23,6% người bị trầm cảm, 42,9% bị lo âu, 17,6% bị stress – đây là những số liệu khái quát về tình trạng tinh thần và thể chất của các y bác sĩ tại Bệnh viện Hùng Vương (quận 5, TP.HCM) trong đợt dịch viêm phổi Vũ Hán (COVID-19) vừa qua. 

xet nghiem vung tau 4
Một nhân viên y tê ngồi nghỉ mệt dưới gốc câu trong một buổi lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cộng đồng, tại Vũng Tàu, ngày 28/11/2021. (Ảnh minh họa: Dong Nhat Huy/Shutterstock)

Bệnh viện Hùng Vương là bệnh viện chuyên ngành sản phụ khoa tuyến Trung ương, hạng I, quy mô 900 giường, trong đó có 100 giường sơ sinh.

Theo thông tin do Sở Y tế TP.HCM truyền tải, vào tháng 10/2020 – khi dịch viêm phổi Vũ Hán (COVID-19) vừa qua đỉnh dịch tháng 8, tháng 9, Bệnh viện Hùng Vương đã tiến hành xác định khảo sát thể trạng sức khỏe tinh thần và thể chất trên 466 nhân viên y tế. Kết quả cho thấy 23,6% nhân viên y tế có biểu hiện trầm cảm, 42,9% người bị lo âu, và 17,6% người bị stress.

Qua phân tích các nhóm nguyên nhân, 57,5% nhân viên bệnh viện đã trải qua nhiều biến cố vì phải chứng kiến người thân, bạn bè mất vì COVID-19; 53,6% nhân viên cảm thấy bản thân bị kỳ thị vì làm việc trong môi trường y tế; 70,2% nhân viên cho biết người thân mất việc làm…

Tình trạng suy sụp về thể chất và tinh thần nói trên được bệnh viện này xác định là hội chứng “burnout”, khi bị quá tải công việc và bị căng thẳng (stress). “Hội chứng burnout” xuất hiện ở thầy thuốc lần đầu tiên được mô tả vào năm 1974 bởi chuyên gia tâm lý học người Mỹ Herbert Freudenberger. Đây là một hội chứng liên quan đến công việc đặc thù của những người công tác trong ngành y tế, nhất là các bác sĩ, điều dưỡng – những người trực tiếp tham gia vào việc khám, chữa bệnh tại các bệnh viện và các cơ sở y tế khác.

Các chuyên gia miêu tả 3 triệu chứng chính của hội chứng “burnout” gồm: (1) Kiệt sức, là cảm giác thiếu năng lượng hoặc mệt mỏi do một hoặc nhiều yếu tố trong lĩnh vực về năng lượng, cảm xúc, và tinh thần. Các triệu chứng thể chất hay gặp như đau dạ dày, ruột; (2) Hoài nghi, thấy công việc của họ ngày càng căng thẳng và bực dọc, mất khả năng đồng cảm và kết nối với bệnh nhân, nhân viên và đồng nghiệp, thậm chí hay đổ lỗi, hoặc cảm thấy có lỗi; (3) Giảm hiệu quả công việc, thấy khó tập trung, không lắng nghe và thiếu sự sáng tạo.

Theo thông tin từ bệnh viện, qua các buổi trò chuyện và thực hành “nâng đỡ cảm xúc”, các nhân viên y tế hiện đã vượt qua hội chứng “burned-out” do đại dịch COVID-19 gây ra.

20,9% nhân viên y tế không thể chi trả các chi phí sinh hoạt

Đây không phải lần đầu kết quả khảo sát về tình trạng suy sụp về tinh thần và thể chất của các nhân viên y tế trong đại dịch COVID-19 được đề cập. Tháng 12/2021, trong nghiên cứu về “Tình trạng lương khu vực công đối với nhân viên y tế tuyến đầu trong COVID-19” do Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam phối hợp với ActionAid Quốc tế tại Việt Nam (ActionAid), Viện Đào tạo Y học Dự phòng và Y tế công cộng (Trường Đại học Y Hà Nội) và Viện Kinh tế và Công nghệ Y tế thực hiện, 2.700 nhân viên y tế các cấp (gần 54% là bác sĩ, hơn 21,4% là điều dưỡng) đã tham gia khảo sát từ tháng 9-11/2021.

Ông Trần Xuân Bách, Phó chủ tịch Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam, Chuyên gia Kinh tế Y tế, Trưởng nhóm nghiên cứu cho biết đại dịch COVID-19 không chỉ làm thay đổi các yêu cầu với công việc mà còn ảnh hưởng sâu sắc tới cuộc sống cũng như sức khỏe thể chất và tinh thần của các nhân viên y tế.

Khoảng 60% nhân viên y tế phải cáng đáng khối lượng công việc và thời gian làm việc tăng lên đáng kể; khoảng 40% cho biết gặp phải những khó chịu và suy giảm về sức khỏe thể chất và 70% bị lo lắng và trầm cảm, dẫn đến 25% giảm mức độ hài lòng với công việc.

Trong 2.700 nhân viên y tế tham gia khảo sát, có hơn 70% người thuộc diện biên chế và trên 66% có kinh nghiệm làm việc từ 5-20 năm. Là các nhân viên y tế tuyến đầu, có tới 53% nhân viên y tế có tiếp xúc COVID-19 hàng ngày và 35,6% nguy cơ mắc COVID-19. Tuy nhiên, có tới hơn 1/3 nhân viên y tế cho biết lương, thưởng và phụ cấp đã bị giảm.

Nguyên nhân của tình trạng trên được xác định chung là do áp lực công việc quá lớn đối với tâm lý và thể chất, những tác động do bất cập về hệ thống y tế, trong chính sách chống dịch không được đề cập.

Ngày 30/10/2021, tại Hội nghị sơ kết công tác phòng chống dịch COVID-19 của ngành y tế TP.HCM trong đợt dịch thứ 4, Giám đốc Sở Y tế – ông Tăng Chí Thượng thừa nhận có những nguyên nhân khiến dịch phức tạp tại TP.HCM.

Một số vấn đề được ông Thượng nêu như công tác dự báo dịch bệnh chưa kịp chuyển đổi với diễn biến dịch chuyển biến quá nhanh tại TP, kỹ thuật và năng lực xét nghiệm RT-PCR không tương thích với tốc độ lan truyền của biến chủng Delta; trong giai đoạn đầu, TP vẫn chọn phương án cách ly tập trung tất cả F0 dẫn đến quá tải, gây áp lực ngược lại cho F0; hệ thống y tế và dự phòng không được đầu tư đúng mức, quá tải, tăng tỷ lệ tử vong; khi tiến hành tiêm chủng vắc-xin COVID-19 thì không đảm bảo giãn cách, nhập liệu sai sót; hệ thống y tế cơ sở, y tế công cộng lúng túng…

Ngày 29/11, tại buổi họp báo định kỳ về tình hình dịch COVID-19 tại TP.HCM, lần đầu tiên Sở Y tế TP.HCM xác nhận gần 1.000 nhân viên y tế đã nghỉ việc, chỉ tính trong 10 tháng đầu năm 2021. Con số này cao gấp 1,6 lần so với số nhân viên y tế nghỉ việc trong năm 2020 (597 người).

Nguyễn Quân