Trong 2 ngày cuối tuần (ngày 13 và 14/3), chùa Tam Chúc (Hà Nam) đã đón khoảng 70.000 du khách, trong đó riêng ngày 14/3 có tới khoảng 50.000 người.

chua tam chuc
Khoảng 5 vạn dân Việt Nam đến chùa Tam Chúc hôm 14/3. (Ảnh chụp màn hình)

Truyền thông nhà nước và mạng xã hội hôm 15/3 lan truyền nhiều hình ảnh cho thấy hàng vạn người đã đổ về chùa Tam Chúc (Hà Nam), khiến nơi đây xảy ra tình trạng chen lấn, xô đẩy…

Đáng chú ý, trong biển người “nườm nượp” đổ về chùa Tam Chúc cũng có rất nhiều người không đeo khẩu trang để phòng dịch virus Vũ Hán.

“Lượng người đông bất thường khiến cho chùa Tam Chúc ở đâu cũng chật cứng người. Từ bãi đỗ xe để đi lên chùa, nườm nượp người lên, xuống. Thậm chí, tại các điểm bán vé đi xe điện và đi thuyền, dòng người xếp thành hàng dài, chen lấn, xô đẩy để mong sớm mua được 1 tấm vé”, Báo Người Lao Động mô tả.

Khoảng 5 vạn người đổ về chùa Tam Chúc ngày 14/3. Tính cả ngày 13/4 là 7 vạn người. (Nguồn: Huy Hung/Facebook) 

Báo Vnexpress cho biết có hơn 400 xe điện hoạt động liên tục song không thể đáp ứng nhu cầu. Ban quản lý chùa Tam Chúc phải tăng cường thêm 30 xe khách loại 45 chỗ, đồng thời ba lần dừng bán vé xe điện, vé thuyền để giảm tải khách. Đến 14h30 hôm 14/3, lượng khách đổ về tiếp tục tăng, Ban quản lý quyết định dừng bán vé, vận chuyển miễn phí.

Theo đại diện của Ban trụ trì chùa Tam Chúc, trong 2 ngày cuối tuần (ngày 13 và 14/3), chùa Tam Chúc đã đón khoảng 70.000 du khách, trong đó ngày 14/3 có tới khoảng 50.000 người.

Ông Thích Minh Quang, Phó trụ trì chùa Tam Chúc nhận định 5 vạn khách đến chùa là con số đông kỷ lục.

(Nguồn: Beat Thái Nguyên/TikTok/dẫn qua Facebook) 

Ông Tạ Đình Quyền – Phó giám đốc Sở VH-TT&DL Hà Nam cho rằng chuyện du khách đổ về chùa Tam Chúc đông đúc là “nằm ngoài dự kiến của cả ban tổ chức khu du lịch và cơ quan quản lý nhà nước nên ban đầu đã có sự lúng túng, nhưng phải tránh chuyện này tái diễn”, theo Báo Tuổi trẻ.

Còn ông Thích Đức Thiện – phó chủ tịch kiêm tổng thư ký Hội đồng trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam cho hay mới chỉ nghe phản ánh từ báo chí chứ chưa có điều kiện tìm hiểu kỹ câu chuyện vì đang đi công tác.

Ngoài chùa Tam Chúc, chùa Hương cũng đón hơn 4 vạn khách trong hai ngày 13 và 14/3 khi vừa mở cửa trở lại. Tại chùa Hương cũng có tình trạng người dân không đeo khẩu trang.

Chùa Tam Chúc: “Sức mạnh của đồng tiền còn cao hơn cả lòng thành kính”

Chùa Tam Chúc được báo chí nhà nước mô tả là ngôi chùa lớn nhất Việt Nam, nằm tại huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam, cách trung tâm Hà Nội khoảng 60 km. Dự án du lịch tâm linh này có diện tích 5.000ha, do “đại gia” Nguyễn Văn Trường – Giám đốc Doanh nghiệp Xây dựng Xuân Trường làm chủ đầu tư.

Đáng chú ý, tại ngôi đền Tứ Ân nằm trong khuôn viên chùa Tam Chúc lại thờ cả cư sĩ Diệu Liên – tức bà Phạm Thị Lan, vợ ông Nguyễn Văn Trường khiến dư luận có nhiều ý kiến trái chiều.

ba pham thi lan 1
Bà Phạm Thị Lan, vợ ông Nguyễn Văn Trường (chủ đầu tư chùa Tam Chúc) được thờ tại chùa Tam Chúc. (Ảnh chụp màn hình)

Hôm 13/2/2020, chuyên gia nghiên cứu văn hóa tín ngưỡng tôn giáo Việt Nam – PGS.TS Trần Lâm Biền nhận xét trên Báo Đất Việt rằng, việc lựa chọn cư sĩ Diệu Liên thờ tại đền Tứ Ân – chùa Tam Chúc là quyền quyết định của Ban Trị sự chùa Tam Chúc và không loại trừ có cả sự tác động của chủ đầu tư.

“Sự thật thì chùa Tam Chúc không mang nét văn hóa dân gian Việt Nam. Với các nhà chuyên môn về văn hóa có thể dễ dàng nhận ra, ngôi chùa được xây dựng trên khu đất không có lịch sử văn hóa, cũng không gắn với tín ngưỡng tâm linh của người dân trong vùng mà đơn giản nơi đó chỉ là vị trí đẹp, được doanh nghiệp lựa chọn xây dựng vì mục đích phát triển kinh tế hơn là văn hóa tâm linh.

Khi vào bên trong chùa, kiến trúc xây dựng cũng không mang bản sắc dân tộc mà đem từ các nước trên thế giới kết hợp lại tạo ra một công trình lạ mắt với du khách nhưng lại không mang hồn cốt văn hóa tôn giáo Việt Nam.

… Thực chất đây chỉ là công trình xây dựng do cá nhân tạo ra nên việc xây như nào, thờ ai trong đó là do người bỏ tiền ra quyết định chứ không ảnh hưởng đến văn hóa dân gian của người Việt, cũng không thể coi đây là ngôi chùa mang bản sắc văn hóa Việt Nam”, ông Biền nói.

Cũng theo PGS.TS Trần Lâm Biền, “khi xã hội phát triển thì càng chịu sự chi phối của đồng tiền, điều đó thấy rõ nhất trong vấn đề văn hóa tâm linh”. Chùa trong văn hóa của người Việt Nam thì chỉ cần xây vừa phải để gần gũi với người dân. Người xưa thường nói “hảo tự, ố tăng” – điều này có thể hiểu được rằng “ngôi chùa càng to, càng đẹp bao nhiêu thì người tu hành càng vật chất bấy nhiêu”.

Ông Biền cho rằng bản chất của đạo Phật là phải hướng con người đến những điều thiện tâm, trí tuệ để đi đến giải thoát. Nhưng tại chùa Tam Chúc thì không làm được điều này. Chùa phải là nơi thanh tịnh, con người khi đến đó dẹp bỏ mọi ham muốn mà hướng đến cái thiện, giải thoát cho bản thân mình.

“Nhưng khi đến chùa Tam Chúc thì những điều này càng bộc lộ rõ hơn, cho thấy sức mạnh của đồng tiền còn cao hơn cả lòng thành kính thì đó là điều du khách đáng phải xem xét lại”, PGS.TS Trần Lâm Biền nói.

Ngọc Long

Khi “đi tu” ở chùa trở thành một nghề trong xã hội