt đô thị Hà Nội (MRB, chủ đầu tư) vừa cho biết tuyến đường sắt đô thị Nhổn – ga Hà Nội sẽ vận hành thử đoạn trên cao từ Nhổn về Cầu Giấy dài 8,5 km từ ngày 5/12 tới.

Theo đó, tuyến bắt đầu chạy thử trong môi trường hạn chế, gồm 2 giai đoạn.

Giai đoạn 1 sẽ vận hành hệ thống trong thời gian tối thiểu là 5 ngày để đo lường hiệu suất RAMs và có thể kéo dài tới 6 tuần.

Dự án được vận hành theo 2 biểu đồ chạy tàu, thời gian từ 9h đến 19h, với số đoàn tàu tối đa 4 – 8 đoàn tàu chạy trong 5 ngày nối tiếp. Hiệu suất hoạt động của hệ thống được tóm tắt, báo cáo trong cuộc họp sau 19h mỗi ngày chạy tàu.

Trường hợp mục tiêu hiệu suất chạy thử trong 5 ngày liên tiếp không đạt được (nếu tính khả dụng của hệ thống đạt dưới 98%), việc chạy thử sẽ được kéo dài đến khi đạt kết quả.

Giai đoạn 2 sẽ diễn ra ngay sau khi đánh giá hiệu suất RAMs, với 5 kịch bản vận hành đoàn tàu hạn chế ở các chế độ: Mất điện kéo trên toàn tuyến, mất điện kéo ở một đoạn trên tuyến, mất nguồn cấp điện phụ trợ, phát hiện cháy tại một ga và tàu cứu hộ trên tuyến chính.

Việc chạy thử hệ thống đường sắt đô thị Nhổn – ga Hà Nội trong môi trường hạn chế sẽ được xem là kết thúc khi tất cả các thử nghiệm đều đạt.

Đơn vị tư vấn Sytra (Pháp) đề nghị đưa nhân sự của Công ty TNHH một thành viên Đường sắt Hà Nội (đơn vị sẽ tiếp nhận vận hành) tham gia quá trình vận hành thử trên, để bắt đầu chuyển giao kiến thức, với tối thiểu 15 lái tàu, 5 nhân viên OCC (Trung tâm chỉ huy điều hành hệ thống) và 2 quản lý.

Dự án Metro Nhổn – ga Hà Nội được giới chức Hà Nội khởi công vào tháng 9/2010, dài 12,5 km (gồm 8,5 km trên cao và 4 km đi ngầm) với 12 nhà ga, 1 depot rộng 15,5 ha và 10 đoàn tàu, đi qua các quận Bắc Từ Liêm, Nam Từ Liêm, Cầu Giấy, Ba Đình, Đống Đa, Hoàn Kiếm. Tổng mức đầu tư phê duyệt là 784 triệu Euro (tương đương 18.408 tỷ đồng), dự kiến hoàn thành vào năm 2015.

Sau đó, qua nhiều lần điều chỉnh vào các 2016, 2017 và 2018, tổng mức đầu tư của dự án tăng lên trên 30.000 tỷ đồng, thời hạn hoàn thành dự kiến sau năm 2021.

Tuy nhiên, hồi tháng 9/2022, UBND TP. Hà Nội tiếp tục có tờ trình gửi HĐND thành phố điều chỉnh thời gian, vốn đầu tư đối với dự án này.

Cụ thể, UBND TP. Hà Nội đề xuất điều chỉnh thời gian thực hiện dự án từ 2009 – 2022 thành 2009 – 2027 (chưa bao gồm thời gian bảo hành 24 tháng) – tức là kéo dài thêm 5 năm. Trong đó, dự án đưa vào khai thác, vận hành đoạn trên cao vào năm 2022; đưa vào khai thác, vận hành toàn tuyến vào năm 2027 (gồm cả đoạn ngầm).

Cùng với đó, UBND thành phố cũng đề xuất điều chỉnh tổng mức đầu tư dự án tăng thêm 1.916 tỷ đồng (từ 32.910 tỷ đồng lên 34.826 tỷ đồng).

Nguyên nhân dẫn đến thay đổi tổng mức đầu tư vì có sự biến động của tỷ giá quy đổi, điều chỉnh khối lượng công việc hợp đồng, do các chậm trễ tiến độ dẫn đến gia hạn thời gian thực hiện các gói thầu và bổ sung chi phí…

Kim Long