Sáng 8/8, Bộ Y tế Việt Nam công bố ghi nhận thêm 4.941 ca nhiễm virus Vũ Hán (nCoV) mới, gồm 4 ca nhập cảnh và 4.937 ca lây nhiễm trong nước. Bước sang ngày thứ 102 ghi nhận đợt bùng phát, Việt Nam vẫn có tới 1.274 ca đang điều tra dịch tễ, chưa rõ nguồn lây.

Cả nước tăng thêm 234 bệnh nhân COVID-19 tử vong sau 24h cập nhật (6h ngày 7/8 – 6h ngày 8/8), từ con số công bố của Bộ Y tế.

khu cach ly tap trung 2
Một tình nguyện viên bê chăn/mền cứu trợ của đoàn thiện nguyện vào một khu cách ly tập trung của quận 4, TP.HCM, ngày 7/8/2021. (Ảnh: Phuong Ho/Tôi là dân quận 4/Facebook)

4.937 ca ghi nhận tại 23 tỉnh thành, gồm: TP.HCM (1.896), Bình Dương (1.477), Long An (724), Đồng Nai (390), Sóc Trăng (94), Hà Nội (63), Đà Nẵng (62), Vĩnh Long (57), Đồng Tháp (48), Ninh Thuận (23), Thừa Thiên Huế (19), Kiên Giang (18), Bình Định (14), Hậu Giang (14), Phú Yên (13), Quảng Ngãi (9), Lào Cai (3), Hà Tĩnh (3), Thanh Hóa (2), Lạng Sơn (2), Sơn La (2), Bạc Liêu (2), Cà Mau (2) .

Trong đó, tổng cộng 3.663 ca được phát hiện ở khu cách ly hoặc khu đã được phong tỏa, 1.274 ca đang điều tra dịch tễ.

Cập nhật số ca nhiễm mới tại 23 tỉnh thành, tình hình số ca nhiễm tại 62/63 tỉnh thành của Việt Nam như sau:

  • nhóm trên 119.800 ca: TP.HCM 119.802;
  • nhóm trên 25.900 ca: Bình Dương 25.906;
  • nhóm trên 10.100 ca: Long An 10.115;
  • nhóm trên 7.600 ca: Đồng Nai 7.695;
  • nhóm trên 5.700 ca: Bắc Giang 5.739;
  • nhóm trên 3.900 ca: Đồng Tháp 3.924;
  • nhóm trên 3.100 ca: Khánh Hòa 3.165;
  • nhóm trên 2.800 ca: Tiền Giang 2.886;
  • nhóm trên 2.400 ca: Tây Ninh 2.422;
  • nhóm trên 1.900 ca: Hà Nội 1.950;
  • nhóm trên 1.800 ca: Bà Rịa – Vũng Tàu 1.893;
  • nhóm trên 1.700 ca: Bắc Ninh 1.724;
  • nhóm trên 1.600 ca: Phú Yên 1.689, Cần Thơ 1.681;
  • nhóm trên 1.400 ca: Đà Nẵng 1.465;
  • nhóm trên 1.200 ca: Vĩnh Long 1.274;
  • nhóm trên 1.100 ca: Bình Thuận 1.102;
  • nhóm trên 1.000 ca: Bến Tre 1.073;
  • nhóm trên 400 ca: An Giang 465, Trà Vinh 457;
  • nhóm trên 300 ca: Ninh Thuận 390, Sóc Trăng 370, Quảng Ngãi 351, Đăk Lăk 348, Kiên Giang 337, Bình Định 328;
  • nhóm trên 200 ca: Hậu Giang 281, Nghệ An 273, Hưng Yên 269, Bình Phước 251, Vĩnh Phúc 231, Hà Tĩnh 208;
  • nhóm trên 100 ca: Gia Lai 182, Quảng Nam 177, Lạng Sơn 138, Hải Dương 122, Đăk Nông 120, Thừa Thiên Huế 120;
  • nhóm từ 10-100 ca: Thanh Hóa 89, Lâm Đồng 71, Hà Nam 67, Điện Biên 60, Bạc Liêu 58, Thái Bình 50, Quảng Bình 46, Sơn La 46, Lào Cai 43, Ninh Bình 42, Cà Mau 40, Hải Phòng 26, Quảng Trị 21, Kon Tum 20, Hà Giang 20, Hòa Bình 16, Phú Thọ 13, Thái Nguyên 13, Nam Định 12;
  • nhóm từ 1-dưới 10 ca: Bắc Kạn 5, Quảng Ninh 5, Yên Bái 3, Tuyên Quang 2, Lai Châu 1 ca.

Nhóm các tỉnh thành đã qua 14 ngày không ghi nhận trường hợp mắc mới hiện còn 2 tỉnh, gồm: Quảng Ninh, Bắc Kạn, không thay đổi so với cập nhật vào 6h ngày 7/8.

Hiệp hội Các doanh nghiệp khu công nghiệp TP.HCM đề xuất TP xây bệnh viện dã chiến ngay tại khu công nghiệp, mục đích để không đứt gãy chuỗi sản xuất và điều trị cho công nhân nhiễm virus.

Trong cuộc họp ngày 6/8 với Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, nhiều doanh nghiệp kiến nghị dừng phương án “3 tại chỗ”, cho DN hoạt động bình thường, test nhanh 1 lần/tuần/người lao động; lý do vì số lượng công nhân sụt giảm kéo theo sản lượng sụt giảm, tâm lý người lao động bức bối.

Ông Đam thừa nhận phương án “3 tại chỗ” chỉ có thể áp dụng tối đa 3 tuần, không thể áp dụng như đã từng với 2 tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang. Giải pháp thay thế chưa được đưa ra, phía đại diện Chính phủ đề nghị các DN lớn chủ đồng hợp tác với các đơn vị y tế tư nhân để giám sát y tế tại chỗ; các công ty cần nắm được số lượng công nhân trong vùng an toàn/nguy hiểm để đưa ra phương án cho công nhân về nhà hoặc ở tại chỗ.

Tây Ninh đang triển khai mô hình bệnh viện dã chiến trong khu công nghiệp. Trong đó, Bệnh viện dã chiến tại Khu công nghiệp Thành Thành Công, Trảng Bàng quy mô 600 giường; Bệnh viện dã chiến Khu công nghiệp Phước Đông quy mô 500 giường; Khu chế xuất Linh Trung 3 (Trảng Bàng) dự kiến giao đất hoặc nhà xưởng để xây dựng bệnh viện dã chiến như trên.

Ngày 7/8, Cục Hàng không Việt Nam đề xuất dừng toàn bộ các chuyến bay Hà Nội – TP.HCM và giữa các tỉnh thành đang giãn cách theo Chỉ thị 16, chỉ khai thác các chuyến bay mục đích công vụ. Hiện ngành hàng không Việt Nam đã dừng đường bay từ Hà Nội đến Rạch Giá, Cà Mau, Côn Đảo, Cần Thơ, Phú Quốc; đường bay Hà Nội – TP.HCM giảm từ 8 chuyến khứ hồi/ngày còn 2 chuyến khứ hồi/ngày.

Quảng Ninh thông báo sẽ xét nghiệm sàng lọc tất cả người lao động, công nhân tại các công trường xây dựng (kể cả các công trình xây dựng nhà dân), người lao động trong các nhà máy, xí nghiệp, cơ sở sản xuất trong tỉnh, từ ngày 7-12/8.

Trước đó, từ 12h ngày 4/8, tỉnh này đã tạm dừng các bãi tắm công cộng; các dịch vụ văn hóa, thể thao (sân bóng đá, phòng tập gym, fitness, yoga, câu lạc bộ bi-a,…) trên toàn tỉnh; hàng quán đường phố phải bán mang đi; chỉ cho người vào tỉnh khi có xét nghiệm RT-PCR âm tính không quá 72 giờ kể từ giờ lấy mẫu (quá 36 giờ kể từ giờ có kết quả xét nghiệm phải test nhanh tại chốt).

Tổng số ca nhiễm trong cộng đồng của đợt bùng phát hiện tại, từ ngày 27/4 đến nay, là 201.692 ca. 63.863 bệnh nhân được công bố bình phục, tăng 4.305 người so với thời điểm 6h ngày 7/8 (59.558 người).

512 bệnh nhân nặng đang điều trị ICU (giảm 6 người); 19 bệnh nhân nguy kịch đang điều trị ECMO (tăng 1 người so với thời điểm 6h ngày 7/8).

Tổng số ca mắc COVID-19 Việt Nam từ đầu mùa dịch (tháng 1/2020) đến nay theo Bộ Y tế công bố là 205.656 ca (2.343 ca nhập cảnh và 203.313 ca mắc trong nước). Số tử vong/tổng số bệnh nhân đang điều trị: 3.250/135.769, lần lượt tăng 234 và tăng 3.942  so với con số tương ứng cập nhật lúc 6h ngày 7/8.

234 ca tử vong (3017-3250) mới công bố ghi nhận tại 13 tỉnh thành sau:

  • TP.HCM từ ngày 6-7/8: 185 ca
  • TP Cần Thơ ngày 7/8: 7 ca
  • Tỉnh Bến Tre ngày 7/8: 7 ca
  • Tỉnh Vĩnh Long ngày 7/8: 7 ca
  • Tỉnh Đồng Nai ngày 7/8: 5 ca
  • Tỉnh Khánh Hòa ngày 7/8: 5 ca
  • Tỉnh Tây Ninh ngày 7/8: 5 ca
  • Tỉnh Tiền Giang ngày 7/8: 5 ca
  • Tỉnh Bình Thuận ngày 7/8: 3 ca
  • Tỉnh Sóc Trăng ngày 7/8: 2 ca
  • Tỉnh Bình Dương ngày 7/8: 1 ca
  • Tỉnh Hậu Giang ngày 7/8: 1 ca
  • Tỉnh Trà Vinh ngày 7/8: 1 ca

Trong ngày 7/8, thêm 356.544 người đã tiêm vắc-xin COVID-19 (AstraZeneca, Sinopharm, Moderna, Pfizer), nâng tổng số liều Việt Nam đã tiêm là 8.896.615.  Trong đó 8.008.156 người tiêm 1 mũi, 888.459 người tiêm đủ 2 mũi.

Nguyễn Sơn

Xem thêm:

Vương Hữu Quần: Tại sao ĐCSTQ lại phát động cuộc chiến tuyên truyền chống Mỹ?