Nhà xuất bản nói ‘giá SGK rất rẻ, không ảnh hưởng đến thu nhập các gia đình’
- Văn Duy
- •
Theo ông Ngô Trần Ái, giá sách giáo khoa (SGK) Việt Nam rất rẻ, không ảnh hưởng nhiều đến thu nhập các gia đình khi so với một số chi phí khác.
Tại Hội thảo về công tác biên soạn SGK và sử dụng SGK giáo dục phổ thông ngày 29/9, ông Ngô Trần Ái, Chủ tịch hội đồng quản trị Công ty Cổ phần đầu tư Xuất bản – Thiết bị Giáo dục Việt Nam, nói so với giá các loại sách khác trên thị trường, SGK vẫn có giá thấp hơn.
Theo ông Ái, thực tế giá SGK không ảnh hưởng nhiều đến thu nhập của các gia đình, nhất là so với các chi phí khác như tiền đồng phục.
Ông Ái lấy dẫn chứng bộ SGK lớp 3 gồm 12 quyển có giá 220.000 đồng. Nếu chia trung bình, mỗi quyển có giá xấp xỉ 18.000 đồng.
Trong khi đó, một quyển truyện có độ dày, giấy in, hình minh họa, màu tương tự với sản lượng hơn 100.000 bản trên thị trường cũng đã 90.000-100.000 đồng. “So sánh như vậy để thấy giá SGK rất rẻ”, ông Ái nói.
Cũng theo ông Ái, cách đây 15 năm, bộ sách lớp 3, lớp 7 chỉ có giá 50.000 -100.000 đồng nhưng bây giờ 200.000 đồng.
So với giá SGK ở một số nước, một cuốn SGK in bốn màu, số trang tương tự đã 100.000 – 200.000 đồng (đối với các nước trong khối ASEAN) và từ 200.000 đồng đến 300.000 đồng (như Nhật Bản, Hàn Quốc).
Chẳng hạn, SGK Toán của Singapore giá khoảng 250.000 đồng, SGK Đạo đức và Tự nhiên Xã hội của Hàn Quốc, Nhật Bản 280.000 – 300.000 đồng.
“Vật giá trong 15 năm tăng cao lắm nên tôi thấy giá SGK như vậy không phải là đắt. Giá nguyên vật liệu, công in, nhuận bút, chi phí quảng cáo… đều cao hơn trước, đặc biệt giá giấy tăng cao. Ngay cả giấy Bãi Bằng do Việt Nam sản xuất, giá hiện nay cũng cao hơn 25% so với cách đây 5 năm”, ông Ái nói.
Theo báo cáo kết quả kinh doanh hồi tháng 7, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam in hơn 164 triệu quyển sách giáo khoa trong năm 2021- vượt 40% so với kế hoạch. Tổng doanh thu đạt 1.828 tỷ đồng, trong đó trên 97% đến từ hoạt động phát hành sách và phần thiểu số là nguồn thu tài chính.
Ông Lê Hoàng Hải, Phó tổng giám đốc Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam, cho biết đơn vị này không chỉ xuất bản SGK mà còn nhiều hoạt động sản xuất kinh doanh khác. Ngoài ra, nhà xuất bản đã thoái vốn thành công ở một số đơn vị từng đầu tư. Do đó, một lượng doanh thu tài chính lớn trong những năm qua đổ về, dẫn đến sự đột biến về chỉ số lợi nhuận trên báo cáo tài chính.
“Những yếu tố đó khiến nhiều người nhầm hiểu nhà xuất bản có lợi nhuận khủng khiếp từ việc xuất bản SGK. Nhưng thực ra, lợi nhuận đấy từ rất nhiều nguồn và hoạt động khác của nhà xuất bản, không riêng SGK”, ông Hải giải thích.
Việt Nam thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới (chương trình 2018) từ năm học 2020-2021 với lớp 1. Năm học 2021-2022, chương trình mới được áp dụng với lớp 2 và lớp 6 và năm nay là với lớp 3, lớp 7 và lớp 10. Lộ trình thay sách cuốn chiếu cũng được thực hiện song song với chủ trương “một chương trình, nhiều SGK”, bỏ độc quyền xuất bản. Hiện có sáu nhà xuất bản tham gia biên soạn, phát hành, ba công ty cổ phần khác chỉ tham gia biên soạn.
Trước đó, thảo luận tại hội trường quốc hội chiều 23/5, nhiều đại biểu đã nêu ra nhiều bất cập về chương trình đổi mới sách giáo khoa, thậm chí có câu hỏi liệu có những tiêu cực trong lựa chọn sách giáo khoa hay không. Cụ thể, ĐB Nguyễn Thị Kim Thuý (Đà Nẵng) đã đặt câu hỏi “Liệu có những vụ Việt Á trong lựa chọn sách giáo khoa hay không?”.
ĐB Nguyễn Anh Trí (Hà Nội) thì cho rằng “cử tri đang rất bức xúc về các chương trình giáo dục phổ thông có những vấn đề chưa phù hợp. Đặc biệt sách giáo khoa không được sử dụng lại nên mỗi năm tốn hàng ngàn tỷ đồng để mua sách giáo khoa mới, gây khó khăn cho các gia đình có con đi học, đặc biệt với gia đình khó khăn”.
Thời gian qua, báo chí nhà nước cũng phản ánh việc giá sách cao gấp 2-3 lần so với bộ cũ. Chẳng hạn, một bộ sách lớp 3 hiện tại giá 58.000 đồng, trong khi bộ mới có giá từ 177.000 đến 183.000 đồng, cao hơn ba lần. Mức này của bộ mới chưa bao gồm sách Tiếng Anh – cuốn thường đắt nhất. Do Tiếng Anh trở thành môn học bắt buộc với lớp 3 từ năm học tới, phụ huynh sẽ phải chi thêm ít nhất vài chục nghìn nữa.
Bộ sách lớp 7 mới có giá từ 208.000 đến 209.000 đồng. Nếu tính cả sách tiếng Anh (chưa công bố giá), số tiền có thể cao hơn khoảng hai lần so với hiện hành (134.000 đồng một bộ)….
Sau đó, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn đã đưa ra hàng loạt nguyên nhân để giải thích về thực trạng trên.
Giá SGK tăng gấp 2-3 lần: Bộ trưởng Giáo dục đưa hàng loạt nguyên nhân
Đề xuất chi 3.500 tỷ đồng ngân sách mua sách giáo khoa cho học sinh mượn
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Ngọc Thưởng cho biết Bộ đã giao Vụ Kế hoạch – Tài chính phối hợp với vụ chuyên môn tính toán, đề xuất Chính phủ phương án nhà nước mua sách giáo khoa và cung cấp cho các thư viện trường học để cho học sinh mượn.
Có 3 phương án được đưa ra, một là nhà nước mua 100%; hai là nhà nước mua 70% số sách giáo khoa theo nhu cầu; ba là mua sách giáo khoa cho học sinh nghèo mượn như hiện nay.
Ông Thưởng cho rằng qua phân tích, đánh giá, Bộ chọn phương án 2 là nhà nước mua sách giáo khoa cho 70% số học sinh, bởi vì có những em gia đình có điều kiện và có nhu cầu mua sách giáo khoa sử dụng riêng.
Qua tính toán, số tiền bỏ ra mua sách giáo khoa đưa vào thư viện trường học cho học sinh mượn lần đầu tiên sẽ khoảng 3.500 tỷ đồng, hàng năm bổ sung khoảng 20%.
Cũng theo ông Thưởng, nếu thực hiện được thì sẽ giải quyết được những bức xúc về giá sách giáo khoa, con em vẫn được học những cuốn sách giáo khoa tốt.
Về giá sách giáo khoa, ông Thưởng đề nghị các nhà xuất bản phải lý giải trước dư luận, xã hội vì sao giá sách giáo khoa mới lại cao hơn sách giáo khoa cũ.
Ông Ngô Trần Ái lý giải có 5 nguyên nhân khiến SGK mới có giá cao hơn SGK cũ: |
Văn Duy
Từ khóa NXB Giáo dục Việt Nam Dòng sự kiện giá sách giáo khoa