Sau ngày 26/7 với số ca nhiễm kỷ lục “đi ngang” ở 7.882 ca, sang sáng 27/7, Bộ Y tế Việt Nam tiếp tục công bố thêm 2.764 ca nhiễm virus Vũ Hán (nCoV) trên cả nước, gồm 2 ca nhập cảnh và 2.762 ca trong nước. 

Trong khi TP.HCM, Bạc Liêu thắt chặt việc đi lại, tỉnh Tây Ninh trong ngày 26/7 đã ra thông báo khẩn về việc chuyển tất cả các cơ sở khám, chữa bệnh công lập thành bệnh viện điều trị bệnh nhân COVID-19, trưng dụng nhiều cơ sở làm bệnh viện dã chiến, còn việc khám chữa, cấp cứu các bệnh khác do hai bệnh viện tư nhân đảm trách.

ho tro thuc pham tphcm
Gạo, mì, sữa, dưa leo, chanh… từ thiện được chuyển cho xóm trọ lao động trên đường Đào Trí Quận 7 (TP.HCM), ngày 26/7. (Ảnh: Tài Võ/Tôi là dân quận 7/Facebook)

2.762 ca lây nhiễm trong nước ghi nhận tại 21 tỉnh thành: TP.HCM (1.849), Đồng Tháp (149), Tây Ninh (144), Đồng Nai (119), Bình Dương (87), Vĩnh Long (73), Tiền Giang (63), Bến Tre (60), Bà Rịa – Vũng Tàu (52), An Giang (43), Phú Yên (37), Khánh Hòa (26), Cần Thơ (17), Đăk Lăk (11), Kiên Giang (11), Hậu Giang (7), Hà Nội (4), Bình Định (4), Trà Vinh (3), Huế (2), Cà Mau (1).

Trong đó, tổng cộng 2.224 ca được phát hiện ở khu cách ly hoặc khu đã được phong tỏa, 538 ca đang điều tra dịch tễ; lần lượt tăng 27 ca và tăng 31 ca so với con số tương ứng 2.197 ca và 507 ca vào thời điểm 6h sáng 26/7.

Cập nhật số ca nhiễm mới tại 21 tỉnh thành, tình hình số ca nhiễm tại 62/63 tỉnh thành của Việt Nam như sau:

  • nhóm trên 68.200 ca: TP.HCM 68.271;
  • nhóm trên 8.800 ca: Bình Dương 8.830;
  • nhóm trên 5.700 ca: Bắc Giang 5.735;
  • nhóm trên 3.800 ca: Long An 3.856;
  • nhóm trên 2.500 ca: Đồng Nai 2.594;
  • nhóm trên 2.200 ca: Đồng Tháp 2.243;
  • nhóm trên 1.800 ca: Tiền Giang 1.825;
  • nhóm trên 1.700 ca: Bắc Ninh 1.719;
  • nhóm trên 1.000 ca: Phú Yên 1.068;
  • nhóm trên 900 ca: Khánh Hòa 993, Hà Nội 988 ca; Tây Ninh 938;
  • nhóm trên 700 ca: Vĩnh Long 708;
  • nhóm trên 600 ca: Đà Nẵng 688, Bà Rịa – Vũng Tàu 607;
  • nhóm trên 500 ca: Bến Tre 551;
  • nhóm trên 300 ca: Cần Thơ 393, Bình Thuận 357;
  • nhóm trên 200 ca: Quảng Ngãi 262, Hưng Yên 261, An Giang 226;
  • nhóm trên 100 ca: Nghệ An 190, Vĩnh Phúc 181, Kiên Giang 159, Ninh Thuận 151, Trà Vinh 145, Bình Phước 133, Hà Tĩnh 128, Đăk Lăk 128, Lạng Sơn 118, Bình Định 103;
  • nhóm từ 10-100 ca: Hậu Giang 99, Sóc Trăng 87, Hà Nam 62, Điện Biên 58, Hải Dương 51, Quảng Nam 48, Đăk Nông 41, Lâm Đồng 40, Thái Bình 31, Gia Lai 27, Hải Phòng 25, Cà Mau 25, Bạc Liêu 23, Thanh Hóa 21, Thừa Thiên Huế 18, Hòa Bình 14, Nam Định 10, Lào Cai 10;
  • nhóm từ 1-dưới 10 ca: Hà Giang 8, Phú Thọ 6, Ninh Bình 5, Quảng Ninh 5, Bắc Kạn 5, Kon Tum 4, Quảng Trị 3, Thái Nguyên 3, Sơn La 3, Quảng Bình 2, Tuyên Quang 2, Yên Bái, Lai Châu mỗi nơi một ca.

Tại TP.HCM, với việc tăng cường Chỉ thị 16 dự kiến đến hết ngày 1/8, nhằm hạn chế hơn nữa khả năng tiếp xúc xã hội, từ 18h ngày 26/7, TP.HCM chính thức yêu cầu mọi người không ra khỏi nhà, mọi hoạt động phải dừng 6h sáng hôm sau, trừ một số trường hợp được cho phép.

Trước nhiều cuộc “rút chạy” tự phát (đi bộ, đi xe đạp, đi xe máy) khỏi TP.HCM của nhiều người dân, PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) khuyến nghị chính quyền các tỉnh thành nên phối hợp với chính quyền TP.HCM đưa người dân trở về bằng máy bay, tàu hỏa, xe khách, để tránh nguy cơ tai nạn giao thông và nguy cơ lây nhiễm dọc đường, theo Vnexpress.

Sau chuyến tàu đưa hơn 700 người từ TP.HCM về Hà Tĩnh (tối 24/7), trong hôm nay, 15h20 ngày 27/7, 320 người sẽ đi tàu hỏa đi từ TP.HCM về Huế. Hai ngày sau, lúc 15h05 ngày 29/7, 400 người sẽ đi tàu hỏa từ TP.HCM về Quảng Trị.

Vào tối 25/7, khi tổng số ca nhiễm tại TP.HCM vượt trên 60 ngàn ca, các cơ sở thu dung, điều trị COVID-19 đang tiếp nhận điều trị gần 40 ngàn trường hợp, giới chức TP này cho hay chuyển dần chiến lược sang điều trị, giảm tỷ lệ tử vong và đưa các F0 không triệu chứng về các bệnh viện tuyến quận, huyện.

Nối tiếp TP.HCM, cũng từ 18h ngày 26/7, tỉnh Bạc Liêu yêu cầu người dân không ra đường từ 18h đến 5h sáng hôm sau. Giải thích về điều này, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu – ông Phạm Văn Thiều cho rằng một số người chưa tuân thủ tốt biện pháp phòng dịch, số lượng người ra đường vẫn còn đông, nhất là tại trung tâm các huyện, thị xã.

Ngoài yêu cầu người dân không ra đường ban đêm, tỉnh này còn hạn chế tối việc sử dụng xe máy để chở người, trừ hoạt động công vụ, tuần tra kiểm soát và chở người bệnh đi cấp cứu. Người đi xe máy ra đường phải giải thích rõ lý do, nếu không phải thật sự cần thiết thì buộc quay về nhà, cao hơn có thể bị xử phạt.

Đáng lưu ý, tại tỉnh Tây Ninh, ngày 26/7, Sở Y tế ra thông báo khẩn về việc chuyển tất cả các cơ sở khám, chữa bệnh công lập thành bệnh viện điều trị bệnh nhân COVID-19.

Theo đó, các bệnh viện: Bệnh viện Đa khoa, Bệnh viện Lao và Bệnh phổi, Bệnh viện Phục hồi chức năng tỉnh và các Trung tâm y tế huyện, thị xã, thành phố sẽ chuyển đổi công năng làm nơi điều trị bệnh nhân COVID-19, tổng quy mô 800 giường.

Ngoài ra, tỉnh này còn trưng dụng Trường Phổ thông Dân tộc nội trú tỉnh Tây Ninh, Trường Cao đẳng Sư phạm Tây Ninh (phường Ninh Sơn, thành phố Tây Ninh); Bệnh viện Đa khoa tư nhân Cao Văn Chí cũ (xã Long Thành Trung, thị xã Hòa Thành) và tại Khu công nghiệp Thành thành Công (xã An Hòa, huyện Trảng Bàng) làm các bệnh viện dã chiến (tổng 1.120 giường) để tiếp nhận, điều trị F0 không có triệu chứng, triệu chứng mức độ nhẹ.

Hai bệnh viện tư nhân: Bệnh viện Xuyên Á Gò Dầu (huyện Gò Dầu) sẽ thực hiện khám chữa bệnh, cấp cứu cho người dân tại các các huyện Gò Dầu, Bến Cầu, Dương Minh Châu, thị xã Trảng Bàng; còn Bệnh viện Đa khoa Hồng Hưng (thị xã Hòa Thành) thực hiện khám chữa bệnh cho người dân tại các các huyện Châu Thành, Tân Biên, Tân Châu, Hòa Thành và thành phố Tây Ninh.

Trước khi đưa ra quyết định trong ngày 26/7, vào ngày 25/7, tỉnh này phát hiện thêm 159 ca dương tính với nCoV (xét nghiệm PCR), 3 ca tử vong, nâng số ca đã tử vong từ đầu mùa dịch đến nay lên 7 ca. Tính đến sáng 27/7, tổng số ca nhiễm ghi nhận tại tỉnh này đã gần chạm mốc 1.000 ca.

Trong đợt bùng phát hiện tại, từ ngày 27/4 đến nay, tổng số ca nhiễm trong cộng đồng là 105.287 ca. 18.570 bệnh nhân được công bố bình phục, tăng 2.006 người so với thời điểm 6h ngày 26/7 (16.564 người).

126 bệnh nhân nặng đang điều trị ICU; 15 bệnh nhân nguy kịch đang điều trị ECMO (lần lượt giảm 4 bệnh nhân và 2 bệnh nhân so với thời điểm 6h ngày 26/7).

Trong đó, số ca COVID-19 do lây nhiễm trong nước cao kỷ lục “leo thang” tập trung trong đợt dịch lần 4, gồm các ngày 25/6 (845 ca); ngày 3/7 (914 ca); ngày 4/7 (873 ca); ngày 5/7 (1.089 ca); ngày 6/7 (1.029 ca); ngày 7/7 (1.007 ca), ngày 8/7 (1.307 ca); ngày 9/7 (1.616 ca); ngày 10/7 (1.853 ca); ngày 11/7 (1.945 ca); ngày 12/7 (2.383 ca); ngày 13/7 (2.296 ca); ngày 14/7 (2.934 ca); ngày 15/7 (3.379 ca); ngày 16/7 (3.321 ca); ngày 17/7 (3.705 ca), ngày 18/7 (5.887 ca); ngày 19/7 (4.175 ca); ngày 20/7 (4.789 ca); ngày 21/7 (5.343 ca); ngày 22/7 (6.164 ca), ngày 23/7 (7.295 ca), ngày 24/7 (7.937 ca); ngày 25/7 (7.525 ca); ngày 26/7 (7.859 ca).

Số tỉnh, thành phố đã qua 14 ngày không ghi nhận trường hợp mắc mới tạm giữ ở con số 8 tỉnh, gồm: Yên Bái, Quảng Trị, Tuyên Quang, Thái Nguyên, Điện Biên, Hải Dương, Quảng Ninh, Bắc Kạn, không thay đổi so với thời điểm 6h ngày 26/7.

Tổng số ca mắc COVID-19 Việt Nam đã công bố từ đầu mùa dịch (tháng 1/2020) đến nay theo Bộ Y tế công bố là 109.111 ca (2.203 ca nhập cảnh và 106.908 ca mắc trong nước). Tổng số bệnh nhân hiện đang điều trị tăng lên 81.461 bệnh nhân; 19.342 người được công bố bình phục; 524 người tử vong.

Trong ngày 26/7, thêm 109.234 người đã tiêm vắc-xin COVID-19 (AstraZeneca, Sinopharm, Moderna, Pfizer), nâng tổng số liều Việt Nam đã tiêm là 4.746.642.  Trong đó 4.323.571 người tiêm 1 mũi, 423.071 người tiêm đủ 2 mũi.

Nguyễn Sơn

Xem thêm:

Trung Quốc xây tường biên giới Myanmar để ngăn chặn sự lây lan COVID-19