Trong tuần làm việc cuối cùng của Kỳ họp thứ 5, Quốc hội Việt Nam sẽ xem xét, thông qua 8 luật, 8 nghị quyết. Đặc biệt, Quốc hội sẽ dành cả ngày 21/6 thảo luận về dự án Luật Đất đai (sửa đổi).

quoc hoi viet nam xem xet thong qua 8 luat trong tuan cuoi ky hop thu 5
Quốc hội xem xét thông qua 8 dự án luật trong tuần làm việc cuối cùng. (Ảnh: vov.vn)

Ngày 19/6, Quốc hội bước vào tuần làm việc cuối cùng của kỳ họp thứ 5. Quốc hội sẽ xem xét thông qua 8 luật và 8 nghị quyết.

Đó là các dự án luật: Luật Hợp tác xã (sửa đổi); Luật Giá (sửa đổi); Luật Phòng thủ dân sự; Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi); Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công an nhân dân; Luật Đấu thầu (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam.

Có 8 nghị quyết dự kiến được thông qua, trong đó có Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM; Nghị quyết về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, HĐND bầu hoặc phê chuẩn (sửa đổi); Nghị quyết về kết quả giám sát chuyên đề việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng dịch COVID-19; việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng…

Bên cạnh đó, Quốc hội sẽ tiếp tục thảo luận về các dự án Luật Nhà ở (sửa đổi); Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi); Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở; Luật Tài nguyên nước (sửa đổi); Luật Viễn thông (sửa đổi); Luật Căn cước công dân (sửa đổi); Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự.

Luật Đất đai sửa đổi: Bảng giá đất ban hành hàng năm, thay đổi cách tính giá đất

Trước đó, ngày 9/6, tại phiên họp Quốc hội, Bộ trưởng Bộ TN&MT Đặng Quốc Khánh đọc tờ trình Luật Đất đai sửa đổi.

Theo đó, Dự thảo Luật quy định trường hợp áp dụng giá đất cụ thể thì UBND cấp có thẩm quyền phải phê duyệt quyết định giá đất trong thời gian không quá 180 ngày kể từ ngày có quyết định giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất, gia hạn sử dụng đất, chuyển hình thức sử dụng đất…

Dự thảo cũng bổ sung nội dung cho phép Sở TN&MT được thuê tổ chức tư vấn định giá đất để xây dựng bảng giá đất, thẩm định bảng giá đất; trình hội đồng thẩm định bảng giá đất xem xét trước khi trình UBND cấp tỉnh.

Về phương pháp định giá đất, dự luật đã chỉnh lý theo hướng việc định giá đất phải bảo đảm các nguyên tắc: phương pháp xác định giá đất theo nguyên tắc thị trường; tuân thủ đúng phương pháp, trình tự, thủ tục định giá đất.

Dự thảo Luật cũng bỏ quy định về phương pháp thặng dư trong các phương pháp định giá đất. Theo ban soạn thảo, do “đây thực tế là phương pháp định giá bất động sản phục vụ cho các nhà quản trị tính toán để quyết định đầu tư, chưa phù hợp với quản lý nhà nước về đất đai trong điều kiện thị trường chưa có cơ sở dữ liệu thông tin đầu vào đầy đủ, ổn định, minh bạch”.

Căn cứ xác định giá đất bao gồm: mục đích sử dụng đất được đưa ra định giá; thời hạn sử dụng đất, đối với đất nông nghiệp được Nhà nước giao cho hộ gia đình, cá nhân theo hạn mức giao đất nông nghiệp, đất nông nghiệp trong hạn mức nhận chuyển quyền thì không căn cứ vào thời hạn sử dụng đất; thông tin đầu vào để xác định giá đất theo các phương pháp định giá đất; các yếu tố khác ảnh hưởng đến giá đất; quy định của pháp luật có liên quan tại thời điểm định giá.

Trong đó, thông tin đầu vào bao gồm giá đất được ghi trong hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đã được công chứng, chứng thực; giá đất trúng đấu giá quyền sử dụng đất… Đối với trường hợp chưa có thông tin giá đất trong cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai thì thu thập thông tin giá đất qua điều tra, khảo sát…

Dự thảo Luật quy định bảng giá đất được ban hành hàng năm để đảm bảo giá đất phù hợp với nguyên tắc thị trường. Bởi vì qua tổng kết thi hành luật Đất đai năm 2013, cho thấy việc ban hành bảng giá đất 5 năm một lần, điều chỉnh khi có biến động 20% rất ít địa phương thực hiện được, làm cho bảng giá đất chưa phù hợp với giá đất phổ biến trên thị trường.

Bên cạnh đó, dự thảo đã bổ sung tại Điều 32 quy định người sử dụng đất đang được Nhà nước cho thuê đất trả tiền một lần cho cả thời gian thuê được lựa chọn chuyển sang thuê đất trả tiền thuê đất hàng năm và tiền thuê đất đã nộp được khấu trừ vào tiền thuê đất hàng năm phải nộp.

Bổ sung quy định đơn vị sự nghiệp công lập được Nhà nước giao đất không thu tiền sử dụng đất có nhu cầu sử dụng một phần hoặc toàn bộ diện tích được giao để sản xuất, kinh doanh, cung cấp dịch vụ thì được lựa chọn chuyển sang hình thức Nhà nước cho thuê đất trả tiền thuê đất hàng năm đối với phần diện tích đó.

Bổ sung trách nhiệm của Bộ Nội vụ và UBND các cấp trong việc xác định địa giới hành chính trên thực địa, lập hồ sơ địa giới hành chính của địa phương và việc sử dụng, cung cấp hồ sơ địa chính cho việc quản lý đất đai; bổ sung các quy định về giải quyết tranh chấp địa giới hành chính…

Theo ban soạn thảo, chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi nhà nước thu hồi đất nhận được nhiều ý kiến góp ý nhất.

Người có đất bị thu hồi được bồi thường thiệt hại về đất, tài sản gắn liền với đất, chi phí đầu tư vào đất, thiệt hại do ngừng sản xuất, kinh doanh; được hỗ trợ đào tạo chuyển đổi nghề và tìm kiếm việc làm, hỗ trợ ổn định đời sống, sản xuất, hỗ trợ tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất ở.

Đồng thời, người có đất bị thu hồi được ưu tiên lựa chọn hình thức bồi thường bằng tiền nếu có nhu cầu được bồi thường bằng tiền. Giá đất bồi thường là giá của loại đất thu hồi tại thời điểm phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư.

Dự luật quy định khu tái định cư phải hoàn thiện các điều kiện về hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội đồng bộ theo quy hoạch chi tiết được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.

UBND cấp tỉnh, cấp huyện có trách nhiệm thực hiện dự án tái định cư để chủ động trong việc bố trí tái định cư cho người có đất bị thu hồi.

Việc phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, việc bố trí tái định cư phải được hoàn thành trước khi có quyết định thu hồi đất.

Khánh Vy